Soi sức mạnh tiêm kích F-16 của Mỹ vừa rơi ngoài khơi Hàn Quốc

Tuy có tỉ lệ tai nạn cao nhất trên thế giới, nhưng F-16 vẫn được xem là một trong những máy bay chiến đấu thành công nhất lịch sử.

Theo hãng tin ABC News, một máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ đã gặp "tình huống khẩn cấp trong quá trình bay" trên Biển Tây ngoài khơi Hàn Quốc và bị rơi vào sáng sớm ngày 31/1, Quân đội Mỹ cho biết thêm rằng phi công đã được giải cứu. Ảnh: ABC News.

Trong một tuyên bố, quân đội cho biết: “Một chiếc F-16 Fighting Falcon thuộc Đội máy bay chiến đấu số 8 đã gặp sự cố khẩn cấp khi đang bay trên Biển Tây và bị rơi vào khoảng 8h41 sáng 31/1. Phi công đã nhảy dù an toàn và được vớt vào khoảng 9h30 sáng. Anh ấy tỉnh táo và được chuyển đến cơ sở y tế để đánh giá tình trạng sức khỏe”. Ảnh: AZCentral.

Tuyên bố cũng ca ngợi sự hợp tác chặt chẽ với Hàn Quốc trong hoạt động cứu hộ. Đại tá Matthew C. Gaetke, Chỉ huy Đội tiêm kích số 8 cho biết: “Chúng tôi rất biết ơn lực lượng cứu hộ của Hàn Quốc đã giúp phi công của chúng tôi phục hồi nhanh chóng”. Ảnh: NBC News.

Sự cố xảy ra ở vùng biển gần thành phố cảng Seosan, nguyên nhân của vụ tai nạn đang được các bên liên quan điều tra. Chưa có báo cáo ngay lập tức về thương vong hoặc thiệt hại tài sản do vụ tai nạn gây ra. Ảnh: Al Arabiya.

F-16 Fighting Falcon (Chim Cắt) là một máy bay chiến đấu phản lực đa nhiệm vụ do General Dynamics và Lockheed Martin sản xuất dành riêng cho Không quân Mỹ. Được thiết kế như một máy bay chiến đấu hạng nhẹ, F-16 đã trở thành một loại máy bay chiến đấu đa nhiệm vụ thành công trong lịch sử. Ảnh: Wikipedia.

Sự linh hoạt và giá thành không quá cao là nguyên nhân dẫn tới thành công của F-16 trên thị trường xuất khẩu, hiện nó đang được sử dụng tại 24 quốc gia. Tính đến năm 2022, F-16 là chương trình máy bay lớn nhất của phương Tây với hơn 4.500 chiếc đã được chế tạo từ khi bắt đầu sản xuất năm 1976.

F-16 Fighting Falcon là loại máy bay tiêm kích thành công với nhiều ưu thế cải tiến như buồng lái hoàn toàn kính dạng bong bóng giúp tăng tầm quan sát, thanh điều khiển bên giúp dễ dàng điều khiển trong điều kiện trọng lực cao và ghế phi công nghiêng 30 độ giúp giảm hiệu ứng trọng lực lên phi công.

Đây cũng là chiếc máy bay chiến đấu đầu tiên có mục đích thiết kế chống lại trọng lực quay vòng lên tới 9g. Nó cũng là một trong số ít máy bay phản lực có tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng lớn hơn một, khiến chiếc Falcon có khả năng tăng tốc rất tốt.

F-16 được trang bị một súng M61 Vulcan ở gốc cánh trái và hầu như luôn mang theo hai tên lửa AIM-9 Sidewinder. Các phiên bản F-16 hiện đại hơn có thể được trang bị thay thế bằng tên lửa AIM-120 AMRAAM. Nó cũng có thể được trang bị rất nhiều kiểu tên lửa từ không đối không đến đất đối đất, rocket hay bom, trên các mấu cứng dưới cánh.

Ngay từ đầu, F-16 được thiết kế để trở thành một loại "ngựa thồ" đa năng hiệu suất cao, có thể thực hiện nhiều kiểu nhiệm vụ và liên tục sẵn sàng xuất kích. Nó đơn giản và nhẹ hơn các kiểu máy bay trước đó, nhưng có hình dạng khí động học và hệ thống điện tử hiện đại.

F-16 có chiều dài 15,06 m, sải cánh 9,96 m, chiều cao 4,88 m, diện tích cánh 27.87 m². Trọng lượng không tải của máy bay là 8.936 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 16.875 kg.

F-16 có tốc độ tối đa là Mach 2 (2120 km/h), tầm bay tối đa 4220 km (khi mang 2 thùng nhiên liệu phụ). Bán kính chiến đấu của F-16 là 550 km khi mang theo 4 quả bom 454 kg. Trần bay 15.239 m, tốc độ lên cao 254 m/s.

F-16 có tải trọng vũ khí tối đa là 7,7 tấn, còn tải trọng chiến đấu thì thấp hơn, vào khoảng 6 tấn vũ khí. Máy bay được trang bị 1 pháo nòng xoay 20mm M61A1 Vulcan với 511 viên đạn. Ngoài ra máy bay còn có thể mang bệ phóng rocket, tên lửa và cả bom hạt nhân B-61.

Bên cạnh những ưu điểm, F-16 cũng có những nhược điểm, bao gồm tỷ lệ trục trặc và tai nạn khá cao. Tới tháng 5/2023, F-16 giữ kỷ lục về số vụ tai nạn cũng như tỷ lệ tai nạn trong số các loại tiêm kích thế hệ thứ 4 phổ biến trên thế giới.

Đã có 895 chiếc F-16 gặp phải tai nạn (chiếm 19,87% tổng số F-16 được chế tạo), trung bình mỗi năm có 22,4 chiếc F-16 gặp tai nạn trên khắp thế giới. Trong số những chiếc bị tai nạn thì có 659 chiếc bị phá hủy hoàn toàn (chiếm 14,6% tổng số F-16 được chế tạo), nghĩa là cứ 7 chiếc F-16 được sản xuất thì đã có trên 1 chiếc bị phá hủy do tai nạn.

Phi đội máy bay chiến đấu số 8 trong vụ việc vừa rồi được biên chế gồm hai phi đội F-16, trước đó cũng đã trải qua một vụ tai nạn vào tháng 12/2023. Các sự cố ở Hàn Quốc diễn ra sau vụ tai nạn máy bay Osprey của Không quân Mỹ ngày 29/11, khi đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện ngoài khơi bờ biển Nhật Bản khiến toàn bộ 8 người trên máy bay thiệt mạng.

Lê Quang (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/soi-suc-manh-tiem-kich-f-16-cua-my-vua-roi-ngoai-khoi-han-quoc-1952538.html