Sớm xử lý dứt điểm tình trạng đất bị bỏ hoang, lãng phí ở Bạc Liêu

Nhiều năm qua, do nhiều nguyên nhân, tình trạng đất công bị bỏ hoang, lấn chiếm ở tỉnh Bạc Liêu nhiều lần diễn ra nhưng không được giải quyết kịp thời gây nên những bức xúc trong dư luận. Mặc dù chính quyền địa phương không ít lần ban hành nhiều chỉ thị, thông báo nhằm giải quyết thực trạng nêu trên nhưng chưa có kết quả.

Khu công viên văn hóa Trần Huỳnh (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) bị bỏ hoang 20 năm qua.

Khu công viên văn hóa Trần Huỳnh (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) bị bỏ hoang 20 năm qua.

Ngành chức năng cho biết, tổng diện tích đất công trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 2.670 ha, trong đó, các cấp chính quyền và ngành chức năng đang quản lý hơn 878 ha, đất chưa sử dụng gần 1.700 ha. Đáng lưu ý, trong đó, diện tích đất công có giá trị cao bị lấn chiếm hơn 30 ha. Tại TP Bạc Liêu, tính đến thời điểm hiện tại, đất công chưa khai thác sử dụng giao cho UBND các phường, xã quản lý khoảng 134,5 ha; hơn 67 ha đất công đưa vào kế hoạch bán đấu giá quyền sử dụng đất. Diện tích đất công bị các hộ dân lấn chiếm tồn tại qua nhiều thời kỳ chưa được kiểm tra, xử lý. Tại thị xã Giá Rai, tổng diện tích đất công do chính quyền địa phương quản lý là hơn 351 ha, tổng diện tích đất chưa khai thác sử dụng là 1,83 ha, đất công bị lấn chiếm chưa xử lý hơn 7 ha. Từ năm 2015 đến 2017, thị xã Giá Rai đã thực hiện 29 công trình, dự án, trong đó có 10 dự án có thu hồi đất, tổng diện tích thu hồi gần 10 ha.

Từ năm 2015 đến 2017, qua thanh tra, kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị UBND tỉnh thu hồi 82.568 m2 đất đối với các tổ chức sử dụng đất không đúng mục đích, không nộp tiền thuê đất và không triển khai dự án. Việc quản lý và sử dụng đất công, nhất là các dự án được giao đất nhưng chậm triển khai… gây lãng phí rất lớn. Một số doanh nghiệp, nhà đầu tư tranh thủ sự tạo điều kiện của chính quyền và cơ quan chức năng địa phương để được giao đất dự án rồi bao chiếm và “sang tay” cho các tập đoàn, công ty lớn trong và ngoài nước nhằm thu lợi bất chính. Tình trạng nêu trên đã và đang diễn ra khá phổ biến.

Điển hình là khu đất vàng tại khu vực thương mại (phường 3, phường 1, TP Bạc Liêu). Chúng tôi được biết, cách đây gần 10 năm, chính quyền địa phương đã giao khu đất vàng nêu trên cho Tập đoàn Nguyễn Kim, với diện tích hơn 16.000 m2, nhằm xây dựng khu thương mại, phục vụ nhu cầu phát triển của tỉnh. Lúc đầu, dự án này được Tập đoàn Nguyễn Kim tổ chức lễ khởi công khá rầm rộ, nhưng, sau đó chỉ cắm một số cọc móng bê-tông rồi tạm dừng. Khi dư luận nhân dân bức xúc, chính quyền địa phương có văn bản nhắc nhở thì đơn vị này thi công vài ngày rồi lại để đó suốt gần tám năm qua.

Tương tự, cũng tại TP Bạc Liêu, chính quyền địa phương giao hơn 40.000 m2 đất cho Công ty cổ phần Quốc tế Phương Đông. Đồng thời, tỉnh giao đất cho doanh nghiệp tư nhân Lý Toản, nhằm xây dựng khu du lịch sinh thái Nam Hải tại TP Bạc Liêu, nhưng hơn 10 năm nay dự án này vẫn “đắp chiếu”... Từ thực tế nêu trên, nhiều năm qua, không ít cán bộ, nhân dân trong tỉnh Bạc Liêu rất bức xúc trước việc khu đất vàng với diện tích hàng nghìn mét vuông ngay tại trung tâm TP Bạc Liêu bị bỏ hoang. Đó là khu đất thuộc Công viên văn hóa Trần Huỳnh, phường 7. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, ngay sau khi tái lập tỉnh (đầu năm 1997), UBND tỉnh Bạc Liêu đã quy hoạch và quyết định đầu tư xây dựng Công viên văn hóa Trần Huỳnh, với diện tích ban đầu gần 13 ha tại phường 7. Dự án này được đánh giá là một trong những công trình quy mô lớn nhất của tỉnh, với mục đích đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần, là trung tâm vui chơi, giải trí của nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên, nhi đồng.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, sau hơn 20 năm triển khai thực hiện, đến nay, nhiều héc-ta đất tại Công viên văn hóa Trần Huỳnh vẫn bỏ hoang, cỏ cây mọc um tùm; nhiều hạng mục công trình xây dựng, với nguồn vốn đã đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng do thi công dở dang từ nhiều năm qua, ngày càng hoang tàn, xuất hiện nhiều tệ nạn xã hội. Được biết, tại khu đất Công viên văn hóa Trần Huỳnh nêu trên, ngoài hơn 39 nghìn m2 đất đã được UBND tỉnh Bạc Liêu giao cho Tỉnh đoàn thực hiện dự án xây dựng Nhà thiếu nhi Phùng Ngọc Liêm, hiện nay chính quyền địa phương, ngành chức năng đã giao nhiều héc-ta cho một vài doanh nghiệp, với mục đích ban đầu là “xã hội hóa”, huy động các nguồn lực đầu tư cho khu văn hóa trung tâm TP Bạc Liêu.

Đáng chú ý, mới đây Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Quốc Lâm đã yêu cầu chính quyền và ngành chức năng địa phương phải “bồi thường” và “hỗ trợ” hàng chục tỷ đồng thì công ty mới giao trả lại đất nhận thuê dài hạn tại Công viên văn hóa Trần Huỳnh. Chúng tôi được biết, năm 2012, UBND tỉnh Bạc Liêu cho Công ty Quốc Lâm thuê hơn 41.000 m2 đất Công viên văn hóa Trần Huỳnh. Quyết định cho thuê nêu rõ: Mục tiêu cải tạo khu vui chơi, thư giãn và thể dục - thể thao cho thanh thiếu niên và các dịch vụ thương mại khác. Hình thức thuê trả tiền hằng năm với thời hạn thuê 50 năm, tiến độ thực hiện các dự án trong vòng 24 tháng. Tuy nhiên, sau hơn bảy năm thi công ỳ ạch doanh nghiệp này “đã cắt” đất công viên rồi cho một số đơn vị khác thuê lại kiếm lời. Khi UBND tỉnh Bạc Liêu có chủ trương thu hồi đất doanh nghiệp này lại yêu cầu bồi thường hàng chục tỷ đồng. Trước những đòi hỏi quá mức nêu trên của Công ty Quốc Lâm, tại cuộc họp chuyên đề về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, do Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức ngày 7-6 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Minh Chiến cho rằng: “Không có cơ sở để tính hỗ trợ không khấu hao công trình nêu trên của Công ty Quốc Lâm, tại khu đất nằm trong Công viên văn hóa Trần Huỳnh”. Đồng thời, đề nghị Tổ công tác của UBND tỉnh và các đơn vị có liên quan giải thích rõ cho Công ty Quốc Lâm biết, đồng thời áp dụng việc bồi thường, hỗ trợ phải đúng theo quy định của pháp luật…

Cán bộ, nhân dân tại địa phương bày tỏ mong muốn tình trạng đất công bị bỏ hoang, lấn chiếm chuyển nhượng nêu trên sớm được tỉnh Bạc Liêu có giải pháp xử lý, giải quyết dứt điểm, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân.

Bài và ảnh: TRỌNG DUY

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40748402-som-xu-ly-dut-diem-tinh-trang-dat-bi-bo-hoang-lang-phi-o-bac-lieu.html