'Soi' tiềm lực tài chính của nhà thầu Thái Lan trong liên danh Hoa Lư

Trong liên danh Hoa Lư, Power Line Engineering Public sẽ đóng vai trò quan trọng như một chuyên gia về Cơ khí, Điện và Hệ thống nước viết tắt là MEP, sẽ hoàn thiện năng lực của Liên danh Hoa Lư cũng như tăng khả năng thành công của dự án. Vậy doanh nghiệp đến từ Thái Lan này có tiềm lực tài chính ra sao?

Ông Swake Srisuchart – Chủ tịch Ủy ban Điều hành Power Line Engineering.

Liên danh Hoa Lư là một trong ba liên danh đã nộp hồ sơ đấu thầu gói thầu 5.10 thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách. Gói thầu có tổng giá trị hơn 35.000 tỷ đồng, là gói thầu có giá trị lớn nhất của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Thời gian mở thầu vào ngày 12/8 tới đây.

Liên danh Hoa Lư thu hút sự chú ý bởi quy tụ nhiều nhà thầu lớn trong nước gồm: Hòa Bình, Central, An Phong, Delta, Unicons, Thành An do Công ty CP Xây dựng Coteccons dẫn đầu. Trong đó có một cái tên chú ý là Power Line Engineering Public đến từ Thái Lan.

Power Line Engineering Public (PLE) được thành lập từ năm 1988, hiện sở hữu 5 công ty con. Thời điểm đầu, công ty này tập trung vào các gói thầu cơ điện nhưng sau đó đã mở rộng thành một nhà thầu xây dựng và kỹ thuật tại các dự án văn phòng, khách sạn, tòa nhà phức hợp, bệnh viện... tại Thái Lan.

Chẳng hạn, công trình tòa nhà hỗn hợp SOHO với 5 tầng ngầm; dự án Chamchuri Square với tổng diện tích 187.912 m2; Power Line Engineering Public cũng là nhà thầu cơ điện cho dự án Tòa nhà Quốc hội Thái Lan – tòa nhà Quốc hội lớn nhất thế giới. Ở lĩnh vực sân bay, Năm 2020, công ty này đã hoàn thành sân bay vệ tinh tại Bangkok (Thái Lan). Trong ba năm qua, công ty đã nhận nhiều dự án từ Chính phủ với vai trò là nhà thầu phụ.

Tại Thái Lan, Power Line Engineering Public nằm vị trí thứ 5 trong top 10 nhà thầu có doanh thu lớn nhất gồm một số doanh nghiệp lớn như Italian Thái Lan thị phần doanh thu 39,3%; Sino - Thai 18,4%; Ch.Karnchang 9,2%; UNIQ 7,2%; NWR 7,4%; và Power Line 5,0%.

Thị phần doanh thu của PLE tại Thái Lan.

Doanh thu của PLE ghi nhận đều đặn trung bình 8-9 tỷ Baht tương đương khoảng 6.223 tỷ Việt Nam đồng qua từng năm. Mặc dù ghi nhận doanh thu lớn song lợi nhuận của PLE phập phù trong những năm gần đây.

Riêng trong năm 2022, PLE trúng thầu tổng cộng 10 dự án tại Thái Lan với tổng giá trị 1,8 tỷ Baht tương đương 1.244 tỷ Việt Nam đồng, thấp hơn so với mục tiêu đề ra. Doanh thu ghi nhận 8,2 tỷ Baht nhưng chi phí tăng cao hơn dẫn đến lỗ gộp từ hoạt động kinh doanh 170 triệu Bath tương đương lỗ 118 tỷ Việt Nam đồng. Sau khi trừ đi chi phí phát sinh, PLE báo lỗ sau thuế 170,5 triệu Baht trong khi năm 2021 có lãi 140 triệu Baht. Trước đó, năm 2020, PLE cũng báo lỗ lên tới 441 triệu Baht tương đương lỗ 305 tỷ Việt Nam đồng từ hoạt động kinh doanh chính.

Lý giải khoản lỗ năm 2022, theo ông Swake Srisuchart – Chủ tịch Ủy ban Điều hành Power Line Engineering, việc tăng giá các loại vật liệu xây dựng đặc biệt là thép ảnh hưởng lớn đến chi phí của công ty. Dự kiến, chi phí này sẽ được kiểm soát vào năm 2023-2024 giúp công ty có lãi trở lại.

Đồ họa: A.P.

Về tình hình tài chính, tính đến ngày 31/12/2022, PLE có tổng tài sản 14,3 tỷ Baht tương đương với 9.821 tỷ Việt Nam đồng tăng 5,3% so với năm 2021. Tổng tài sản của PLE chỉ bằng một nửa so với Tập đoàn Hòa Bình (14.701 tỷ đồng) và Coteccons (hơn 21.300 tỷ đồng).

Tổng tài sản PLE tăng chủ yếu tăng từ các khoản phải thu và chi phí hợp đồng chưa thanh toán, trong khi tiền và các khoản tương đương tiền 429,45 triệu Baht giảm một nửa so với con số 815,8 triệu Baht vào năm 2021.

Tổng nợ phải trả tăng 8,4% từ 10,85 tỷ Baht vào năm 2021 lên 11,7 tỷ Baht bao gồm các khoản thấu chi và vay ngắn hạn từ các tổ chức tài chính dưới hình thức tài trợ dự án lên tới 4,33 tỷ Baht. Nợ dài hạn tăng 595,7 triệu Baht chủ yếu là trái phiếu.

Thua lỗ năm 2022 cũng khiến vốn chủ sở hữu của PLE giảm từ 2,72 tỷ Baht xuống còn 2,52 tỷ Baht. Tỷ lệ nợ phải trả trên vốn sở hữu là 4,68 lần.

Đánh giá về thị trường Việt Nam, ban lãnh đạo PLE cho biết, trong những năm qua các nhà thầu Thái Lan liên tục nhận được nhiều dự án nhà ở và văn phòng ở các nước xung quanh, đặc biệt là Việt Nam - nơi đang có sự mở rộng về cơ sở hạ tầng và khu công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư trực tiếp nước ngoài không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, việc mua lại các công trình xây dựng ở các nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV) có thể đặt ra rủi ro pháp lý về việc làm có thể không phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, các điều kiện thỏa thuận không chắc chắn, bất ổn chính trị và cạnh tranh với nhà thầu nước ngoài.

Đánh giá riêng về dự án sân bay Long Thành, theo ông Swake Srisuchart, với một đại dự án như Sân bay Long Thành, không một công ty hay nhà thầu nào có thể tự mình thực hiện bởi dự án yêu cầu rất nhiều nguồn lực, nhân lực và tài chính để thực thi. Mỗi thành viên trong liên danh đóng góp những điểm mạnh nhất của mình, cùng phân chia dự án thành nhiều hạng mục, từng khu và cùng thực hiện thì mới có thể hoàn thành trong thời gian kỳ vọng là 36 tháng.

An Phong

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/soi-tiem-luc-tai-chinh-cua-nha-thau-thai-lan-trong-lien-danh-hoa-lu.htm