Sơn Long với những giai thoại

Đường về Sơn Long. Ảnh: LÊ KHA

Xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa nằm trên cao nguyên Vân Hòa, có độ cao trung bình 400m so với mặt nước biển. Địa hình ở đây có nhiều núi, gò đồi, thung lũng, suối cạn, suối sâu và hệ động thực vật phong phú, đa dạng.

Cọp truông Bà Viên

Xưa kia cọp, beo trú ngụ rất nhiều ở vùng núi Sơn Long, nhưng nổi tiếng nhất là cọp ở truông Bà Viên, nơi giáp ranh giữa 2 xã Sơn Long và Sơn Định. Trong dân gian còn lưu truyền các sự tích về cọp ở đây. Tại truông Bà Viên có một con cọp cái chỉ còn 3 chân, nhưng rất hung dữ, thường ngày đón đường bắt người và súc vật. Vì vậy, người dân phải chờ đông người mới dám đi qua truông này. Ca dao địa phương có câu:

Rủ nhau qua truông Bà Viên

Kẻo sợ ông Gấm lượm liền chị Hai

Thời bấy giờ, mỗi đoàn người khi đi qua truông, chọn một người khỏe mạnh, dày dạn kinh nghiệm, giỏi võ nghệ dẫn đầu có cầm cây đòn xóc vót nhọn 2 đầu. Đi qua truông bình yên thì cắm cây đòn xóc nơi dễ trông thấy, nếu không thấy ắc là có điều không lành xảy ra, dân làng tức thì gõ mõ, thúc trống… tổ chức đi tìm tung tích người xấu số bị cọp vồ. Khi tìm được nạn nhân, bà con địa phương báo tin cho gia đình đến lo hậu sự.

Để phục vụ cho những người chờ qua truông, bà Viên ở xóm Phong Cao gần đó, mở quán bán nước và hàng hóa lặt vặt cho khách đi đường, lâu ngày tên Bà Viên trở thành địa danh. Có người cho rằng bà Viên là một phụ nữ nhan sắc mặn mòi, giỏi võ nghệ, thường qua lại truông một mình, không sợ cọp beo, dần dần bà trở thành người nổi tiếng ở đất Sơn Long. Truông Bà Viên nay không còn nữa, bởi quy hoạch sản xuất nông nghiệp, xây dựng giao thông… Dấu xưa đã đi vào quá khứ.

Diệt trừ thuồng luồng

Những năm đầu của thế kỷ XX, làng Vân Hòa, xã Sơn Long là địa bàn phát triển hoạt động giao thương mua bán, trao đổi nông, lâm, thổ sản…, người Hoa đến định cư khá đông. Người dân địa phương và người Hoa sinh sống đan xen, tôn trọng lẫn nhau. Vân Hòa cũng là nơi gặp gỡ tiếp xúc, giao lưu với các dân tộc Chăm, Ba Na, Ê Đê vùng lân cận Trà Kê, Cà Lúi, Suối Ché… Trên cơ sở đó tạo ra sự giao lưu rộng rãi, có tình đoàn kết giữa người địa phương với các cộng đồng dân tộc xung quanh. Tại Vân Hòa, Nhân dân còn lưu truyền một sự tích phản ánh đậm nét tình đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa người thiểu số với đồng bào Kinh trong buổi đầu lập nghiệp trên xứ sở sương mù. Đó là sự tích về việc diệt thuồng luồng.

Chuyện kể rằng, buổi ban đầu sơ khai quy dân lập làng, ở vùng đất Vân Hòa, cư dân phát hiện có một con thuồng luồng dài hơn 20 sải tay, thân mình to đen như cây sao, cây chò. Thỉnh thoảng nó lên khỏi hang, bò vào các xóm rình rập bắt người và gia súc, gây hoang mang cho dân chúng. Đêm đêm người dân gõ mõ, đánh trống, đốt lửa để xua đuổi nó; nhằm tránh tai họa bất ngờ, người ta còn dựng chòi cao mà ở. Bấy giờ tại một buôn dân tộc thiểu số ở phía tây làng Vân Hòa, có ông Chăm Mùng cao to khỏe mạnh. Vợ qua đời, ông không đi thêm bước nữa mà ở vậy với đứa con trai duy nhất. Ông có tài bắn ná, cung tên rất giỏi, diệt nhiều thú dữ. Dân chúng Vân Hòa đến thỉnh cầu ông trừ giúp con quái vật đó. Họ bằng lòng trích ruộng đất để ông gieo trồng lúa, bắp… sinh sống. Ông Chăm Mùng nhận lời, hai cha con đến làng Vân Hòa, cất một cái chòi cao gần hang thuồng luồng, đêm ngày chờ đợi, hễ nó chui ra khỏi hang là ông bắn cung tên có tẩm thuốc độc để hạ sát ngay. Song kỳ lạ, từ khi có ông ở đó, thuồng luồng không ra khỏi hang nữa. Một hôm, ông Chăm Mùng đi săn thú dưới chân núi Đồng Càn gần đó, ở nhà đứa con nhóm lửa dưới chòi nấu cơm. Khi nồi cơm đang sôi sùng sục thì thuồng luồng xuất hiện, há miệng đưa 2 hàm răng bén nhọn vồ cắn đứa con trai ông. Con ông Chăm Mùng hoảng hốt, không kịp trèo lên chòi cao, bèn vung cả nồi cơm đang sôi vào miệng thuồng luồng, đồng thời kêu cứu. Nghe tiếng kêu thất thanh, ông Chăm Mùng vội vã băng rừng chạy về, thấy vậy ông giương cung bắn mấy mũi tên độc, kết liễu đời thuồng luồng.

Từ đó, người dân Vân Hòa, xã Sơn Long không còn sợ thuồng luồng bắt người, bắt gia súc nữa, hết lòng nhớ ơn cha con ông Chăm Mùng. Một điều không may là đứa con ông đột ngột phát bệnh rồi theo ông theo bà, thời gian sau, ông Chăm Mùng cũng qua đời. Hàng năm vào những ngày đầu xuân mới, bà con làng Vân Hòa đóng góp lễ vật để cúng tạ ơn cha con ông Chăm Mùng. Tục này đến năm 1945 thì không còn nữa.

Người dân tộc thiểu số ở vùng núi rừng có nhiều kinh nghiệm trong việc chế ngự các loài thú dữ, nên người Kinh đã nhờ vào sự giúp đỡ của họ để tiêu diệt thuồng luồng. Sự nghĩa hiệp của ông Chăm Mùng đã thể hiện tình đoàn kết giữa đồng bào Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số cùng chung tay xây dựng quê hương để người dân được an cư lạc nghiệp.

TRẦN LÊ KHA

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/294460/son-long-voi-nhung-giai-thoai.html