ST25 sẽ là gạo mang nhãn hiệu quốc gia đầu tiên của Việt Nam?

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng đơn vị sở hữu đã thống nhất chọn gạo ST25 thí điểm xây dựng thành nhãn hiệu quốc gia (Vietnam Rice). Tuy nhiên, dư luận cũng cho rằng nên nhìn nhận lại việc sử dụng nhãn hiệu gạo Việt Nam/Vietnam Rice thời gian qua có đạt hiệu quả như mong đợi hay không?

Vào tháng 12-2018, Cục chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối (nay là Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức công bố hình ảnh nhận diện nhãn hiệu gạo Việt Nam/Vietnam Rice.

Song song với công bố nhãn hiệu gạo Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam. Tuy nhiên dư luận vẫn đặt ra vấn đề là hiệu quả sử dụng nhãn hiệu gạo Việt Nam/Vietnam Rice thời gian qua như thế nào?

Nhãn hiệu Vietnam Rice bị lãng quên

Quyết định 1499 ban hành quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam/Vietnam Rice của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ, tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận khi đáp ứng các điều kiện: được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư có nội dung đăng ký hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm gạo.

Được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm về chế biến, bảo quản, kinh doanh gạo hoặc cơ sở đã được cấp một trong các giấy chứng nhận: thực hành sản xuất tốt (GMP), hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.

Được tổ chức chứng nhận cấp giấy chứng nhận sản phẩm gạo phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam; hoàn thành nghĩa vụ thuế và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.

Hình ảnh nhãn hiệu gạo Việt Nam/Vietnam Rice

Quyết định nêu trên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận kèm nhãn hiệu riêng của tổ chức, cá nhân trên bao bì sản phẩm, phương tiện kinh doanh, quảng cáo và các giấy tờ giao dịch khác cho sản phẩm gạo đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.

Được khai thác, sử dụng và hưởng các lợi ích kinh tế phát sinh từ nhãn hiệu chứng nhận. Được tham gia các chương trình quảng bá, phát triển nhãn hiệu chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam trên các phương tiện truyền thông.

Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân phải có nghĩa vụ: chỉ được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho các loại sản phẩm gạo đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; đảm bảo chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận và duy trì, bảo vệ, phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với nhãn hiệu chứng nhận; thông báo đến đơn vị quản lý nhãn hiệu chứng nhận khi không còn nhu cầu sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; nộp chi phí theo quy định cho hoạt động cấp và duy trì hiệu lực giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận…

Thế nhưng, sau hơn 5 năm nhãn hiệu gạo Việt Nam/Vietnam Rice được công bố, thì nhiều người vẫn thắc mắc việc sử dụng phát triển có đạt hiệu quả như mong đợi hay không?.

Tại buổi tiếp và làm việc của thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) với đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn ra vào tuần rồi, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nhãn hiệu gạo Việt Nam/Vietnam Rice đã được hệ thống Madrid công nhận. Điều này có nghĩa là nhãn hiệu gạo Việt Nam đã được bảo hộ tại nhiều quốc gia trên thế giới.

“Nhưng nhiều năm nay, không có hạt gạo nào đưa vào các thị trường đó để người ta làm hết. Người ta lưu cho mình thương hiệu đó ở các nước trên thế giới, nhưng mình không có gì đăng ký. Nhãn hiệu gạo quốc gia hiện do Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản quản lý. Nhãn hiệu này năm ở đó bao nhiêu năm nay, đến khi thứ trưởng hỏi thì lục tìm mấy ngày mới ra”, ông Nam nói thực trạng.

Đề xuất gạo ST25 thí điểm mang nhãn hiệu quốc gia

Trước bối cảnh việc khai thác sử dụng nhãn hiệu gạo Việt Nam/Vietnam Rice chưa đạt hiệu trong thời gian qua như nêu trên, ông Trần Thanh Nam đề nghị có phương án khôi phục lại. Theo đó, ông đề xuất sử dụng gạo ST25 làm thí điểm mang nhãn hiệu gạo quốc gia. Được biết, ST25 là loại gạo hai lần đạt giải nhất cuộc thi gạo ngon thế giới do The Rice Trader tổ chức vào năm 2019 và 2023.

“Lấy gạo ST25 làm nhãn hiệu quốc gia của Việt Nam để đăng ký với các nước trên thế giới. Hiện nay nhãn hiệu quốc gia đã đăng ký rồi nhưng trong danh mục cụ thể thì chưa có”, ông Nam nhấn mạnh

ST25 được chọn thí điểm mang nhãn hiệu gạo Việt Nam/Vietnam Rice. Ảnh: Trung Chánh

Liên quan đề xuất này, ông Hồ Quang Cua, “cha đẻ” của giống ST25 phản hồi thống nhất để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sử dụng gạo này làm thí điểm xây dựng thành nhãn hiệu quốc gia. “Bây giờ nếu lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ủng hộ doanh nghiệp như vậy, thì chúng tôi không có lý do gì để từ chối cả”, ông Cua nói.

Trên cơ sở thống nhất như trên, theo ông Nam, nhãn hiệu quốc gia đối với gạo ST25 sẽ được công nhận ở trong nước trước rồi ra quốc tế sau. “Trên cơ sở đó, mình sẽ sửa đổi luôn nghị định về nhãn hiệu gạo quốc gia”, ông nói.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản cho biết, đơn vị này sẽ cùng với Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn lấy ý kiến tham vấn của chuyên gia để hoàn thiện hệ thống pháp luật về chính sách thương hiệu quốc gia. Song song vấn đề nêu trên, các đơn vị liên quan cũng sẽ nghiên cứu cấp quyền sử dụng nhãn hiệu quốc gia sớm.

“Chúng tôi và Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nghiên cứu triển khai thủ tục theo đúng quy định để cấp quyền sử dụng nhãn hiệu Vietnam Rice cho doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (công ty của gia đình ông Cua), đặc biệt khi đây là lần đầu tiên làm thí điểm”, ông Tiệp cho biết.

Theo ông Tiệp, hiện nhãn hiệu Vietnam Rice đã được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam và 21 nước trong hệ thống Madrid công nhận, trong khi đó, nhãn hiệu gạo ST25 của ông Cua cũng được Cục sở hữu trí tuệ công nhận và được bảo hộ ở một số nước tiên tiến như: Mỹ , Liên minh châu Âu (EU), Nhật, Anh…

“Như vậy, hai yếu tố này sẽ bổ trợ cho nhau, tức thương hiệu gạo ông Cua là của doanh nghiệp và nhãn hiệu của Bộ là nhãn hiệu quốc gia. Như kinh nghiệm của Thái Lan, nhãn hiệu của doanh nghiệp sẽ nằm trong nhãn hiệu quốc gia. Điều này cũng có nghĩa là trên bao bì sản phẩm vừa có nhãn hiệu riêng của doanh nghiệp vừa có nhãn hiệu quốc gia”, ông Tiệp nhìn nhận.

Tuy nhiên ở góc độ là cơ quan quản lý, ông Trần Thanh Nam cho rằng, có một vấn đề cần làm rõ là tiêu chuẩn gạo ST25 khi áp dụng vô tiêu chí, tiêu chuẩn gạo quốc gia hiện nay có “khớp” hay chưa? Do đó, cần rà soát, điều chỉnh nếu cần thiết, bởi khi làm nhãn hiệu quốc gia, thì phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/st25-se-la-gao-mang-nhan-hieu-quoc-gia-dau-tien-cua-viet-nam/