Sống vui, sống có ích với thể dục dưỡng sinh

Cùng nhau rèn luyện, nâng cao thể lực, sức khỏe dẻo dai và sống vui, sống có ích là 'phương châm hành động' của các thành viên Câu lạc bộ Hướng dẫn viên thể dục dưỡng sinh tỉnh.

Cùng nhau rèn luyện, nâng cao thể lực, sức khỏe dẻo dai và sống vui, sống có ích là “phương châm hành động” của các thành viên Câu lạc bộ Hướng dẫn viên thể dục dưỡng sinh tỉnh (CLB). Tích cực tập luyện, tham gia các hội thi, các thành viên trong CLB còn tạo được bộ sưu tập huy chương khá đồ sộ, với tổng số 143 huy chương các loại.

Một buổi tập của Câu lạc bộ Thể dục dưỡng sinh TP. Thái Nguyên.

Một buổi tập của Câu lạc bộ Thể dục dưỡng sinh TP. Thái Nguyên.

Bà Nguyễn Thị Hồi, Chủ nhiệm CLB, cho biết: Đến nay CLB đã có bề dày hơn 20 năm hoạt động. Ban đầu có 25 thành viên, đến nay trên địa bàn tỉnh có 80 CLB cơ sở, với gần 5.000 thành viên tham gia tập luyện thường xuyên, trong đó có 200 hướng dẫn viên, cộng tác viên. Hầu hết hướng dẫn viên và thành viên CLB là người cao tuổi, nhưng hăng hái tham gia tập luyện.

Để thu hút người cao tuổi, CLB thường xuyên đổi mới nội dung, tích cực cử hướng dẫn viên tham gia các lớp tập huấn bài thể dục mới do ngành Thể dục thể thao tổ chức. Sau đó, các hướng dẫn viên chủ động tổ chức các buổi tập, truyền đạt, hướng dẫn lại cho thành viên nòng cốt, rồi từ đó lan tỏa rộng rãi đến đông đảo người tham gia.

Cách nay hơn 20 năm, phong trào tập luyện thể dục dưỡng sinh bắt đầu phát triển ở Thái Nguyên. Thời điểm đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tổng cục Thể dục thể thao mở lớp đào tạo ngắn ngày với 1 bài học duy nhất: “Thái cực quyền dưỡng sinh 24 thế”. Lớp học có 50 học viên đều là người cao tuổi.

Nhớ lại “cái thuở ban đầu”, bà Nguyễn Thị Tươi, Phó Chủ nhiệm CLB, phấn chấn nói: Tôi là một trong số học viên của lớp đó. Nghe thể dục dưỡng sinh nhiều, nhưng chưa biết cụ thể ra sao song hăng hái đăng ký tham gia. Mới đầu tập thấy rất khó, vì đây là những bài tập thể dục kết hợp võ thuật và múa dân gian, yêu cầu của bài tập là “Trong tĩnh có động, trong động có tĩnh”. Động tác mạnh mẽ kết hợp mềm dẻo. Hơn nữa, bài tập được thi triển phải hòa quyện với nhạc và lời bài hát.

Sau thời gian “khổ luyện”, bà Tươi cùng các thành viên lớp học chính thức trở thành những huấn luyện viên, hướng dẫn viên và cộng tác viên đi xây dựng phong trào tập luyện dưỡng sinh.

Nhiều người cho rằng: Sự lôi cuốn, hấp dẫn của thể dục dưỡng sinh là người tham gia tập luyện cảm nhận được sức khỏe của mình được tăng cường, tư tưởng thoải mái, cảm nhận về cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Thành viên Câu lạc bộ Thể dục dưỡng sinh xóm Làng, xã Yên Đổ (Phú Lương), duy trì tập luyện, nâng cao thể chất.

Thành viên Câu lạc bộ Thể dục dưỡng sinh xóm Làng, xã Yên Đổ (Phú Lương), duy trì tập luyện, nâng cao thể chất.

Hằng ngày có hàng nghìn người tham gia tập luyện thể dục dưỡng sinh. Địa điểm tập luyện của các CLB cơ sở là sân nhà văn hóa xóm, tổ dân phố. Thời gian các thành viên cùng tập luyện linh hoạt, có thể vào buổi sáng, hoặc buổi tối.

1 ngày tập luyện 3 bài, như: “Thái cực quyền 24 thế”, “Thái cực kiếm 32 thế”, “Thái cực quyền 42 thế”. Hoặc các bài: “Song quạt Mộc Lan”; “Mộc Lan đơn phiến”, “Võ quạt công phu phiến”. Tiếp đến là các vũ điệu: Cha cha; Rum ba...

Thấy tôi chăm chú “chiêm ngưỡng” màn đồng diễn vào sớm Chủ nhật của các cụ tại sân Quảng trường Võ Nguyên Giáp, bà Hồi giới thiệu: Các cụ đang đi bài “Song quạt Mộc Lan”… Ai nấy khuôn mặt tươi tỉnh, đều đặn từng động tác uyển chuyển như một màn đồng diễn trên sân khấu.

Cùng thời gian, phong trào tập thể dục dưỡng sinh ngày càng lan tỏa sâu rộng trong nhân dân. Đặc biệt, người cao tuổi có thêm một sân chơi với niềm lạc quan sống vui, sống khỏe, sống có ích.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202308/song-vui-song-co-ich-voi-the-duc-duong-sinh-a074897/