SocTrangWaco đề xuất xây dựng nhà máy nước mặt 3.000 tỷ đồng

Trước diễn biến phức tạp của hạn mặn, Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng đề xuất cơ quan chức năng về việc thuê 110 ha đất để xây dựng nhà máy nước mặt công suất 200.000 m3/ngày đêm.

Sáng 6/3, ông Đặng Văn Ngọ, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng (SocTrangWaco) cùng lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Sóc Trăng đã đến Phân trường Phú Lợi (xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành) để khảo sát khu vực dự kiến xây dựng nhà máy nước mặt lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tại phân trường này, ngoài hệ thống kênh bao, kênh ngang, dọc còn có gần 20 ao chứa nước rộng khoảng 100 ha. Cạnh phân trường này là Lâm trường Mùa Xuân của tỉnh Hậu Giang có một phần đang được khai thác du lịch sinh thái.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Sóc Trăng, nói rằng tổng diện tích của Phân trường Phú Lợi trên 910 ha. Nơi đây đang được tỉnh Sóc Trăng kêu gọi đầu tư vào các dự án liên quan đến du lịch sinh thái, du lịch nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng… Việc SocTrangWaco đề xuất đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt sẽ đáp ứng tốt cho nhu cầu nước sạch của các dự án kêu gọi đầu tư trong tương lai.

Ông Đặng Văn Ngọ, Tổng giám đốc SocTrangWaco (thứ 2 từ trái qua) cùng lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Sóc Trăng khảo sát khu vực đề xuất xây dựng nhà máy nước mặt lớn nhất miền Tây. Ảnh: Việt Tường.

Ông Đặng Văn Ngọ, Tổng giám đốc SocTrangWaco (thứ 2 từ trái qua) cùng lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Sóc Trăng khảo sát khu vực đề xuất xây dựng nhà máy nước mặt lớn nhất miền Tây. Ảnh: Việt Tường.

Theo ông Đặng Văn Ngọ, đầu năm 2024 này, mùa khô hạn và xâm nhập mặn đến sớm trên diện rộng nên không chỉ Sóc Trăng mà các tỉnh lân cận cũng ảnh hưởng đến việc cung cấp nước sạch cho người dân. Từ ngày 8/2, nước mặn đã xâm nhập khu vực doanh nghiệp khai thác nước mặt, độ mặn tăng dần từ 270 lên 760 mg/lít. Hiện, độ mặn dao động từ 630 – 660 mg/lít. Đây là nguyên nhân khiến doanh nghiệp khai thác nước mặt chịu ảnh hưởng rất lớn từ việc mặn xâm nhập.

Không chỉ mặn xâm nhập nguồn nước mặt mà nước ngầm cũng nhiễm mặn. Vì vậy, các nhà máy khai thác nước ngầm tại TP Sóc Trăng phải tăng cường hoạt động các giếng tầng nông (có độ mặn tương đối cao) vượt ngưỡng cho phép rất nhiều. Có những giếng nhiễm mặn trước đây không khai thác, hiện đã khai thác trở lại để pha vào nguồn nước không nhiễm mặn.

Trước hiện trạng thiếu nước sạch, từ tháng 9/2023, Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng đã đề xuất UBND tỉnh này về việc quy hoạch vị trí, diện tích đất để đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt công suất 200.000 m3/ngày đêm tại khu vực cách TP Sóc Trăng khoảng 20 km.

Khu vực thuận lợi được doanh nghiệp đề xuất là đất rừng của Phân trường Phú Lợi với diện tịch 110 ha. Đây là đất công đang giao cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Sóc Trăng quản lý, các công trình dự kiến là công trình thu nước, các hồ chứa nước sơ lắng quy mô lớn để đảm bảo trữ lượng cũng như chất lượng nước và hệ thống nhà máy xử lý nước, nhà làm việc và các công trình phụ trợ.

Vị trí xây nhà máy khai thác nước mặt rộng khoảng 110 ha. Ảnh: Việt Tường.

Vị trí xây nhà máy khai thác nước mặt rộng khoảng 110 ha. Ảnh: Việt Tường.

Theo lãnh đạo SocTrangWaco, nguồn nước mặt tại Phân trường Phú Lợi rất tốt, không nhiễm mặn, đảm bảo vệ sinh cho việc khai thác để xử lý, cung cấp nước sạch cho người dân TP Sóc Trăng và các địa phương lân cận. 110 ha đất dự kiến xây dựng nhà máy đước mặt được doanh nghiệp đề xuất thuê và trả tiền hàng năm. Tổng kinh phí xây nhà máy nước mặt 200.000 m3 có thể lên đến 3.000 tỷ đồng, được doanh nghiệp chia thành 2 giai đoạn, thời gian xây dựng 2-3 năm khi hoàn thành các thủ tục cần thiết.

Ngoài nhà máy nước mặt dự kiến tại Phân trường Phú Lợi, từ cuối năm 2023, SocTrangWaco cũng có văn bản gửi cơ quan chức năng để xin chủ trương khoan thêm 2 giếng tầng sâu và nâng lưu lượng khai thác từ 9.600 m3/ngày đêm lên 14.000 m3/ngày đêm tại Nhà máy nước Khu công nghiệp An Nghiệp nhằm bổ sung nguồn nước cho khu công nghiệp này.

Một trong gần 20 hồ chứa nước tại Phân trường Phú Lợi. Nơi đây dự kiến sẽ cải tạo để chứa nước phục vụ cho việc khai thác nước mặt nếu dự án được UBND tỉnh Sóc Trăng chấp thuận. Ảnh: Việt Tường.

Một trong gần 20 hồ chứa nước tại Phân trường Phú Lợi. Nơi đây dự kiến sẽ cải tạo để chứa nước phục vụ cho việc khai thác nước mặt nếu dự án được UBND tỉnh Sóc Trăng chấp thuận. Ảnh: Việt Tường.

Cũng trong cuối năm 2023, Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng gửi văn bản đến UBND tỉnh này để xin chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy nước mặt công suất 10.000 m3/ngày đêm tại khóm 3, phường 10 (phía sau trường bắn). Diện tích dự kiến khoảng 5 ha, vốn đầu tư 25 tỷ đồng, nguồn nước thu về từ nước sông thông qua kênh 8 mét vì doanh nghiệp đã khảo sát sơ bộ và lấy mẫu xét nghiệm chất lượng nước nguồn.

Hiện, SocTrangWaco đang quản lý và khai thác 24 nhà máy/trạm khai thác xử lý với tổng công suất được cấp phép là 97.770 m3 mỗi ngày đêm. Trong đó, TP Sóc Trăng có 7 nhà máy, 3 nhà máy tại thị xã, còn lại phân bổ tại các xã, thị trấn (14 nhà máy).

Công suất cấp nước vào mạng lưới của SocTrangWaco khoảng 70.000 m3 mỗi ngày đêm và nguồn nước khai thác chủ yếu là nước ngầm (89%) và nước mặt (11%). Doanh nghiệp hiện có 64 giếng (14 giếng tầng sâu, 50 giếng tầng nông) và 2 trạm khai thác nước mặt để cung cấp nước sạch cho gần 100.000 hộ khách hàng.

Nước mặt tại Phân trường Phú Lợi. Ảnh: Việt Tường.

Nước mặt tại Phân trường Phú Lợi. Ảnh: Việt Tường.

Chiều 5/3, SocTrangWaco đã đấu nối 4 vị trí hòa mạng nước đô thị và nông thôn tại cầu Bưng Cốc, cầu Tham Đôn, cầu Đại Tâm (Mỹ Xuyên), cầu Xã Xiễn của phường 8, TP Sóc Trăng và ấp Bưng Chóp, xã An Hiệp, huyện Châu Thành. Việc hòa mạng nguồn nước ngầm của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng sẽ giúp SocTrangWaco giảm áp lực cung cấp nước sạch trước diễn biến gay gắt của hạn, mặn.

Duy Khang

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/soctrangwaco-de-xuat-xay-dung-nha-may-nuoc-mat-3000-ty-dong-c2a69791.html