Sông Lô phát huy sàn thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản

Để giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản, huyện Sông Lô đã tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác, hộ sản xuất nông nghiệp, kinh doanh cá thể đẩy mạnh ứng dụng phương thức kinh doanh trên sàn thương mại điện tử (TMĐT). Qua đó, góp phần quảng bá, giới thiệu và thúc đẩy tiêu thụ các mặt hàng nông sản, giúp ngành nông nghiệp của huyện có thêm cơ hội hội nhập nền kinh tế số.

Nhờ tích cực áp dụng KHKT, thay đổi cơ cấu giống có chất lượng, năng suất cao nên sản lượng ổi của HTX Cây trồng Sông Lô Xanh, xã Đôn Nhân (Sông Lô) ngày càng ổn định, có sức cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: Nguyễn Lượng

Về xã Đôn Nhân - vùng chuyên canh cây ăn quả lớn nhất, nhì của huyện Sông Lô, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước bạt ngàn những vườn cây trĩu trịt quả, cùng các loại rau màu. Toàn xã có gần 140 hộ thực hiện mô hình chuyên canh các giống ổi trên tổng diện tích hơn 22,6 ha; trong đó, gần 30 hộ trồng quy mô từ 500 gốc trở lên.

Nhờ đặc tính phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, cây ổi ở Đôn Nhân phát triển rất tốt và cho sản lượng, năng suất cao (sản lượng toàn xã bình quân đạt 400 - 500 tấn/năm; trung bình mỗi năm, người dân thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng/ha trồng ổi sau khi trừ chi phí).

Mặc dù đã được cấp logo thương hiệu và được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, nhưng do giá cả bấp bênh, những năm gần đây, hầu hết các hộ trồng ổi trên địa bàn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, chủ yếu qua các thương lái hoặc bán buôn, bán lẻ ở các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, địa phương cũng có sản phẩm bánh nẳng truyền thống được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, song chủ yếu sản xuất theo hình thức “có khách đặt hàng thì mới làm”.

Là một trong những hộ có diện tích trồng ổi lớn và cũng là thành viên của Tổ liên kết sản xuất bánh nẳng truyền thống xã Đôn Nhân, chị Hoàng Thị Lập ở thôn Hòa Bình chia sẻ: “Sản lượng trồng ổi ổn định, chất lượng bánh nẳng cũng đã được nhiều khách hàng đón nhận, nhưng chúng tôi vẫn cần sự hỗ trợ từ phía các cấp, các ngành, địa phương để giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm, hạn chế tình trạng nông sản phải bỏ thừa vào mỗi mùa thu hoạch”.

Nhờ khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, tích cực áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với mùa vụ hợp lý, đến nay, huyện Sông Lô đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung với nhiều sản phẩm chủ lực như ổi ở xã Đôn Nhân, dưa chuột ở xã Hải Lựu, chuối tiêu hồng ở xã Cao Phong, măng tây ở xã Bạch Lưu...

Một số mô hình thử nghiệm được triển khai tại nhiều địa phương trong huyện, mở ra tiềm năng mở rộng vùng trồng cây ăn quả với các giống cho năng suất, chất lượng cao, như bưởi Diễn xen bưởi đỏ Tân Lạc tại các xã Cao Phong, Đồng Thịnh, Đồng Quế, Lãng Công, Quang Yên và thị trấn Tam Sơn; mô hình trồng thử nghiệm na tại các xã Đồng Quế, Quang Yên, Cao Phong, Đồng Thịnh...

Bên cạnh đó, huyện Sông Lô cũng tích cực triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) theo chủ trương của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.

Năm 2021, huyện Sông Lô có 3 sản phẩm OCOP được đánh giá chất lượng 3 sao (thanh long ruột đỏ của HTX Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Nông lâm, thủy sản Lộc Thúy Quỳnh ở xã Nhạo Sơn; sản phẩm nước uống đóng chai AQUA Thác Bay của chủ thể Lê Thanh Hải ở xã Đồng Quế và sản phẩm thanh long ruột đỏ của HTX Dịch vụ tổng hợp xã Tân Lập).

Năm 2022, huyện dự kiến đăng ký tham gia chương trình với 6 sản phẩm: Mật ong hoa nhãn Hải Lựu; mật ong hoa rừng Hải Lựu; ổi sạch Đôn Nhân; bánh nẳng gia truyền Đôn Nhân; cá thính Cao Phong; giò lụa Cao Phong. Đây đều là những sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu, tạo ấn tượng với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, chương trình mới triển khai, nên hiệu quả còn hạn chế, số lượng sản phẩm tham gia chưa nhiều. Việc sản xuất các sản phẩm đặc thù tại các địa phương chủ yếu vẫn mang tính tự cung tự cấp; chưa xác định được lợi ích trong việc tham gia chương trình OCOP.

Để hỗ trợ người dân tiêu thụ các mặt hàng nông sản, bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống, các ban, ngành chức năng trong huyện đã thực hiện nhiều giải pháp, triển khai các chương trình kết nối, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa dựa trên các kênh bán hàng online; đồng thời tăng cường công tác tập huấn, nâng cao kỹ năng kinh doanh trực tuyến trên các sàn TMĐT cho người dân.

Cuối tháng 7 vừa qua, Bưu điện tỉnh và Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân huyện Sông Lô đã phối hợp tổ chức hội nghị giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đồ mỹ nghệ của huyện lên sàn TMĐT Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.

Các hộ sản xuất nông nghiệp, kinh doanh cá thể và HTX, Tổ hợp tác trên địa bàn huyện được hướng dẫn kỹ năng, cách thức tạo tài khoản bằng điện thoại thông minh và đăng tải thông tin giới thiệu về nguyên liệu đầu vào, sơ lược quá trình sản xuất..., đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng với chi phí thấp nhất.

Đến nay, đã có trên 10 mặt hàng nông sản đặc trưng của huyện được giới thiệu trên sàn Postmart.vn, như ổi, bánh nẳng (xã Đôn Nhân); rắn (xã Bạch Lưu); cá thính, các sản phẩm mây tre đan (xã Cao Phong)...

Việc khai thác tối ưu thế mạnh của các sàn TMĐT, tăng cường kinh doanh trên internet đã góp phần quan trọng vào việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh, nét văn hóa đặc trưng cũng như đưa các mặt hàng nông sản, đặc sản tiêu biểu của các địa phương lên môi trường số, nhằm mở rộng kênh phân phối, tìm kiếm thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, giải quyết vấn đề dư thừa sản phẩm trong mùa thu hoạch.

Đồng thời, đưa ngành nông nghiệp hội nhập với xu thế phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số, từng bước chuyển đổi hành vi, nhận thức, tạo thói quen mua bán hàng hóa trên môi trường số cho người dân, nhất là người dân khu vực nông thôn.

Việt Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/81974/song-lo-phat-huy-san-thuong-mai-dien-tu-trong-tieu-thu-nong-san.html