Sớm ổn định vùng trồng bí xanh

Từ những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, thời gian qua, một số địa phương trong tỉnh đã mạnh dạn chuyển sang trồng và chuyên canh trồng bí xanh. Mô hình trồng bí hình thành và nhận được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng như người dân. Tuy nhiên, để việc phát triển sản xuất mang tính bền vững, người dân đã liên kết sản xuất, tiêu thụ với các hợp tác xã, doanh nghiệp và từng bước ổn định vùng trồng để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, hướng tới hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

Người dân xã Chà Nưa chuẩn bị các điều kiện, phát triển vùng trồng bí xanh.

Người dân xã Chà Nưa chuẩn bị các điều kiện, phát triển vùng trồng bí xanh.

Từ diện tích lúa một vụ trên cánh đồng Na Vai, vào đầu năm 2023, 14 hộ dân bản Pa Có, xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) đã chuyển đổi sang trồng cây bí xanh. Với diện tích 1,2ha, sau 6 tháng canh tác và sản xuất, người dân bản Pa Có đã thu hoạch trên 97 tấn bí xanh, cho thu nhập hơn 410 triệu đồng. Theo đánh giá của chính quyền địa phương, việc trồng bí xanh cho thu nhập gần gấp 2 lần so với trồng lúa trên cùng đơn vị diện tích. Những con số đó đã khẳng định thắng lợi bước đầu của mùa thu hoạch bí xanh đầu tiên. Thế nhưng, chính quyền địa phương cũng như người dân khá thận trọng khi phát triển diện tích trên địa bàn, tránh tình trạng “được mùa, mất giá” và ngược lại.

Ông Khoàng Văn Dương (bản Pa Có) chia sẻ: “Mô hình trồng bí xanh canh tác trong thời gian ngắn, chỉ sau 62 ngày là cho thu hoạch và lại cho thu nhập cao hơn so với trồng lúa. Ngoài ra, bà con dân bản còn học hỏi kinh nghiệm và được hướng dẫn quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến khi thu hoạch. Từ thực tế đó đã khuyến khích người dân nhân rộng diện tích trồng bí xanh. Tuy nhiên, để mô hình phát triển bền vững, chúng tôi cũng phải lựa chọn vùng trồng sao cho phù hợp với các điều kiện trồng và chăm sóc. Ðồng thời phải là vùng tập trung để dễ dàng áp dụng các tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật của đơn vị liên kết đặt ra chứ không thể trồng ngoài vùng kiểm soát được. Có đảm bảo các yêu cầu như vậy, sản phẩm mới đạt tiêu chuẩn và đơn vị thu mua mới bao tiêu, thu mua cho bà con...”.

Mô hình trồng bí xanh tại xã Chà Nưa được triển khai trồng thử nghiệm vào đầu tháng 1/2023 theo hình thức liên kết giữa người dân với hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp. Ðến nay, toàn xã có 5 vườn với 37 hộ gia đình tham gia trồng bí xanh với tổng diện tích 3,45ha tại các bản: Cấu, Nà Ín, Pá Có và Nà Cang. Vụ đầu tiên, thời gian thu hoạch bắt đầu từ ngày 21/4 đến ngày 1/7. Sau 62 ngày trồng và chăm sóc, các mô hình đã cho hiệu quả kinh tế khá khả quan, với năng suất bình quân đạt trên 88,99 tấn/ha, tổng sản lượng 306,14 tấn. Từ thắng lợi của vụ thứ nhất, chính quyền xã dự kiến sẽ phát triển diện tích lên 7,7ha trong vụ bí xanh thứ 2. Mặc dù vậy do việc triển khai thực hiện mô hình bí xanh cần tuân thủ các yêu cầu khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nên chính quyền địa phương sẽ cân nhắc để lựa chọn các vùng trồng và phát triển các mô hình một cách phù hợp nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Ông Lò Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Chà Nưa cho biết: Vụ trồng bí đầu tiên, người dân được hướng dẫn quy trình kỹ thuật áp dụng làm mô hình và các vườn trồng bí tương đối tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác theo dõi, chỉ đạo mô hình nên đã đem lại kết quả khá tích cực. Thế nhưng vẫn còn một số tồn tại như: Bà con chưa thống nhất khâu tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết, tư tưởng không vững vàng, muốn bán riêng lẻ để được lợi nhuận cao. Giá cả thị trường không ổn định, cung lớn hơn cầu, giá thấp, lý do đến mùa vụ thu hoạch ồ ạt nhiều nơi trùng với các tỉnh khác, nên không thể tránh khỏi việc tiêu thụ chậm, giá cả thị trường xuống thấp. Vậy nên, chúng tôi cũng cần rà soát những bản chưa thực hiện mô hình nhưng phải phù hợp với các điều kiện giao thông, thời tiết cũng như các yêu cầu của đơn vị liên kết để tiếp tục triển khai thực hiện mô hình.

Hiện nay, huyện Mường Chà có 14,8ha trồng bí xanh trên địa bàn thị trấn Mường Chà và 2 xã: Ma Thì Hồ, Mường Mươn. Tại các vùng trồng này, HTX Nam Dương đã đứng ra làm đầu mối kết nối với các đơn vị tiêu thụ để bao tiêu sản phẩm; đồng thời liên kết với các tổ hợp tác tại các xã, thị trấn để trồng và sản xuất bí xanh. Trong đó, xã Ma Thì Hồ có 1 tổ hợp tác, thị trấn Mường Chà có 1 tổ hợp tác và xã Mường Mươn có 2 tổ hợp tác. Khi tham gia chuỗi liên kết, người dân sẽ được các đơn vị liên kết đứng ra đảm bảo về đầu ra cũng như hướng dẫn quá trình trồng và chăm sóc cây bí. Từ việc lựa chọn cây giống, chăm sóc, phân bón hay phòng trừ sâu bệnh đều phải theo tiêu chuẩn nên người dân phải tuân thủ đúng các yêu cầu kỹ thuật để mang lại những sản phẩm có chất lượng, cung cấp cho đơn vị bao tiêu. Từ đó, vùng trồng bí cũng sẽ được kiểm soát để hướng đến một vùng trồng ổn định.

Ông Trần Ðức Cương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Chà cho biết: Hiện tại đối với việc trồng và chuyên canh cây bí xanh trên địa bàn huyện, người dân muốn tự trồng cũng không thể bán cho ai được. Bởi vì hầu hết các hộ dân trồng bí xanh đều đã tham gia chuỗi liên kết sản xuất với các đơn vị, HTX hay công ty rồi, nên sẽ không có một quả bí nào bán ra ngoài thị trường mà đều được thu mua để đưa về các nhà máy chế biến dưới xuôi. Nếu có bán ra ngoài thị trường thì chủ yếu là các quả chưa đảm bảo tiêu chuẩn. Ðể có vùng trồng ổn định, thời gian tới, chúng tôi dự kiến phấn đấu đưa diện tích trồng bí xanh trên địa bàn lên 20ha. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng trồng được bí xanh bởi việc sản xuất theo chuỗi cần phải có hướng dẫn kỹ thuật thường xuyên, đồng thời cũng phải được canh tác ở những địa bàn thuận tiện giao thông đi lại, dễ dàng tiến hành kiểm tra, kiểm soát về tình hình phát triển, phòng trừ sâu bệnh... Nhằm khẳng định và nâng cao chất lượng sản phẩm cho cây bí xanh, chúng tôi cũng đang tiến hành làm các thủ tục chứng nhận VietGAP cho cây bí Mường Chà. Hi vọng với sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn và tinh thần tham gia nhiệt tình của các hộ dân, Mường Chà sẽ sớm ổn định vùng trồng, từng bước đưa thương hiệu bí xanh lan tỏa rộng khắp thị trường.

Hiện nay, mặc dù diện tích trồng bí xanh trên địa bàn tỉnh chưa lớn nhưng để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, người dân cần tuân thủ theo đúng các yêu cầu kỹ thuật, áp dụng đúng khoa học kỹ thuật vào canh tác, sản xuất để tạo ra các sản phẩm có chất lượng. Một khi, chất lượng đã được khẳng định, việc phát triển, mở rộng vùng trồng và sản xuất bí xanh nói riêng và các nông sản khác nói chung sẽ thuận lợi và phát triển bền vững hơn. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, từng bước cải thiện đời sống và dần hiện thực hóa đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” trên địa bàn tỉnh.

Phạm Quang

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/209003/som-on-dinh-vung-trong-bi-xanh