Sự cố Djokovic phơi bày mặt tối của Australia

Việc Djokovic bị đưa tới khách sạn Park, nơi dành cho người nhập cư bị quản thúc ở Melbourne, đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế về hoàn cảnh sống 'như tra tấn' của cơ sở này.

Trong lúc chờ đợi quyết định về số phận của mình tại Australian Open, Novak Djokovic đang phải ở lại trong khách sạn Park ở Melbourne, giữa lúc đội ngũ luật sư thực hiện thách thức pháp lý với quyết định hủy visa của Australia, Guardian đưa tin ngày 6/1.

Đây là cơ sở sinh sống của những người tị nạn và xin tị nạn khi tới Australia từ cuối năm 2020, và từng là nơi cách ly phòng dịch Covid-19, theo Washington Post. Tuy nhiên, khách sạn Park cũng là trung tâm của các cuộc biểu tình phản đối về cách mà chính phủ đối xử với người di cư.

Các nhà hoạt động nhân quyền và người tị nạn đang hy vọng sự chú ý của giới truyền thông toàn cầu về sự cố visa của tay vợt số một thế giới sẽ là bàn đạp để họ đấu tranh nhằm thay đổi chính sách nhập cư của Australia, theo SBS News.

Kiệt quệ về thể chất lẫn tinh thần

Theo BBC, trong số 70 người di cư bị giam giữ tại các cơ sở trên khắp Australia, hiện có khoảng 33 người ở bên trong khách sạn Park. Khách sạn 107 phòng được Tập đoàn Pelligra mua lại vào tháng 9/2020 với giá 35 triệu USD.

Những người bị giam giữ tại đây mô tả khách sạn Park như "phòng tra tấn", theo Guardian.

"Không có không khí trong lành. Gần đây thì hỏa hoạn. Thức ăn thì chán, chúng tôi không được quyền tới phòng tập thể dục. Khách sạn bị phong tỏa hoàn toàn", Jamal Mohamed, 38 tuổi, nói. “Tôi đau khổ từng ngày. Tôi gặp ác mộng mỗi đêm, tất cả những gì tôi muốn là tự do. Nó thực sự khủng khiếp”.

Mehdi, người tị nạn đã trải qua 9 năm giam giữ, nói với Guardian: “Có một sự thất vọng: Mọi người đều muốn hỏi tôi về Novak, khách sạn đối với anh ấy như thế nào. Nhưng họ không hỏi về chúng tôi: Chúng tôi đã bị nhốt ở nơi này trong nhiều tháng, trong nhiều năm".

“Tôi chưa bao giờ thấy nhiều máy quay, nhiều sự chú ý đến vậy. Tôi hy vọng Novak Djokovic biết về tình hình của chúng tôi ở đây, và anh ấy sẽ nói về điều đó”, anh nói thêm.

Khách sạn Park - được chính phủ liên bang chỉ định là "nơi quản thúc thay thế" - chỉ là một trong địa điểm gần đây nhất mà nhiều người tị nạn và xin tị nạn từ đảo Nauru được chuyển tới với lý do y tế.

Điều đó có nghĩa họ cần phải được chăm sóc y tế khẩn cấp do tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên, họ lại không nhận được điều mà họ cần.

Jamal Mohamed cho biết điều kiện trở nên tồi tệ hơn trong thời gian anh ở đây. “Nó giống như một xà lim tra tấn. Tôi chắc chắn gọi đó là tra tấn”, anh nói.

Vào cuối tháng 12/2021, đã một vài báo cáo về những bữa ăn có giòi và bánh mì mốc trong khách sạn. Một số người đã mắc bệnh từ các loại đồ ăn này.

Một số vụ hỏa hoạn cũng bùng phát vào khoảng thời gian này. Những người tị nạn đã phải sơ tán, một người được chuyển tới bệnh viện vì ngạt khói, nhưng may mắn không có thương vong.

 Các biểu ngữ đòi quyền tự do và quyền con người được dán tại cửa sổ các phòng ở khách sạn Park sáng 7/1. Ảnh: Reuters.

Các biểu ngữ đòi quyền tự do và quyền con người được dán tại cửa sổ các phòng ở khách sạn Park sáng 7/1. Ảnh: Reuters.

Ishmael cho biết anh và những người tị nạn khác bị “đối xử tệ bạc” và cảm thấy mình đang “mất trí”.

“Chúng tôi bị giam giữ ở nơi hoàn toàn không có ánh sáng Mặt Trời, không có không khí trong lành, không có khoảng trống để di chuyển. Chúng tôi dành 23 giờ mỗi ngày trong căn phòng không có cửa sổ. Chúng tôi không biết mình sẽ sống được bao lâu nếu tiếp tục ở đây", Ishmael nói. "Chúng tôi mắc bệnh, cả về thể chất và tinh thần".

Khi nghe tin về sự xuất hiện của Djokovic, anh nói rằng ngôi sao quần vợt “may mắn” khi không bị đối xử như họ. Anh cho rằng chính phủ muốn gửi thông điệp rằng sự xuất hiện của Djokovic là bằng chứng Australia đối xử công bằng với mọi đối tượng.

"Tuy nhiên, mọi thứ đã không công bằng trong 9 năm qua. Họ phân biệt đối xử dựa trên giai cấp, một số người từ các nước phát triển chưa bao giờ bị giam giữ", anh nói. "Bây giờ họ muốn gửi thông điệp đó, nhưng đó không phải sự thật".

“Chúng tôi bị phân biệt đối xử vì chúng tôi đến bằng thuyền chứ không phải máy bay. (Chúng tôi) không có sự chăm sóc. Chúng tôi đến vì muốn được an toàn, không phải để chơi quần vợt", Joy - người gọi đây là "trung tâm tra tấn", cho biết, đồng thời nói rằng anh đã ở đó hai năm mà "không có lý do". "Đây không phải là thể thao hay công bằng gì cả".

"Làm ơn, chúng tôi muốn sự tự do", anh nói.

"Nhiều người ở lại sau khi Djokivic rời đi"

Những người ủng hộ nhân quyền đã lên tiếng tố cáo điều kiện sống của người tị nạn và tổ chức nhiều cuộc biểu tình. Hồi tháng 10/2021, hàng chục người đã tụ tập bên ngoài khách sạn và yêu cầu trả tự do cho những người tị nạn khi dịch Covid-19 bùng phát tại cơ sở này.

16 người tị nạn đã có kết quả dương tính với Covid-19 tại thời điểm đó. Nhân viên và người bị giam giữ mô tả Park như một "lò ấp virus".

"Tôi ngồi trong phòng và sợ hãi. Tất cả chúng tôi đều sợ", Salah Mustafa nói với Guardian vào lúc đó.

Trước khi là nơi quản thúc người tị nạn, Rydges (tên cũ của Park) được chính phủ sử dụng làm khách sạn cách ly và là trung tâm của làn sóng Covid-19 thứ 2 ở Victoria.

Rydges bị loại khỏi chương trình cách ly tại khách sạn ở Victoria sau khi cuộc điều tra của chính phủ cho thấy “chưa có sự quan tâm đầy đủ đến các tiêu chuẩn phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm, đặc biệt là tại địa điểm này".

“Đây là sự thờ ơ đối với cuộc sống (của những người tị nạn). Mối quan tâm của chúng tôi là những người tị nạn không an toàn khi sống tại khách sạn. Đó là lò ấp và họ không được mở cửa sổ", phát ngôn viên của Tổ chức Hành động Người tị nạn - Chris Breen - nói với SBS News.

Theo BBC, ông Breen cho biết điều khủng khiếp nhất đối với những người tị nạn ở đây là việc họ bị "giam giữ vô thời hạn".

"Nếu chỉ ở đó vài ngày, sống trong một căn phòng như vậy không phải là vấn đề gì to lớn. Nhưng nếu bạn bị mắc kẹt ở đó thì lại là một câu chuyện khác", ông nói. "Ít ra, Djokovic còn biết một lúc nào đó anh ấy sẽ được ra ngoài - cho dù là xin lại thị thực hay bị trục xuất - nhưng những người tị nạn thì không".

Ông Breen cũng cho rằng các nhân viên sẽ "cẩn thận hơn nhiều" với Djokovic, ví dụ như thức ăn.

 Những người ủng hộ tay vợt Novak Djokovic và nhóm biểu tình cho người tị nạn bên ngoài khách sạn Park ngày 7/1. Ảnh: Reuters.

Những người ủng hộ tay vợt Novak Djokovic và nhóm biểu tình cho người tị nạn bên ngoài khách sạn Park ngày 7/1. Ảnh: Reuters.

Khi được ABC hỏi vào sáng 7/1 về cách mà Australia đối xử với người xin tị nạn, Bộ trưởng Nội vụ Karen Andrews cho biết tất cả người nhập cư bị quản thúc đều được đối xử “công bằng”.

“Những người nhập cư bị quản thúc, cho dù là tại khách sạn ở Melbourne hay bất kỳ nơi nào khác trên đất Australia, ở đó vì họ không có thị thực hợp lệ hoặc họ ở Australia một cách bất hợp pháp vì một số lý do", bà nói.

“Đối với những người đang biểu tình, tất cả những gì tôi có thể nói là mọi người ở Australia có quyền nói lên ý kiến của họ và phản đối. Họ chỉ cần làm điều đó một cách hợp pháp", bà nói thêm.

Luật sư Alison Battisson cho biết hoàn cảnh của Djokivic là điều "rất đáng tiếc" mà nhiều người khi đến Australia phải đối mặt.

“Novak Djokovic có nhiều nguồn lực quốc tế đằng sau. Hãy tưởng tượng một người (nổi tiếng) thế mà còn bị đối xử như vậy, thì những người xin tị nạn tại sân bay hoặc thuyền còn phải đối mặt với hệ thống bất khả xâm phạm này như thế nào", bà nói.

Mostafa Azimitabar - người Kurd nhập cư trải qua sáu năm bị giam giữ ngoài khơi đảo Manus, sau đó là 14 tháng ở hai khách sạn tại Melbourne - đã kiện chính phủ Australia vì sử dụng khách sạn giam giữ người di cư là bất hợp pháp. Anh mô tả căn phòng tại khách sạn Park giống như "chiếc quan tài".

“Cả thế giới đang theo dõi Novak Djokovic”, Azimitabar viết trên Twitter. “Là một người tị nạn, tôi đã bị giam ở đó, những người tị nạn vẫn bị giam ở đó trong những căn phòng nhỏ không có không khí trong lành. Không ai xứng đáng với điều này. Đừng quên nhiều người vẫn sẽ phải ở lại trong một thời gian dài sau khi Djokovic rời đi".

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-co-djokovic-phoi-bay-mat-toi-cua-australia-post1288133.html