Sử dụng hiệu quả vốn ủy thác từ ngân sách địa phương

Những năm qua, từ nguồn vốn ủy thác ngân sách địa phương (NSĐP) chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã giải quyết việc làm (GQVL) cho hàng nghìn lao động trên địa bàn tỉnh.

Những năm qua, từ nguồn vốn ủy thác ngân sách địa phương (NSĐP) chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã giải quyết việc làm (GQVL) cho hàng nghìn lao động trên địa bàn tỉnh.

Từ vốn ủy thác ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH, gia đình ông Vũ Khắc Cường, khu 2, thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy) đã được vay vốn để đi xuất khẩu lao động, từng bước cải thiện kinh tế.

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 và Kết luận số 06-KL/TW, ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư đã đem lại hiệu quả tích cực trong thực hiện tín dụng chính sách (TDCS) trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, UBND tỉnh và các huyện, thành phố đã chuyển nguồn vốn ủy thác NSĐP sang NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên 40 tỷ đồng. Qua đó, nâng tổng nguồn vốn ủy thác địa phương lên trên 143 tỷ đồng, tăng gần 41 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2022. Thông qua nguồn vốn này đã giúp hàng nghìn hộ dân được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên 5,6 nghìn lao động trên địa bàn tỉnh.

Đầu năm 2023, gia đình ông Vũ Khắc Cường, khu 2, thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy) được vay 67 triệu đồng từ NHCSXH để vợ đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan. Đây là nguồn vốn từ NSĐP chuyển sang, được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lạc Thủy cho gia đình ông Cường và trên 300 hộ dân trên địa bàn huyện vay vốn để giải quyết việc làm. "Do kinh tế còn nhiều khó khăn nên vợ tôi đi xuất khẩu sang Đài Loan nhằm cải thiện thu nhập để có điều kiện chăm lo tốt hơn cho con. Tuy nhiên gia đình vẫn còn gặp khó khăn về chi phí nên nguồn vốn NHCSXH cho vay có ý nghĩa rất quan trọng. Đến nay, công việc của vợ tôi đã ổn định, hàng tháng có khoản thu nhập gửi về nhà để trang trải cuộc sống, kinh tế cũng dần ổn định hơn”, ông Cường chia sẻ.

Bên cạnh chú trọng cho vay xuất khẩu lao động, những năm qua, nguồn vốn ủy thác từ NSĐP chuyển sang được NHCSXH tỉnh tập trung cho vay GQVL. Theo đó, mỗi năm đã có hàng nghìn lao động được GQVL từ nguồn vốn này. Như gia đình ông Đặng Trung Quý, xóm Mạ, xã Tú Lý (Đà Bắc) được vay 80 triệu đồng từ nguồn vốn NSĐP chuyển sang NHCSXH đã phát triển nghề nuôi bò, với tổng đàn trên 10 con. Nhờ nguồn vốn này đã giúp gia đình ông Quý có được nguồn thu nhập ổn định, vươn lên để làm giàu. "Khi nhận được khoản vay của NHCSXH, gia đình tôi xác định cần phải sử dụng vốn thật hiệu quả. Với lãi suất ưu đãi và sự hỗ trợ tận tình của NHCSXH và tổ chức ủy thác vốn, đến nay kinh tế của gia đình tôi đã có nhiều cải thiện”, ông Quý bộc bạch.

Theo Chi nhánh NHCSXH tỉnh, ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh và các huyện, thành phố đã hoàn thành chuyển vốn từ nguồn NSĐP sang NHCSXH để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Theo đó, UBND tỉnh đã chuyển 22,89 tỷ đồng, UBND các huyện, thành phố đã chuyển tổng số tiền 33 tỷ đồng. Đây là năm chuyển vốn NSĐP sang NHCSXH cao nhất kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.

Theo lãnh đạo Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Ngay sau khi nhận được vốn ủy thác từ NSĐP chuyển sang, toàn chi nhánh đã tập trung giải ngân đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Trong tháng 1/2024, nguồn vốn này tiếp tục được tập trung cho vay GQVL với trên 1,2 nghìn lao động trên địa bàn tỉnh được vay vốn.

Viết Đào

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/186804/su-dung-hieu-qua-von-uy-thac-tu-ngan-sach-dia-phuong.htm