Sông Hồng - từ ký ức đến điểm nhấn không gian văn hóa Hà Nội

Gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội, sông Hồng nếu được khai thác hiệu quả sẽ trở thành điểm nhấn đặc sắc, thiết lập mô hình thành phố hai bên sông, gắn liền với các ý nghĩa lịch sử, văn hóa, nghệ thuật không chỉ riêng của thủ đô mà còn của cả nước.

Trục sông Hồng tiếp biến cùng tương lai Hà Nội

Tại hội thảo “Đề án xây dựng công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng: Tầm nhìn và giải pháp” sáng 24.11, các chuyên gia cho rằng, lịch sử phát triển các đô thị ở Việt Nam cũng như trên thế giới luôn gắn liền với các dòng sông; thủ đô Hà Nội cũng gắn liền với sự hình thành và phát triển của hệ thống mặt nước, đặc biệt là sông Hồng.

Thiết lập sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của Hà Nội. Nguồn: VinWonders

Thiết lập sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của Hà Nội. Nguồn: VinWonders

Trong ký ức của người Thăng Long - Hà Nội, sông Hồng được xem như là một nhân chứng lịch sử. Trước thế kỷ XVIII, nhiều nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc đã cho thấy mối liên hệ của sông Hồng với sự hình thành của khu vực phố cổ, phố cũ. Trong đó, hồ Hoàn Kiếm và hồ Tây được nhận định là dấu tích còn lại trong quá trình bồi lắng của một nhánh sông Hồng, gắn với nhiều công trình di sản có giá trị lịch sử; sông Hồng, nhiều thế kỷ, cũng đã chứng kiến những biến thiên trong lịch sử dân tộc, sự thăng trầm, chuyển mình của thủ đô qua năm tháng...

Dẫn chứng như vậy, TS. KTS. Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình, Hà Nội, khẳng định: “Trải qua thời gian, biến đổi của địa lý và cả của con người, vai trò của sông Hồng ngày càng ăn sâu vào đời sống đô thị. Đến nay, sông Hồng không chỉ là một trong 5 yếu tố di sản đô thị (phố cổ, phố cũ, các công trình di tích lịch sử, làng xóm đô thị hóa, hệ thống hồ ao và sông Hồng) đem lại giá trị đặc trưng cho một đô thị lớn như Hà Nội, mà đã đi vào ký ức, tình cảm của bao thế hệ người Hà Nội”.

Theo KTS. Nguyễn Bá Nguyên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội tuy chỉ là đoạn ngắn so với chiều dài của toàn tuyến nhưng đóng vai trò rất lớn đối với sự hình thành yếu tố cảnh quan và là nét văn hóa đặc trưng của thủ đô. Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt đã định hướng: thiết lập sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của thành phố, gắn với trục hồ Tây - Cổ Loa tạo thành trọng tâm bố cục không gian cho đô thị trung tâm Hà Nội, trên đó hình thành hệ thống công viên, công trình mang tính biểu tượng, tính thời đại của thủ đô, phục vụ hoạt động du lịch, lễ hội, bổ sung các loại hình giao thông thủy cho Hà Nội.

Hà Nội đang xây dựng Quy hoạch thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và lập Đề án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Quan điểm về tổ chức không gian trong các quy hoạch lớn Hà Nội đang triển khai, sông Hồng được xác định là một trong 5 trục quan trọng với định hướng phát triển không gian xanh, cảnh quan trung tâm của thành phố, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông. KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng,định hướng này sẽ là "điểm tựa" để đưa sông Hồng trở thành khung thiên nhiên, điểm nhấn đặc sắc của đô thị Hà Nội trong tương lai.

Tạo dựng không gian công cộng xanh, sinh thái và văn hóa

Trên cơ sở yêu cầu thực tiễn và kinh nghiệm thế giới, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, với thủ đô Hà Nội, không gian sông Hồng cần được biến đổi mạnh mẽ, để đạt được vai trò là trục cảnh quan quan trọng, điều hòa cân bằng cho đô thị; đồng thời là nơi vui chơi giải trí, luyện tập thể thao cho người dân, bảo đảm an toàn chống thoát lũ cho đô thị. Mặt khác, khu vực bãi giữa, bờ vở sông Hồng không thể tách rời đô thị. Những di sản kiến trúc đặc trưng của Hà Nội như cây cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân... cần được gắn kết để tạo ra một giá trị cao hơn.

Vì vậy, ông Chiến đề xuất ý tưởng xây dựng Công viên sông Hồng. Cụ thể, công viên bao gồm: khu vực đầu tư mới có phạm vi toàn bộ bãi giữa và khu vực ven sông; khu vực cải tạo chỉnh trang gồm khu dân cư tập trung bên ngoài đê thuộc các phường: Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), Phúc Xá (quận Ba Đình), Tứ Liên, Quảng An, Nhật Tân (quận Tây Hồ) và Ngọc Thụy (quận Long Biên); cùng với đó là các yếu tố kiến trúc có giá trị cần được kết nối như cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, tháp nước Hàng Đậu… thuộc khu phố cổ, phố cũ.

Cùng với quá trình bồi đắp phù sa, các bãi bồi ven sông và bãi nổi được hình thành, tạo thành không gian sông Hồng như hôm nay. Tuy nhiên, việc khai thác, sử dụng bãi sông hiện vẫn còn nhiều bất cập, chưa phát huy hết tiềm năng. Theo TS. KTS. Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, khu vực bãi giữa sông Hồng là không gian duy nhất còn lại có thể tạo dựng không gian công cộng xanh, sinh thái và văn hóa đầy hấp dẫn cho cộng đồng và khách du lịch có thể cảm nhận một không gian sống mật độ cao, tích tụ nhiều tầng văn hóa, và được trải nghiệm không gian mở của Hà Nội, nhìn ra sông, hướng tới không gian công viên xanh sinh thái trên mặt nước.

Quá trình lịch sử Thăng Long - Hà Nội, nhất là giai đoạn đẩy mạnh đô thị hóa, khu vực ven sông Hồng và bãi giữa đã được quan tâm nghiên cứu. TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch - Phát triển đô thị Việt Nam, cho biết, giai đoạn 1992 - 2008 (mở rộng Hà Nội) đã có gần 20 dự án trong và ngoài nước nghiên cứu về đầu tư xây dựng khu vực này. Để triển khai xây dựng Công viên văn hóa, cảnh quan bãi giữa sông Hồng, cần thiết có cơ sở pháp lý, có định hướng khung, song để cụ thể hóa rất cần có tầm nhìn đồng bộ và rộng (liên quan đến vùng và quốc gia).

Tính bền vững của Công viên bãi giữa sông Hồng tất yếu dựa trên tinh thần bền vững của hệ sinh thái, của phát triển văn hóa. Phát triển sinh thái bền vững đòi hỏi xây dựng công viên không gây tổn hại đến dòng chảy, thoát lũ và môi trường sinh thái, tuân theo các nguyên tắc thiết kế phù hợp với điều kiện tự nhiên.

Trục sông Hồng và bãi giữa, bãi bồi thuộc vùng đang mang lại những kỳ vọng cho sự đột phá sáng tạo từ những mục tiêu đặt ra trong tổng thể quy hoạch xây dựng một đô thị Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại.

Ngọc Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/song-hong---tu-ky-uc-den-diem-nhan-khong-gian-van-hoa-ha-noi-i351559/