Sống đến bình minh: Những 'thước phim tư liệu' về cuộc đời của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh

Sống đến bình minh là cuốn tự truyện dài gần 700 trang của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh được ra mắt độc giả chỉ cách ngày ông đi xa hơn 3 tuần và đều trong những ngày tháng 4 - mốc thời gian gắn nhiều với cuộc đời của ông. Cuốn sách thêm một lần nữa mang đến cho độc giả nhiều thế hệ không chỉ hiểu thêm về cuộc đời, con người của ông mà còn cả những câu chuyện của một thời đã xa.

Tư liệu báo chí và văn chương hòa quện

Đây là cuốn tự truyện được nhà báo Trần Mai Hạnh ấp ủ và viết đã khá lâu nhưng mãi đến đầu năm 2024 mới hoàn thành. Nhiều biến cố trong gia đình, thậm chí có lúc ông tưởng chừng như không thể hoàn thành, cho đến khi những hình ảnh cuối cùng của con gái yêu quý, tài hoa trên giường bệnh về mong muốn cuốn sách được hoàn thành và có tên "Sống đến bình minh" khiến ông bừng tỉnh để viết tiếp những dòng cuối. Những dòng cuối ấy được ông viết trong lúc phải vượt qua mất mát tột cùng của một người cha, sự tận tụy chăm sóc người vợ phải ngồi xe lăn đã cùng ông trải qua tất cả thăng trầm trong cuộc đời và cả những bận rộn công việc nơi tòa soạn ông làm cố vấn.

Cuốn sách Sống đến bình minh của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh

Cuốn sách tái hiện lại cuộc đời của nhà báo Trần Mai Hạnh với các phần được chia theo mốc thời gian cũng như nội dung ở các chương. Độc giả có thể thấy rõ những mảng lớn quanh cuộc đời của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh là: Gia đình, năm tháng ở chiến trường ác liệt, sự nghiệp báo chí vinh quang và cay đắng, trở lại với ngòi bút và chạm tay tới nhiều thành công. Và với mỗi phần này, ngòi bút của Trần Mai Hạnh đã đưa người đọc cùng trở về với quá khứ với những lát cắt đắt giá, tác động đến suy nghĩ cũng như chặng đường dài sau này khi mới chỉ là cậu bé hơn 10 tuổi còn đầy mơ ước văn chương. Ước mơ đã khiến ông trở thành sinh viên khoa Văn của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ngã rẽ của chiến tranh đã đưa ông sớm đến với báo chí và các chiến trường ác liệt. Từ đây, ông một cơ may hiếm có trong đời khi chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên của giới báo chí Việt Nam về những giờ phút lịch sử 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập.

Đọc "Sống đến bình minh", điều dễ nhận ra ngay là cuốn sách mang trong mình một tư liệu đời sống đồ sộ kéo dài suốt mấy chục năm. Ở đấy có câu chuyện, có cảnh vật, có cảm xúc, có rất nhiều con người, có nhiều địa danh của các tỉnh thành... hoàn toàn đều là sự thật thời điểm đó. Phải là người cần mẫn ghi chép cẩn thận không chỉ tư liệu mà còn cảm xúc thì mới có thể viết được chi tiết, cụ thể và sống động đến vậy. Nếu chỉ có tư liệu có lẽ nó chỉ là những thông tin thuần tính báo chí, liệt kê, nhưng ngòi bút Trần Mai Hạnh đã kết hợp nhuần nhuyễn quan sát, cảm xúc, tâm tư tình cảm khiến người đọc như được hòa mình, chứng kiến những câu chuyện, sự kiện của tác giả một cách cuốn hút, khó rời.

Đây không phải là cách viết hồi ký, tự truyện thông thường của nhiều người cầm bút. Đó là một ngày nào đó khi nhìn lại cuộc đời của mình và có nhu cầu viết, thôi thúc viết thì phần lớn dựa vào trí nhớ, dựa vào những tài liệu cùng thời mình tìm kiếm được còn sót hay lưu giữ được ít ỏi. Còn với nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh lại khác. Ông thường xuyên ghi chép, lưu giữ tư liệu mọi nơi mọi lúc, dù thời điểm đó chưa xác định rõ để làm gì nhưng tin chắc vào một ngày nào đó sẽ dùng đến. Điều này một lần nữa chứng minh văn học tư liệu có đời sống riêng của nó, và có giá trị riêng của nó.

Nhà thơ Hữu Thỉnh nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong một cuộc hội thảo đã nói đại ý rằng, người cầm bút khi đến với văn học phải có sự khác biệt và tạo ra phong cách riêng, giọng điệu riêng của mình. Và cái riêng nhất, không trùng lặp với bất kỳ ai là hãy đi đến tận cùng cá nhân con người của mình. Bởi mỗi con người, mỗi cuộc đời đã là một cái riêng, một sự khác biệt. Nhưng khai thác thế nào, có giá trị hay không, được độc giả đón nhận ra sao thì hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng của người cầm bút.

Chuyện của... một thời

Bằng quan sát và sự chọn lọc của mình, nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh đã mang đến nhiều chi tiết trong cuốn sách có thể khiến người đọc khó quên. Đó là sự dữ dội và tàn khốc của chiến tranh đến mức nào khi mà nói về cái chết ngoài những đau khổ, thương xót, hồi tưởng về những kỷ niệm đã qua còn có thể là sự bình thản vì đớn đau đã quá nhiều, đã đến tận cùng, vì cái chết không còn là tính từ mà là danh từ để chỉ sự lặp đi lặp lại trong cuộc sống nơi đây. Người mất thì nằm lại còn người sống tiếp tục chiến đấu và hi vọng vào ngày mai tươi sáng.

Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh (ảnh: Nam Nguyễn)

Không chỉ là lát cắt của chiến tranh, độc giả có thể tìm thấy nhiều lát cắt khác trong tự truyện "Sống đến bình minh" như chuyện tình yêu với những đổ vỡ của mối tình đầu vì không môn đăng hộ đối, những lưu luyến xao động rất đỗi trong sáng nhưng mong manh của người lính trên mặt trận. Chuyện về thời bao cấp với những chật vật khó khăn về chỗ ở, cái ăn, cái mặc, phải làm thêm để sống. Độc giả có thể khóc, cười, tiếc nuối về cuộc sống của những năm tháng ấy. Là những năm đầu đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, trong đó có đổi mới báo chí đã mang đến đời sống thông tin cho công chúng ra sao. Là thông tin về một cơn bão nhưng không nói đầy đủ, nhiều chiều có khi lại dẫn đến ảnh hưởng cuộc sống người dân ra sao. Hay khi hội nhập, nhu cầu thưởng thức thể thao của công chúng rất cao là lý do ra đời các ấn phẩm về bóng đá... Những chuyện đã qua, những tình huống đã diễn ra và gắn với cá nhân của nhà báo Trần Mai Hạnh được thể hiện trong cuốn tự truyện không chỉ là của riêng tác giả mà còn là chuyện của một thời. Là những "tàn dư" hay "hoàn cảnh lịch sử" mà nhiều người đã nếm trải ở thời đó với bao hỉ nộ ái ố. Đó đều là những thử thách đến khắc nghiệt, tàn khốc của cuộc đời mang đến dường như để thử thách con người sẽ xử trí, tồn tại và ứng xử ra sao.

"Sống đến bình minh" như những thước phim tư liệu với rất nhiều thông tin của một cuộc đời con người, của một thời. Khép lại những trang cuối cuốn sách, người đọc có thể thấy được chân dung của tác giả phải trải qua rất nhiều thử thách trong cuộc đời. Nhưng trên hết, dù khó khăn, dù bi kịch thế nào thì nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh vẫn luôn vững tin vào bản thân, vào lương tri và những điều tốt đẹp ở phía trước giống như tên cuốn tự truyện "Sống đến bình minh". Có lẽ những gì cần nói, cần viết, cần gửi lại cho cuộc đời thì nhà báo Trần Mai Hạnh đã dành trọn vẹn trong cuốn sách này, giống như ông đã từng trả lời với báo chí rằng điều đã giúp ông đứng vững, vượt qua mọi thử thách để sống, tiếp tục lao động cống hiến cho đời là vì trong thời điểm khắc nghiệt nhất của số phận khi vướng vòng lao lý do tai nạn nghề nghiệp, chính thời khắc huy hoàng trưa ngày 30/4/1975 được chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên về những giờ phút lịch sử tại Dinh Độc Lập đã giúp ông bình tâm lại, giúp ông đứng vững với niềm tin không gì lay chuyển với lý tưởng cao đẹp của người cộng sản mà mình đã chọn lựa.

Tác giả Trần Mai Hạnh dường như không né tránh tất cả những "ngã rẽ" cuộc đời mình trong tự truyện, cho dù ngã rẽ ý dẫn đến may mắn, vinh quang hay trớ trêu. Ông kể lại sự việc hoàn toàn bằng những chứng cứ, tư liệu mà mình đã tỉ mỉ ghi chép, thu thập. Từ đó bạn đọc tự tìm cho riêng mình cảm xúc hay câu trả lời với những câu chuyện hay vấn đề mà mình quan tâm. Đó có lẽ là những khoảng trống ông không can dự và muốn tạo ra cho bạn đọc.

Lễ ra mắt Tự truyện "Sống đến bình minh" diễn ra vào 8h30 sáng ngày 25/4 tại Phòng Ballroom- Tầng 1, Tòa nhà PressClub, số 12 Lý Đạo Thành, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sự kiện do Đài tiếng nói Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia sự thật và gia đình phối hợp tổ chức.

Hiền Nguyễn

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/song-den-binh-minh-nhung-thuoc-phim-tu-lieu-ve-cuoc-doi-cua-nha-bao-nha-van-tran-mai-hanh-20240424221252714.htm