Sông Ba kêu cứu vì sạt lở nghiêm trọng

15 năm trở lại đây, sông Ba (Tây Nguyên) bị sạt lở nghiêm trọng, 'nuốt chửng' hàng trăm ha đất ở, đất sản xuất vùng ven sông. Con sông này đang kêu cứu vì tình trạng sạt lở mỗi năm càng nghiêm trọng hơn.

Hiện tại chỉ riêng thôn Quý Đức, xã Ia Trôk, (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đã có 10 ha đất ở và đất sản xuất bị sạt lở. Một nửa ngôi chùa cùng nhiều đoạn đường giao thông và trụ điện của thôn Quý Đức đã sông Ba nuốt chửng.

Không chỉ ông Nguyễn Xuân Hòa, mà hầu hết người dân ở thôn Quý Đức đều rất lo lắng: “Mùa mưa lũ thì nước về, lở suốt ngày, suốt đêm. Một đợt nước lũ vào là lở 3-4 mét đất. Đất rộng tới vài ha, vậy mà một lở tới chùa, tới nhà”.

15 hộ dân ở thôn Đăk Trá, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai cũng ngậm ngùi bất lực khi hàng chục ha đất nông nghiệp của mình bị sạt lở. Đáng lo là 8 hộ với 33 nhân khẩu có nhà gần bờ sông dù đã thuộc danh sách bố trí, sắp xếp dân cư giai đoạn 2011-2025 của huyện Ia Pa, nhưng đến nay, vẫn chưa thể di dời.

Người dân thôn Quý Đức, xã Ia Trok, huyện Ia Pa đứng trước đoạn sông sạt lở từng là mảnh đất của gia đình mình

Ông Võ Văn Công - Bí thư Đảng ủy xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa cho biết: “Từ năm 2003 tới nay sạt lở hơn 50m từ sông vào, ảnh hưởng lớn tới các hộ dân sinh sống dọc hai bên bờ. Người dân rất lo lắng mỗi khi mưa, nước lớn đổ về. Mong muốn các cấp chính quyền, lãnh đạo quan tâm, giúp đỡ để ổn định cuộc sống của nhân dân”.

Chỉ riêng huyện Ia Pa, hiện có 19 điểm sạt lở dọc 16 km ven hai bờ sông Ba. Tổng diện tích đất nông nghiệp và đất ở bị sạt lở đã lên đến hàng chục ha. Trong đó, 3 khu vực bị nghiêm trọng nhất là các thôn Quý Đức (xã Ia Trôk), cầu Ia Kdăm (xã Ia Mrơn) và trạm bơm thủy lợi Chư Răng 2 (xã Chư Răng).

Ông Huỳnh Văn Trường - Chủ tịch UBND huyện Ia Pa cho biết: Tại các cuộc tiếp xúc với đại biểu HĐND các cấp, cử tri liên tục nêu ý kiến, nguyện vọng được quan tâm tháo gỡ, nhưng UBND huyện vẫn lúng túng vì chưa có kinh phí: “Ngoài đất ở của người dân, còn có đất sản xuất nữa. Mỗi năm sạt lở rất lớn. Trước đây, người dân có thử biện pháp trồng cây nhưng không được, vẫn sạt lở. Người dân kiến nghị nhiều lần, đề nghị làm kè nhưng kinh phí rất lớn, huyện không có khả năng”.

Ông Trương Hải Long (ngoài cùng bên trái) thị sát tại các điểm sạt lở sông Ba ở huyện Ia Pa giữa tháng 4/2024 vừa qua

Đầu tháng 4/2024, huyện Ia Pa và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã gửi văn bản báo cáo UBND tỉnh Gia Lai về tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở địa phương. Giữa tháng 4/2024, ông Trương Hải Long - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cùng đoàn công tác của tỉnh đã thị sát tại các điểm sạt lở ở các xã Ia Trôk, Ia Mrơn, của huyện Ia Pa.

Ông Trương Hải Long nhận định: tình trạng sạt lở sông Ba đã đến mức nghiêm trọng, ảnh hưởng tới tài sản, tính mạng của nhân dân. Vì vậy, tỉnh sẽ xem xét ban hành quyết định khẩn cấp, có căn cứ triển khai các phương án cấp bách để ngăn chặn sạt lở sông Ba về lâu dài.

“Sau khi công bố lệnh khẩn cấp thì huyện phải khoanh vùng ngay khu vực sạt lở để có phương án để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Huyện chủ động các biện pháp để gia cố, hạn chế tốc độ sạt lở; phải tính đến phương án kè chống sạt lở để đảm bảo ổn định, lâu dài. Trong đó đặc biệt chú trọng đến phương án sơ tán các hộ dân sinh sống sát mép khu vực sạt lở. Sở Nông nghiệp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và địa phương để khẩn trương nghiên cứu, đề xuất triển khai các giải pháp ngăn ngừa, khắc phục ngay tình trạng sạt lở”, ông Trương Hải Long nói.

Tây Nguyên đang đối mặt với hạn hán khốc liệt, nước sông Ba đang cạn kiệt. Nhưng mùa mưa cũng đã cận kề, vườn tược, đất trồng, nhà cửa và cả tính mạng của nhiều gia đình dọc bờ sông Ba đang đặt trước sự báo động đỏ.

Nguyễn Thảo/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/song-ba-keu-cuu-vi-sat-lo-nghiem-trong-post1090093.vov