Sôi động tour du lịch tâm linh, lễ hội đầu năm

Thị trường du lịch Xuân 2024 bắt đầu nhộn nhịp với các tour tâm linh, lễ hội hấp dẫn. Năm nay ghi nhận sự lên ngôi của các tour du lịch tâm linh ngắn ngày với các đoàn khách đi theo nhóm gia đình, công ty.

Lễ hội Chùa Hương là một tour du lịch tâm linh thu hút được nhiều du khách

Tour khởi hành ngay sau Tết hút khách

Nếu như trước và trong Tết Nguyên đán, du khách lựa chọn các sản phẩm du lịch đa dạng, thì giai đoạn sau Tết, các tuyến điểm được yêu thích và lựa chọn nhiều hơn cả là các tour tâm linh, lễ hội.

Bắt đầu từ Tết Nguyên đán kéo dài đến hết tháng 2 âm lịch, nhiều lễ hội tưng bừng được tổ chức trên khắp mọi miền đất nước, là nét văn hóa tiêu biểu của người Việt. Đây cũng là dịp du lịch tâm linh sôi động. Các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng được du khách lựa chọn là chùa Hương (Hà Nội), Đền Hùng (Phú Thọ), Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Bái Đính (Ninh Bình), Phủ Dầy (Nam Định), chùa Tam Chúc (Hà Nam), chùa Từ Đàm (Huế), miếu Bà chúa xứ (An Giang)…

Không chỉ du lịch tâm linh trong nước, mà những điểm du lịch tâm linh ở nước ngoài cũng được nhiều du khách lựa chọn trong dịp đầu năm mới như chùa Shwedagon (Myanmar), chùa Wat Arun (Thái Lan), đền Tiger's Nest (Bhutan), đền Meji (Nhật Bản), đền Uluwata (Indonesia), chùa Linh Ẩn (Trung Quốc)...

Những bộ sản phẩm du lịch tâm linh, lễ hội xuân được nhiều hãng lữ hành xây dựng theo tiêu chí là các điểm đến được du khách yêu thích, lựa chọn trong các năm trước và có những hoạt động lễ hội đặc sắc để du khách trải nghiệm, tìm hiểu thêm về văn hóa, phong tục tập quán từng địa phương. Hiện, nhiều công ty lữ hành đã lên lịch trình và rao bán tour dẫn khách đi lễ chùa đầu năm trong ngày với chi phí từ vài trăm ngàn đồng đến 1 triệu đồng như: tour Hà Nội - Tràng An (Ninh Bình) 890.000 đồng/người; tour du lịch chùa Hương giá 850.000 đồng/người; tour Hà Nội - Yên Tử giá 850.000 đồng/người...

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp lữ hành, việc nắm bắt xu hướng du lịch và nhu cầu của du khách để xúc tiến các thị trường khách phù hợp với sản phẩm; kết nối với các doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour đưa khách về lễ hội; tổ chức đa dạng các dịch vụ phục vụ khách khi về lễ hội… cũng là những yếu tố quan trọng “chắp cánh” cho du lịch lễ hội.

Với những tour du lịch nước ngoài, các đơn vị lữ hành thường chào bán tour đi một số địa điểm gần Việt Nam. Dịp Tết, giá vé máy bay nội địa tăng cao, trong khi giá đi một số nước châu Á gần như giữ nguyên, khiến du khách có xu hướng chọn tour nước ngoài đông hơn. Cụ thể, tour du lịch Thái Lan 4 ngày, 3 đêm có giá 11,9 triệu đồng/người, bao gồm vé máy bay khứ hồi, khách sạn 4 sao, bảo hiểm du lịch và tiền lì xì đầu năm; tour du lịch Đài Loan (Trung Quốc) 5 ngày, 5 đêm, khởi hành tối mùng 2 Tết có mức giá 22,9 triệu đồng/người, bao gồm vé máy bay khứ hồi, visa Đài Loan, khách sạn 3 sao và bảo hiểm du lịch; tour đi Hàn Quốc 5 ngày, 4 đêm có giá 22,9 triệu đồng/người...

Theo ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Vietfoot Travel, số lượng khách du xuân trong dịp Tết rải đều, riêng lượng khách khởi hành ngay sau Tết đông hơn, do giá vé máy bay sau Tết có nhiều ưu đãi.

Nỗ lực quảng bá

Để hấp dẫn du khách trong dịp Tết Nguyên đán, hiện nhiều địa phương đang nỗ lực quảng bá, tổ chức các sự kiện đặc sắc. Chẳng hạn, TP.HCM tổ chức Hội hoa xuân Tết Giáp Thìn, chủ đề “Xuân yêu thương - Tết sum vầy”, Đường hoa Nguyễn Huệ, Lễ hội Tết Việt 2024...

Đà Nẵng có Lễ hội Thần Tài, Lễ hội Mùa xuân, chủ đề “Hội tụ muôn sắc hoa”, chương trình “Vũ điệu sông Hàn”, chương trình âm nhạc đường phố...; Thanh Hóa với chương trình “Tết xưa làng cổ”, lễ hội Vovinam. Trong khi đó, Phú Quốc bắn pháo hoa hàng đêm cùng nhiều hoạt động sôi động khác.

Còn các điểm di tích tại Hà Nội như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Hoàng thành Thăng Long, cũng đưa ra nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn.

Là điểm đến của di sản văn hóa, Cố đô Huế cũng rộn ràng với hàng chục lễ hội lớn nhỏ, là chất liệu hình thành nên các sản phẩm du lịch để du khách khám phá, trải nghiệm.

Theo các doanh nghiệp lữ hành, có hai yếu tố giúp lễ hội thu hút khách. Đầu tiên là lễ hội phục vụ nhu cầu của khách, thỏa mãn đúng mong muốn trải nghiệm của họ. Thứ hai là khả năng quảng bá lễ hội để thu hút khách. Khi lễ hội công bố sớm thời gian, địa điểm, quy mô, các dịch vụ… thì mới thuyết phục được du khách đặt vé máy bay, đặt phòng lưu trú đến tham gia. Việc công bố quá chậm các thông tin của lễ hội khiến du khách khó sắp xếp thời gian, hoặc đã có lựa chọn khác. Các doanh nghiệp lữ hành cũng bị động, khó kết nối xây dựng tour tuyến.

Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Vietravel chi nhánh Huế cho rằng, để lễ hội thu hút khách không phải dễ. Trước hết, phải làm rõ việc tổ chức lễ hội hay sự kiện. Với quan điểm tổ chức lễ hội thuần túy thì sẽ dừng ở mức là hình thái sinh hoạt của cư dân bản địa, chỉ thu hút một bộ phận khách đến tìm hiểu lễ hội. Còn khi nhìn nhận tổ chức lễ hội thành sự kiện thì có tính bài bản hơn, có dịch vụ, có trải nghiệm và có nguồn thu. Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ dòng khách nào chọn lễ hội để tập trung thúc đẩy các giải pháp thu hút.

Đồng quan điểm, ông Phạm Duy Nghĩa cho rằng, để phát triển du lịch lễ hội, cần lựa chọn một vài lễ hội tiêu biểu, đặc sắc, giàu giá trị để đầu tư bài bản cả về nội dung, quy mô, thời gian tổ chức và kết nối với các điểm đến khác tại địa phương, hình thành các tour du lịch hoàn chỉnh cung cấp cho du khách. Các lễ hội này cần được lựa chọn căn cứ vào tầm quan trọng, tính chất của lễ hội, giá trị của di tích; đồng thời căn cứ vào thời gian diễn ra lễ hội, vào khả năng kết nối với các điểm đến trên địa bàn để hình thành các tour du lịch. Điều quan trọng là phải làm tốt công tác quảng bá đến với du khách.

Hạnh Phúc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/soi-dong-tour-du-lich-tam-linh-le-hoi-dau-nam-d207906.html