SSI muốn 'hút' tiền gửi, cạnh tranh lãi suất với ngân hàng?

Nhà đầu tư có tài khoản tại Công ty CP Chứng khoán SSI vừa nhận được thông báo từ nhân viên tư vấn về sản phẩm mới của SSI về tiền gửi kỳ hạn, tương tự như hoạt động tiền gửi tại ngân hàng.

Theo đó, giai đoạn trước kỳ nghỉ lễ, nhà đầu tư không mặn mà với thị trường chứng khoán và sẽ để tiền nhàn rỗi. Tuy nhiên việc gửi tiền tiết kiệm trở ngại vì thời gian gửi ngắn thì lãi suất thấp, “ảnh hưởng đến vòng quay tiền của nhà đầu tư, không tạo ra sự linh hoạt cũng như khó giải ngân ngay trở lại khi TTCK có tín hiệu tích cực trở lại, bỏ lỡ nhiều cơ hội hơn”. Cũng từ đó SSI phát triển Sản phẩm S-Savings nhằm tối đa hóa lợi nhuận trên số tiền có sẵn trong tài khoản giao dịch thông thường hoặc tài khoản ký quỹ trong một kỳ hạn nhất định.

Bản giới thiệu sản phẩm S-Savings của SSI qua email của nhân viên tư vấn

Theo lời giới thiệu, nhà đầu tư có thể đạt được lãi suất 4,5%/năm trong kỳ hạn siêu ngắn 1-2 tuần, và còn có lãi suất 7-7,7%/năm cho kỳ hạn thấp hơn 6 tháng.

Nhìn vào bảng lãi suất S-Savings có thể thấy các mức lãi suất mà SSI đưa ra đều cao vượt trội so với lãi suất gửi tiết kiệm tại các ngân hàng hiện tại. Trong khi đó, từ đầu tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã hạ trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng xuống 5,5%/năm. Trước đó, NHNN cũng đã nghiêm cấm các ngân hàng thực hiện các biện pháp kỹ thuật để lách vượt trần lãi suất huy động.

Báo cáo tài chính riêng quý 1.2023 của SSI cũng cho thấy, tiền gửi của khách hàng cuối kỳ là 4.581 tỷ đồng trong đó Tiền gửi của nhà đầu tư về giao dịch chứng khoán theo phương thức CTCK quản lý là 3.630 tỷ đồng, tương đương giảm gần 10% trong vòng 3 tháng đầu năm.

Tại các công ty chứng khoán khác, nhiều nơi cũng ghi nhận tiền gửi của khách hàng giảm mạnh trong quý đầu năm 2023 cho thấy một lượng tiền của nhà đầu tư đã được rút ra khỏi tài khoản chứng khoán, phản ánh phần nào mức độ kỳ vọng của nhà đầu tư vào cơ hội sinh lời trên thị trường chứng khoán.

Việc một công ty chứng khoán lớn, lâu năm như SSI triển khai sản phẩm tiền gửi kỳ hạn này đã khiến nhà đầu tư nghi ngại. Bởi theo Khoản 2, Điều 8 Luật các Tổ chức tín dụng quy định: “Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán”. Trong đó, nhận tiền gửi là một trong những hoạt động ngân hàng được quy định.

Trước đây, một số công ty chứng khoán như MBS, VNDirect cũng đã từng thực hiện việc huy động vốn dưới hình thức hợp tác đầu tư, tiết kiệm tiền gửi và đã bị Bộ Tài chính "tuýt còi", yêu cầu giải trình và dừng thực hiện dịch vụ. Tình trạng này đã xảy ra trong giai đoạn nhiều công ty chứng khoán "khát" tiền cho vay ký quỹ (margin).

Theo quy định tại Thông tư 121/2020/TT-BTC do Bộ Tài chính mới ban hành quy định về hoạt động của công ty chứng khoán, Công ty chứng khoán phải quản lý tách bạch tiền gửi giao dịch chứng khoán của từng khách hàng, tách bạch tiền của khách hàng với tiền của công ty chứng khoán. Công ty chứng khoán không được lạm dụng tiền của khách hàng dưới mọi hình thức. Các giao dịch liên quan đến tiền của khách hàng chỉ được phép thực hiện theo quy định của pháp luật.

Khác với hình thức gửi tiền tại ngân hàng được bảo đảm thì với hình thức gửi tiền tại các công ty chứng khoán lại được đánh giá rủi ro hơn do tính chất của lĩnh vực đầu tư chứng khoán. Bởi nếu các công ty chứng khoán làm đúng quy định về việc quản lý tiền gửi của khách hàng thì lý do gì khiến những công ty này phải chi trả thêm một khoản chi phí để thu hút tiền nhàn rỗi của khách hàng trong kỳ hạn ngắn? Có thực chỉ vì công ty chứng khoán lo ngại nhà đầu tư gửi tiết kiệm ngân hàng và "bỏ lỡ nhiều cơ hội hơn" như quảng cáo hay không?

Với khoảng 100 công ty chứng khoán trên thị trường, nếu đều triển khai dịch vụ tiền gửi như trên với lãi suất cạnh tranh, thị trường vốn và tín dụng sẽ rất khó bề kiểm soát.

Nguyễn Khánh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doanh-nghiep1/ssi-muon-hut-tien-gui-canh-tranh-lai-suat-voi-ngan-hang--i325771/