Sôi động thị trường đồ cúng ông Công, ông Táo

Lễ đưa Táo Quân lên chầu trời (23 tháng Chạp) năm nay vào thứ bảy, ngoài phóng sinh cá chép, lễ cúng ông Công, ông Táo còn có tục đốt vàng mã. Một tuần nay, thị trường hàng mã tại Hà Nội đã sôi động. Để phục vụ nhiều gia đình làm lễ tiễn ông Công, ông Táo, nhiều chợ dân sinh đã bán cá chép. Năm nay, hàng mã tăng nhẹ so với năm ngoái, cá chép do bán sớm nên giá cũng cao hơn.

Hàng mã đủ mức giá

Theo ghi nhận của phóng viên Báo CAND tại nhiều chợ dân sinh truyền thống, chợ cóc ở Hà Nội, hàng mã cúng ông Công, ông Táo năm nay bán sớm. Tại chợ Đồng Xuân, vì là chợ bán buôn nên hàng mã bán cách đây cả tháng. Tùy vào nhu cầu của người dân, nhà sản xuất vàng mã đã cho ra đời đủ các kích cỡ, chủng loại phong phú.

Cá chép bán ở chợ Nghĩa Tân có giá 70.000 đồng/bộ.

Cá chép bán ở chợ Nghĩa Tân có giá 70.000 đồng/bộ.

Một chủ kinh doanh vàng mã tại đây cho biết, bắt đầu từ tháng 12 âm lịch, hàng mã cúng ông Công, ông Táo đã được tiêu thụ, sức bán buôn năm nay cũng tương đương mọi năm, tăng giá nhẹ do năm nay nhân công tăng, giá giấy tăng. “Hàng bán buôn có nhiều loại, nếu loại đại mà giấy đẹp thì đắt, còn hàng xấu hơn, nhỏ hơn thì rẻ. Đến giờ này không còn khách mua buôn nên quay sang bán lẻ”, chủ hàng cho biết.

Còn tại phố Hàng Mã, đồ cúng ông Công, ông Táo rất phong phú, màu sắc bắt mắt, từ cao cấp đến bình dân. Giá 3 bộ mã (2 bộ tượng trưng cho 2 ông Táo, một bộ tượng trưng cho bà Táo) loại đại, giấy đẹp là 200.000 đồng, các bộ nhỏ hơn từ 70.000 – 150.000 đồng. Theo một nhân viên bán hàng, tùy theo kích cỡ và chất lượng giấy, có bộ cao cấp giá tới 400.000 đồng. Theo quan sát của chúng tôi, người đến mua đồ mã cúng ông Công, ông Táo khá đông. Có người mua tới vài bộ vì có nhiều nhà. Bên cạnh đó, hàng mã khác gồm quần áo, tiền vàng, thỏi vàng… cũng được nhiều khách hàng mua. Giá một bộ quần áo từ 20.000 đồng -40.000 đồng tùy loại…

Tại các chợ dân sinh và chợ cóc, hàng mã cúng ông Công, ông Táo giá thấp hơn. Tại chợ cóc ở phường Bưởi, quận Tây Hồ, bộ Táo quân giá thấp nhất là 35.000 đồng, cao nhất là 140.000 đồng. “Bộ 35.000 đồng thì nhỏ, giấy xấu, nhiều nhà họ chọn mua bộ đại 140.000 đồng vì cả năm mới có một ngày, nên họ mua bộ đẹp cho trang trọng để tiễn ông Táo về chầu trời”, chị Nguyễn Thị Hòa, bán vàng mã cho biết. Theo chị thì những ngày này, lượng tiêu thụ bộ Táo quân, vàng mã, quần áo, hương, nến… bán rất chạy. Mỗi ngày chị bán khoảng vài chục bộ. Thậm chí nhiều người thường ngày bán hàng ăn rong thì đến ngày này cũng chuyển sang bán hàng mã. Những hàng mã gánh rong có giá bình dân, đưa vào các ngõ ngách bán nên cũng khá đắt khách.

Cá chép cúng Táo quân bán sớm

Với mong muốn Thần bếp sẽ phù hộ cho gia đình được nhiều may mắn trong năm mới, nên hằng năm vào ngày 23 tháng Chạp, các gia đình thường làm lễ tiễn đưa Táo Quân chầu trời một cách long trọng. Phong tục phóng sinh cá chép là một nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam được lưu truyền trong dân gian nhiều đời. Qua Rằm tháng Chạp, cá chép được bán ở nhiều chợ để phục vụ gia đình cúng sớm.

Dạo quanh một vòng ở chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) vào chiều 11/1, chúng tôi thấy nhiều hàng cá chép chưa có khách mua. Chị Minh, chủ hàng đang có hơn 300 con cá chép đỏ cho biết: “Buổi chiều thường khó bán, đa số khách đi qua chỉ hỏi giá. Có khách mai mới cúng nhưng không dám mua từ hôm nay vì sợ mang về cá chết”. Một bộ 3 con cá chép, chị Minh bán 70.000 đồng. “Giá này là bình thường, không đắt, so với năm ngoái chỉ hơn 5.000 - 10.000 đồng”, chị Minh nói.

Năm nào cũng bán cá chép vào dịp này, chị Phương - chợ Nghĩa Đô (Cầu Giấy) cho biết: “Thường ngày tôi bán cá các loại, nhưng sát đến 23 tháng Chạp tôi chỉ ưu tiên bán cá chép. Năm nay từ 16 tháng Giêng âm lịch, tôi đã lấy cá chép về bán, nhưng tiêu thụ còn chậm.

Bán cá chép những ngày này cho thu nhập khá tốt nên nhiều tiểu thương ở các chợ dân sinh đã đổ đi buôn cá chép thay vì các mặt hàng cá như trước. Có thâm niên 20 năm bán cá chép vào dịp 23 tháng Chạp ở chợ cóc Thụy Khuê, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tuất cho biết, trừ rủi ro (có con chết), những ngày cao điểm thu nhập gần 1 triệu. Dự kiến sức mua tăng mạnh từ ngày 12-14/1. “Cá chép chúng tôi nhập từ Phú Thọ, năm nay không dám lấy nhiều vì giá tận nơi mua đã tăng, vận chuyển về tới đây, có con yếu và chết. Tuy nhiên, so với cá thông thường, bán cá chép những ngày này vẫn cho thu nhập cao hơn”, anh Tuất nói.

Ngoài cá chép vàng, năm nay cá chép giả cúng ông Công, ông Táo cũng được đưa ra thị trường. Cá chép làm bằng xôi, thạch với màu sắc phong phú, hình thức đẹp mắt được rao bán trên mạng xã hội. 3 con cá chép thạch 3D được rao bán trên mạng giá 270.000 đồng. Tuy giá thành cao, nhưng nhiều người lại chọn đặt mua vì thiết thực, tiện lợi.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/soi-dong-thi-truong-do-cung-ong-cong-ong-tao-i680763/