Start-up công nghệ khát khao nâng tầm nông sản Việt

Tham gia mảng kinh doanh nông sản từ năm 2018, đầu tư khá nhiều nguồn lực để xây dựng hạ tầng công nghệ hỗ trợ nông dân đưa sản phẩm ra thị trường, Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại UFO (FoodMap) đang chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo: Xuất khẩu nông sản Việt được giá nhất có thể

FoodMap là một start-up công nghệ tập trung vào nông nghiệp hoạt động theo mô hình "hai bên, một chuỗi, một nền tảng" (Two sides - One Chain - One Platform) cho phép các nhà sản xuất thực phẩm số hóa, mở rộng phạm vi tiếp cận trực tiếp và mang lại trải nghiệm mua sắm nông sản chất lượng an toàn đến người tiêu dùng cuối cùng.

Đưa tự động hóa vào kinh doanh nông sản

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, anh Phạm Ngọc Anh Tùng, nhà sáng lập FoodMap, cho biết mục tiêu của công ty áp dụng công nghệ tự động hóa vào công việc kinh doanh nông sản, giúp nông dân Việt bán hàng với giá cao nhất đồng thời hỗ trợ nông sản Việt giành lại vị thế ở "sân nhà", tiến tới xuất khẩu được giá ra nước ngoài.

FoodMap ra đời năm 2018 với sản phẩm đầu tiên bán trên website thương mại điện tử foodmap.asia là trái hồng treo gió Đà Lạt. Sau gần 5 năm, công ty này đã phát triển một hệ sinh thái đa dạng từ kênh bán hàng, cung cấp dịch vụ cho nhà sản xuất và truyền thông trong lĩnh vực nông nghiệp.

Công ty đang sở hữu 6 thương hiệu riêng và kinh doanh hơn 1.000 mặt hàng nông sản trong nước và nhập khẩu. 20% sản phẩm công ty đưa ra thị trường là mang thương hiệu các nhãn hàng của FoodMap, 80% sản phẩm của khoảng 200 nhà cung cấp. Start-up này đồng thời phát triển mảng phân phối bán sỉ nông sản, chuyên cung cấp hàng cho Bách Hóa Xanh, Vietjet Cargo …

Trong mảng bán lẻ trực tuyến, foodmap.asia đã khẳng định được thương hiệu hàng đầu về sàn thương mại điện tử chuyên ngành nông sản lớn nhất Việt Nam. Ngoài ra, nhóm FoodMap còn liên kết bán hàng trên các kênh thương mại điện tử khác tại Việt Nam như Shopee, Lazada, Tiki… Đến nay, nền tảng truy xuất nguồn gốc, kênh truyền thông về nông sản cũng như kênh bán sỉ B2B khá thành công.

Anh Tùng cho biết FoodMap có lợi thế là doanh nghiệp (DN) trẻ, am hiểu công nghệ và ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp. Đây là điểm khác biệt lớn giữa FoodMap với các website bán nông sản online khác.

Anh Tùng nhấn mạnh, với nông sản, tiêu chí đầu tiên là phải ngon, kế đến là phải an toàn, có lợi cho sức khỏe và bảo đảm các điều kiện lưu thông ra thị trường theo quy định của pháp luật. Đây là những tiêu chí nhất quán mà FoodMap theo đuổi trong suốt quá trình hoạt động.

Nhân viên FoodMap trong một buổi livestream bán nông sản Đắk Lắk Ảnh: FoodMap

Phải xuất khẩu hàng Việt giá cao

Founder Anh Tùng cho hay, trong hơn 4 năm, công ty đã phát triển qua 3 giai đoạn, thu hút được 4,4 triệu USD vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài và dùng hơn 1 triệu USD đầu tư vào công nghệ để đưa DN từ vạch xuất phát đi đến sự chuyên nghiệp nhất định. Doanh số công ty đã tăng hàng trăm lần so với thời điểm mới thành lập, nhân sự thì tăng từ 3 thành viên sáng lập lên khoảng 80 người.

FoodMap dự định sẽ gọi vốn vòng seri B vào năm 2024 để mở rộng mảng xuất khẩu đồng thời tiếp tục đầu tư vào một số DN nông nghiệp. "Bốn năm qua, chúng tôi tập trung vào thị trường nội địa, xây dựng hình ảnh thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng đồng thời xuất khẩu thử nghiệm sang một số thị trường bằng ngả trực tiếp lẫn trực tuyến qua sàn thương mại điện tử Alibaba" - Anh Tùng bày tỏ.

Thực tế, từ năm 2021, công ty đã bắt đầu có những đơn hàng xuất khẩu thử nghiệm sang Singapore, Malaysia, Nhật, Mỹ… "Sau khi tích lũy đủ kinh nghiệm, công ty sẽ triển khai xuất khẩu số lượng lớn và phù hợp nhu cầu thị trường. Mong muốn của chúng tôi không dừng lại ở xuất khẩu nông sản Việt mà phải là xuất khẩu với giá cao" - founder FoodMap nhấn mạnh.

Anh Tùng cho hay, khoảng 6-7 năm trước, trà Ô Long Việt Nam xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc) chỉ 9-10 USD/kg trong khi vùng lãnh thổ này xuất khẩu trà sang Mỹ hơn 100 USD/kg.

Anh tìm hiểu thì được biết trà của Việt Nam không có thương hiệu, không kể được những câu chuyện để xây dựng thương hiệu trà Việt Nam ở thị trường nước ngoài nên phải xuất khẩu giá rẻ.

"Đến nay, FoodMap có đủ công nghệ lẫn công cụ để hỗ trợ các địa phương, các DN phát triển thương hiệu nông sản Việt, đưa những thương hiệu này tiếp cận trực tiếp các thị trường khó tính trên thế giới, giúp DN bán được hàng với giá cao hơn" - Anh Tùng tự tin.

Từ kinh nghiệm hơn 4 năm ở FoodMap và 3 năm làm giám đốc Cầu Đất Farm (thuộc Seedcom) trước đó, Anh Tùng chỉ ra rằng nông nghiệp là một lĩnh vực đặc thù, truyền thống. Start-up không thể áp dụng 100% tư duy kỹ thuật, công nghệ mà phải am hiểu cách làm nông nghiệp truyền thống, đứng trên góc nhìn của nhà sản xuất, nông dân và người tiêu dùng để ứng dụng công nghệ một cách linh hoạt, nhuần nhuyễn.

Anh Tùng cho rằng 5 năm trở lại đây, kinh tế trải qua nhiều biến động lớn, nếu start-up chỉ tập trung vào 1 kênh bán hàng sẽ gặp nhiều rủi ro. Bản thân FoodMap nếu không linh động mà chỉ chăm chăm vào 1 mảng kinh doanh thì có thể đã "chết" từ lâu.

"Trong mỗi giai đoạn phát triển, DN sẽ có những khó khăn riêng. Với chúng tôi, khó khăn ở giai đoạn này là làm sao tăng trưởng bền vững. Rất may là FoodMap đã có sự chuẩn bị, đầu tư vào xây dựng, phát triển nguồn nhân lực để sẵn sàng "ra biển lớn" - anh Tùng nói thêm.

Thanh Nhân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/start-up-cong-nghe-khat-khao-nang-tam-nong-san-viet-196231210194453625.htm