Sóng gió bủa vây ngành công nghiệp các nền kinh tế lớn nhất thế giới

Hoạt động sản xuất tại Mỹ, Trung Quốc và các nước sử dụng đồng Euro bị ảnh hưởng nặng nề bởi nhu cầu tiêu dùng giảm sút, lạm phát cao và chính sách cho vay bị siết chặt.

Khảo sát kinh doanh mới nhất do S&P Global công bố cho thấy đơn đặt hàng các nhà máy tại Mỹ và khu vực đồng Euro nhận được đang giảm mạnh. Trong khi đó, sản xuất đình trệ tại Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế thứ hai thế giới hồi phục không như dự kiến.

Số đơn hàng vốn tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian đại dịch nhiều khả năng sẽ không còn là động lực đủ mạnh duy trì đà tăng trưởng của ngành công nghiệp toàn cầu, theo CNN.

Dấu hiệu suy thoái

Dữ liệu của S&P Global cho thấy khu vực sản xuất tại Mỹ đã bị thu hẹp trong tháng 5. Trong khi đó, theo Bộ Thương mại Mỹ, số đơn đặt hàng tại các nhà máy đã giảm trong 3 tháng liên tiếp. Tính tới tháng 4, ngoại trừ sản xuất quốc phòng, nhu cầu hàng hóa đã giảm 4 trong 6 tháng gần nhất.

Với các nhà sản xuất ở khu vực đồng Euro, sản lượng, đơn đặt hàng mới và đơn hàng tồn đọng đều giảm trong tháng 5 với tốc độ nhanh hơn tháng trước đó. Sản lượng công nghiệp của nhóm này trước đó giảm mạnh trong tháng 3.

Tình hình tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, cũng không khả quan hơn. Các dữ liệu mới nhất cho thấy xuất khẩu trong tháng 5 của Trung Quốc giảm 7,5% so với năm 2022, đây là mức sụt giảm nghiêm trọng nhất kể từ tháng 1.

Xuất khẩu của Trung Quốc đang giảm mạnh. Ảnh: Reuters.

Số liệu thương mại phản ánh nhu cầu đang suy giảm của thị trường quốc tế với hàng hóa Trung Quốc, trong bối cảnh quốc gia 1,4 tỷ dân đối mặt hàng loạt vấn đề kinh tế khác như tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, thị trường bất động sản lao dốc.

Theo chỉ số sản xuất PMI toàn cầu của JPMorgan, niềm tin của các nhà sản xuất toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022.

"Hoạt động trong một số khu vực sản xuất được cải thiện trong tháng 5 chỉ là nhờ tăng trưởng mạnh hơn ở một số nền kinh tế mới nổi lớn. Triển vọng của toàn ngành công nghiệp vẫn ảm đạm, đặc biệt các đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm mạnh", Ariane Curtis, chuyên gia tổ chức nghiên cứu kinh tế Capital Economics, nhận xét.

Đầu năm 2020, người tiêu dùng khắp thế giới phải cắt giảm mạnh chi tiêu dịch vụ bởi đại dịch Covid-19, tiền được chuyển vào kênh mua sắm hàng hóa. Xu thế này khiến các đơn đặt hàng tăng trưởng nhanh chóng.

Nhưng nay, khi các hạn chế vì đại dịch đã được dỡ bỏ, chi tiêu đang một lần nữa trở lại với các ngành dịch vụ. Tại cả Mỹ và châu Âu, các nhà hàng, khách sạng đang chuẩn bị cho một mùa du lịch bùng nổ.

Xu thế chi tiêu của người tiêu dùng, cùng với lạm phát và lãi suất tăng mạnh, đang khiến các nhà sản xuất hàng hóa gặp khó khăn.

Khó khăn với sản xuất công nghiệp

Theo dự báo của IMF, sau thời gian dài phong tỏa, việc Trung Quốc mở cửa trở lại được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế toàn cầu. Thế nhưng, sự phục hồi của Trung Quốc quá ngắn ngủi, không đủ ngăn sự suy thoái của kinh tế thế giới.

"Đã có nhiều kỳ vọng vào sự mở cửa của Trung Quốc, nhưng rõ ràng điều đó đã không thành hiện thực", Tom Garretson, chiến lược gia cấp cao công ty quản lý tài sản RBC Wealth Management US, nhận định.

Lúc này, các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn đang tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát. Lãi suất của ngân hàng trung ương tăng cao buộc các ngân hàng thương mại phải siết chặt điều kiện cho vay. Tình trạng này đang diễn ra tại Mỹ và châu Âu, đặc biệt sau sự sụp đổ của các ngân hàng Signature, Silicon Valley, Silvergate, cũng như việc First Republic và Credit Suisse bị mua lại.

Chủ tịch FED Jerome Powell. Ảnh: Reuters.

Từ đầu năm 2022 đến nay, FED đã tăng lãi suất 10 lần liên tiếp lên mức mà Chủ tịch Jerome Powell miêu tả là "đủ" để kiềm chế lạm phát. Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng quyết liệt tăng lãi suất và tuyên bố chưa sẵn sàng dừng lại.

Các hàng hóa sử dụng lâu dài như ôtô và đồ gia dụng thường được mua bằng vay trả góp. Vì thế, các điều kiện cho vay bị siết chặt sẽ làm giảm nhu cầu mua sắm, tăng thêm áp lực cho các nhà sản xuất. Nếu nhu cầu hàng hóa tiếp tục lao dốc, đơn đặt hàng suy giảm, các nhà sản xuất toàn cầu cuối cùng sẽ phải cắt giảm nhân công.

Suy thoái kinh tế toàn cầu đã được các chuyên gia dự báo. Khi nền kinh tế suy thoái, mua sắm hàng hóa sẽ là thứ đầu tiên mà người tiêu dùng cắt giảm.

Trong dự báo mới nhất, FED một lần nữa khẳng định Mỹ sẽ bước vào suy thoái nhẹ cuối năm 2023. Viễn cảnh tương tự được dự báo với khu vực đồng Euro, GDP của nhóm này đã giảm 0,1% trong quý I/2023. Dù vậy, sản lượng kinh tế của toàn EU đã tăng 0,1% trong 3 tháng đầu năm.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đang dần bước vào suy thoái. Quy mô nền kinh tế nước này giảm 0,3% trong quý đầu tiên của năm 2023. Trước đó, GDP Đức đã giảm 0,5% trong quý IV/2022.

Lãi suất và lạm phát đều ở mức cao đang gây sức ép nặng nề lên người tiêu dùng và doanh nghiệp ở cả Mỹ và châu Âu, dù rằng đà tăng giá của hàng hóa đã hạ nhiệt trong vài tháng qua.

Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 2,2% trong quý I/2023 so với quý IV/2022, chủ yếu nhờ nhu cầu chi tiêu dịch vụ sau khi mở cửa. Tuy nhiên, con số này khiêm tốn hơn nhiều so với tăng trưởng 4,5% của 3 tháng đầu năm 2022. Mọi con mắt hiện đổ dồn vào dữ liệu đánh giá hiệu quả của nền kinh tế trong tháng 5.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/song-gio-bua-vay-nganh-cong-nghiep-cac-nen-kinh-te-lon-nhat-the-gioi-post1439391.html