Sự 'cấp bách mới' buộc EU phải tăng cường tự chủ về quốc phòng

Các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ bàn cách làm cho ngành công nghiệp quốc phòng của 'cựu lục địa' trở nên kiên cường và cạnh tranh hơn trong bối cảnh khủng hoảng.

Bối cảnh an ninh thay đổi kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine và xung đột tái bùng phát ở Trung Đông…

Sau nhiều năm thiếu đầu tư do các quốc gia thành viên chi tiêu thấp cho quân sự…

Mắt thấy nguy cơ kịch bản ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng thành hiện thực ngày càng cao…

Tất cả đang tạo ra sự cấp bách mới buộc Liên minh châu Âu (EU) nỗ lực nhiều hơn nhằm tăng cường quyền tự chủ về quốc phòng.

Là một phần của nỗ lực mới nhất, dự kiến vào tuần tới, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ bàn cách làm cho ngành công nghiệp quốc phòng của “cựu lục địa” trở nên kiên cường và cạnh tranh hơn trong bối cảnh khủng hoảng.

Hãng Bloomberg hôm 14/3 dẫn nguồn thạo tin cho biết Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đang lên kế hoạch sử dụng Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU, sẽ diễn ra vào ngày 21-22/3, để thảo luận về cách giải quyết những lo ngại của các nhà sản xuất quốc phòng châu Âu.

Trước đó, hôm 11/3, ông Michel đã gặp đại diện của các công ty quốc phòng lớn, theo Bloomberg. Khoảng 10 giám đốc công ty đã tham dự buổi họp mặt, bao gồm CEO của các gã khổng lồ trong ngành là Rheinmetall AG, Airbus SE, Milrem Robotics, Nammo AS, Nexter, Naviris và Chủ tịch của Saab AB.

Tháp pháo xe tăng xếp hàng bên ngoài cơ sở sản xuất của gã khổng lồ công nghiệp quốc phòng Rheinmetall ở Unterluess, miền Bắc nước Đức, tháng 6/2023. Ảnh: AFP via RFE/RL

Ông Thierry Breton, Ủy viên Thị trường Nội bộ EU và quan chức phụ trách các vấn đề quốc phòng trên thực tế của khối, cũng tham gia buổi họp. Ông Breton, một đồng minh thân cận của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã giám sát vấn đề ngày càng cấp bách liên quan đến việc sản xuất đạn dược.

Một trong những yêu cầu chính của ngành là tăng cường khả năng dự đoán chi tiêu quốc phòng thông qua các hợp đồng dài hạn của các chính phủ, một động thái mà các CEO cho rằng sẽ cải thiện năng lực sản xuất và độ sẵn sàng của doanh nghiệp của họ, nguồn tin của Bloomberg cho biết.

Ngoài ra, các công ty còn lo ngại về khả năng tiếp cận nguyên liệu thô, khoáng sản quan trọng và các hóa chất khác cần thiết cho sản xuất. Họ cho rằng cần có một cơ chế để đảm bảo khả năng tiếp cận những hạng mục này vì khu vực sản xuất hàng dân sự hiện đang được ưu tiên khi xảy ra gián đoạn chuỗi cung ứng.

Việc tiếp cận các nguyên liệu tối quan trọng đã trở thành mối quan tâm hàng đầu đối với EU kể từ sau đại dịch Covid-19. Ngoài ra, khối này cũng lo ngại về sự thống trị của Trung Quốc đối với một số nguồn tài nguyên quan trọng.

Khả năng tiếp cận này càng trở nên cấp bách hơn trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu nhằm thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ sạch và kỹ thuật số.

Trong buổi họp, những người tham gia cũng nói về vai trò quan trọng của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) trong việc thúc đẩy đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng.

Tổ chức cho vay của EU đang đàm phán để mở rộng định nghĩa về hàng hóa lưỡng dụng (phục vụ cả mục đích quân sự và dân sự) nhằm tạo điều kiện cấp vốn nhiều hơn cho các doanh nghiệp, bao gồm đầu tư vào các công ty quân sự sản xuất các sản phẩm phòng thủ và tài trợ cho cơ sở hạ tầng quân sự không dành riêng cho mục đích quân sự, Bloomberg đưa tin trước đó.

Những người tham gia cũng kêu gọi sự hợp tác tốt hơn và sự phối hợp nhiều hơn giữa các chính phủ và các công ty, với nguồn tài chính đầy đủ, tính linh hoạt trong quy định, cắt giảm quan liêu hoặc giải quyết các tiêu chuẩn quốc gia khác nhau….

Minh Đức (Theo Bloomberg, Euractiv)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/su-cap-bach-moi-buoc-eu-phai-tang-cuong-tu-chu-ve-quoc-phong-a654241.html