Sự bành trướng của FOMO

Mặc dù việc định nghĩa nỗi sợ bỏ lỡ (FOMO) rất hữu ích, cách tốt nhất để nói về FOMO là minh họa sự hiện diện của nó trong thế giới thực.

 Ảnh: Bussiness Insider.

Ảnh: Bussiness Insider.

Tuy đã có rất nhiều điển cứu (phương pháp nghiên cứu điển hình) được phân tích nhưng tôi tin rằng một ngày nào đó, khi các bác sĩ tâm thần và nhà xã hội học hợp tác nghiên cứu về sự bành trướng của FOMO và tác động của nó đối với xã hội, chắc chắn họ sẽ dành nhiều trang để viết về một thói quen “thâm căn cố đế” và được xem như dấu hiệu nhận biết mùa lễ hội mua sắm bắt đầu. Hàng năm, vào sáng sớm ngày thứ Sáu thứ tư của tháng Mười một, hàng triệu người Mỹ sẽ tham gia vào một hiện tượng văn hóa được gọi là Black Friday (Thứ Sáu Đen).

Ngay cả khi bạn quyết tâm đứng ngoài thì Thứ Sáu Đen vẫn có thể ảnh hưởng một chút đến ngày Lễ Tạ Ơn của bạn như thế này: Khi bạn đang chăm chú chuẩn bị cho một ngày nghỉ trọn vẹn bên gia đình với thật nhiều thức ăn và thưởng thức bóng bầu dục, thì từ từ, bạn nhận ra đang có chương trình giảm giá - những món hàng GIẢM SỐC - sẽ được mở bán trong vài giờ nữa.

Rõ ràng mạng xã hội là yếu tố góp phần làm nên hiện tượng này vì tin tức về đợt giảm giá “có một không hai trong đời” này được lan truyền mạnh mẽ trên internet. Tuy vậy, còn nhiều tín hiệu tương tự góp phần thúc đẩy Thứ Sáu Đen tiếp cận với nhiều người hơn.

Đầu tiên, số báo địa phương dịp Lễ Tạ Ơn chứa đầy tờ rơi bóng loáng, hứa hẹn giảm sốc cho những người đầu tiên can đảm xếp hàng chờ cửa hàng mở bán. Sau đó, tivi hoặc đài phát thanh sẽ nhắc nhở rằng nếu bạn thực sự yêu quý những người xung quanh, hãy chứng minh bằng cách mua quà tặng họ vào lúc nửa đêm. Cuối cùng, khi bạn đang cắn dở miếng bánh bí ngô, dì của bạn sẽ thông báo rằng dì phải đi ngủ sớm để đến trung tâm mua sắm trước ba giờ sáng, giành lấy chiếc máy chơi điện tử mới nhất, đẹp nhất cho các cháu của mình như mọi năm.

Ngoài những vụ giảm giá, và những người không mê giá sốc, còn rất nhiều điều về Thứ Sáu Đen không hề đáng yêu chút nào. Mỗi năm, mùa mua sắm sẽ bắt đầu sớm hơn một chút, nghĩa là những người làm việc trong ngành bán lẻ sẽ không được nghỉ lễ và thường phải làm cả trong ngày Lễ Tạ Ơn. Ngoài Thứ Sáu Đen, ngành này còn tạo ra nhiều chương trình khuyến mãi mới như Thứ Bảy Mua Lẻ (Small Business Saturday) và Thứ Hai Điện Tử (Cyber Monday), còn có Thứ Ba Cho Đi (Giving Tuesday) và toàn bộ tuần Lễ Tạ Ơn biến thành một lễ hội mua sắm quy mô lớn.

Tuy nhiên, những phiền toái này không hề đáng kể nếu so với một truyền thống khác đi kèm Thứ Sáu Đen. Năm nào cũng vậy, khi đám đông hối hả chen lấn nhau giành chỗ mua hàng, luôn có nhiều người bị thương hoặc thậm chí tử vong. Suy cho cùng, người ta gọi những chương trình khuyến mãi này là “bom phá cửa” (doorbusters) cũng có lý do. Chúng luôn luôn phơi bày ra phần tồi tệ nhất trong bản chất con người. Thậm chí còn có một trang web mang tên blackfridaydeathcount.com ghi lại cảnh thương vong do giẫm đạp, xô xát và đánh nhau ở các bãi đỗ xe!

Nếu lùi lại một bước để nhìn rõ hơn, bạn sẽ nhận thấy Thứ Sáu Đen cũng chứa những yếu tố cơ bản tương tự với nền tảng của FOMO: sự nhận thức và hòa nhập.

Đầu tiên, sự bất cân xứng thông tin khiến bạn bị thuyết phục gia nhập vào đám đông để chớp lấy mọi cơ hội giành được món hàng giá hời trong khi nguồn cung vẫn còn. Bạn không biết người ta sẽ tranh giành quyết liệt thế nào hoặc còn bao nhiêu hàng trong kho. Vì vậy, khi cửa hàng vừa mở, bạn phải có mặt ở đó ngay nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội tiết kiệm tiền sắm sửa.

Thứ hai, sự điên cuồng được dựng lên để khai thác sức mạnh đám đông. Toàn bộ trải nghiệm được xây dựng trên cảm giác phấn khích khi bạn chạy đua với hàng xóm để mua được vật trang trí hoàn hảo đặt dưới gốc cây, bên cạnh đế đèn cầy menorah, hoặc trong tủ quần áo của bạn. Các nhà bán lẻ làm mọi cách để lôi kéo bạn đến cửa hàng.

Năm 2018, Walmart thông báo các cửa hàng của họ sẽ tổ chức “tiệc”, tặng bốn triệu tách cà phê và hai triệu cái bánh quy. Những loại chiến thuật này nghe có vẻ hơi rẻ tiền nhưng hóa ra lại rất hiệu quả: khoảng 175 triệu người Mỹ (trong đó có tôi) ngày nay đang mua sắm trực tuyến hoặc đến cửa hàng trong suốt dịp cuối tuần giữa Lễ Tạ Ơn và Thứ Hai Điện Tử.

 Ảnh: Discoverafrica.

Ảnh: Discoverafrica.

Chung quy lại, các thế lực đứng đằng sau Thứ Sáu Đen là một âm mưu đa chiều với ý đồ chia cách bạn với gia đình, chiếc giường và thẻ tín dụng. Nhưng đó không phải là âm mưu duy nhất.

Mỗi ngày, dù ít hay nhiều, bạn đều phải đối mặt với một âm mưu được thúc đẩy bởi sự kết hợp hữu hiệu giữa sinh học, văn hóa và công nghệ, nhằm đạt được mục tiêu tương tự như Thứ Sáu Đen: kích thích cảm giác FOMO trong bạn, khiến bạn đưa ra lựa chọn theo sự tác động của các yếu tố bên ngoài chứ không phải bằng trực giác và tính logic của cá nhân bạn.

Chính vì vậy, điều quan trọng là bạn phải nhớ rằng bạn không chọn FOMO. Thay vào đó, bạn bị nhồi nhét cảm xúc FOMO bởi một tổ hợp tay chơi bao gồm Apple, Google, Facebook, Snap, mọi ứng dụng trên điện thoại, các thương hiệu tiêu dùng lớn, những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, vỏ não, tổ tiên của bạn. Vì vậy, mặc dù FOMO vẫn là cảm giác của bạn, nhưng bạn chưa bao giờ thật sự có cơ hội lựa chọn nó hay không.

Patrick J McGinnis/NXB Dân Trí, FIRST NEWS

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-banh-truong-cua-fomo-post1371632.html