Sốt xuất huyết hoành hành ở Đông Nam Á

Tình trạng các ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng ở các nước Đông Nam Á như Singapore, Indonesia... khiến giới chức y tế và người dân khu vực không khỏi lo ngại.

Tân Hoa xã đưa tin, ngày 31-3, Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore (NEA) thông báo, nước này đã ghi nhận hơn 5.000 ca mắc sốt xuất huyết trong quý I năm nay. Con số này cao hơn gấp đôi so với 2.360 ca được báo cáo trong cùng kỳ năm 2023. NEA cho biết thêm, 7 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết đã được thông báo tại nước này. NEA cam kết sẽ nỗ lực không ngừng để ngăn chặn muỗi sinh sản và kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, bao gồm phun thuốc diệt côn trùng vào các góc tối, mặc quần áo dài và loại bỏ nước đọng.

Nhân viên y tế phun thuốc diệt muỗi ở tỉnh Tây Java, Indonesia. Ảnh: Channel NewsAsia.

Cùng ngày, theo The Straits Times, Thư ký cấp cao của Quốc hội Singapore về phát triển bền vững và môi trường Baey Yam Keng đã phát động Chiến dịch phòng, chống sốt xuất huyết quốc gia năm 2024 tại thị trấn Bukit Batok. Chiến dịch này nhằm mục đích kêu gọi cộng đồng luôn cảnh giác và giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh sốt xuất huyết. Những người đã bị nhiễm bệnh sốt xuất huyết được khuyến khích tự bảo vệ mình khỏi bị muỗi đốt thêm nhằm hạn chế sự lây lan khi Singapore phải vật lộn với tình trạng gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết. NEA đang làm việc với Bộ Y tế Singapore, các bệnh viện và phòng khám đa khoa để nhắc nhở những bệnh nhân đang hồi phục sau khi mắc sốt xuất huyết thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Trong khi đó, ở Indonesia, chỉ riêng tháng 1 đã có gần 18.000 ca mắc. Tính đến đầu tháng 3, Indonesia ghi nhận hơn 21.000 ca mắc và ít nhất 191 ca tử vong. Chính phủ Indonesia còn đặt tỉnh Tây Java đông dân trong tình trạng báo động khẩn cấp vì số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh. Chính phủ Indonesia cũng nỗ lực triển khai các biện pháp để kiểm soát căn bệnh này như phát động các chương trình vệ sinh khu vực làng xã, khu dân cư trên địa bàn thành phố, phun thuốc diệt ấu trùng muỗi và trồng các loại cây đuổi muỗi. Các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia... cũng đối mặt với tình trạng số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng và đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết lan rộng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mô tả sốt xuất huyết là một bệnh nhiễm virus do virus sốt xuất huyết gây ra, truyền sang người qua vết đốt của muỗi bị nhiễm bệnh, đặc biệt là muỗi Aedes aegypti. Trong khi nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết không có triệu chứng hoặc chỉ bị bệnh nhẹ, sốt xuất huyết đôi khi có thể gây ra các trường hợp nặng hơn và thậm chí tử vong. Sốt xuất huyết thường xuất hiện ở vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới trên toàn thế giới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sốt xuất huyết đã lan đến những nơi chưa từng có dịch bệnh này, trong đó có Pháp, Italy và Chad. Trong khi đó, Đông Nam Á từ lâu đã là nạn nhân của bệnh sốt xuất huyết.

Theo Channel NewsAsia, các chuyên gia nhận định, sốt xuất huyết gia tăng ở Đông Nam Á do một số yếu tố, trong đó có hiện tượng thời tiết El Nino khiến thời tiết nóng hơn. Tiến sĩ Riris Andono Ahmad, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y học nhiệt đới thuộc Đại học Gadjah Mada (Indonesia), cho biết: “Muỗi trưởng thành nhanh hơn, đẻ trứng nhanh hơn và số lượng muỗi đốt ở người cũng tăng lên. Mùa mưa cộng với El Nino đã hình thành các vũng nước đọng và những nơi này trở thành điều kiện thuận lợi để ấu trùng muỗi Aedes aegypti sinh sản”. Tiến sĩ Borame Sue Lee Dickens ở Trường Y tế công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đã chỉ ra rằng, muỗi Aedes aegypti có thể tồn tại và thích nghi trong các đô thị. Bà Borame Sue Lee Dickens lưu ý: “Muỗi có thể sinh sản chỉ trong một thìa nước cà phê. Do đó, bệnh sốt xuất huyết trở nên rất khó kiểm soát”.

Theo QĐND

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/sot-xuat-huyet-hoanh-hanh-o-dong-nam-a-5004284.html