Sở Tư pháp Sóc Trăng - 30 năm một chặng đường phát triển

Cách đây 30 năm, Sở Tư pháp Sóc Trăng được thành lập. Sở đã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho UBND tỉnh Sóc Trăng quản lý nhà nước về công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh. Trải qua chặng đường 30 năm phấn đấu xây dựng và trưởng thành, có thể khẳng định rằng, ngành Tư pháp Sóc Trăng nói chung và Sở Tư pháp Sóc Trăng nói riêng đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng, chất lượng và thành quả hoạt động, từng bước trưởng thành và khẳng định được vai trò, vị thế của ngành trong đời sống chính trị - xã hội của tỉnh.

Những ngày đầu mới thành lập

Năm 1992, tỉnh Hậu Giang (cũ) tách ra thành 2 tỉnh: Cần Thơ và Sóc Trăng. Theo đó, Sở Tư pháp Sóc Trăng được thành lập theo Quyết định số 01/QĐ.UBT.92, ngày 10-4-1992 của UBND tỉnh Sóc Trăng. Ngày 7-6-2005, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Quyết định số 523/2005/QĐ.TCCB.05 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở Tư pháp Sóc Trăng.

Bộ Tư pháp tặng cờ thi đua cho Sở Tư pháp Sóc Trăng (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp). Ảnh: K.N

Bộ Tư pháp tặng cờ thi đua cho Sở Tư pháp Sóc Trăng (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp). Ảnh: K.N

Đầu xuân, chúng tôi có dịp gặp lại nguyên Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thị Thu Vân tại nhà riêng và nghe đồng chí nói về những ngày đầu mới thành lập Sở Tư pháp. Khi mới thành lập, số lượng cán bộ, công chức của sở còn ít, có 5 phòng chức năng gồm: Văn phòng; Thanh tra; Phòng Văn bản quy phạm pháp luật; Phòng Tuyên truyền pháp luật; Phòng Hành chính - Bổ trợ tư pháp và 4 đơn vị trực thuộc là: Phòng Công chứng số 1, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản, Thi hành án dân sự. Trong giai đoạn này, ngoài các nhiệm vụ trên, Sở Tư pháp Sóc Trăng còn được giao thực hiện thêm nhiệm vụ quản lý tòa án nhân dân địa phương về mặt tổ chức theo sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Sau nhiều lần thực hiện kiện toàn tổ chức, hiện Sở Tư pháp Sóc Trăng có 5 phòng chức năng gồm: Văn phòng, Thanh tra, Phòng Hành chính và Bổ trợ tư pháp, Phòng Xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật, Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật; có 1 đơn vị trực thuộc sở là Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước. Toàn tỉnh có 11 phòng tư pháp các huyện, thị xã, thành phố và 109 xã, phường, thị trấn. Ngay khi tỉnh được thành lập, ngành Tư pháp đã tập trung củng cố tổ chức bộ máy từ tỉnh đến cơ sở gắn với việc hoàn thiện thể chế của ngành; kiện toàn hệ thống cơ quan tư pháp từ tỉnh đến cấp xã; đội ngũ công chức, viên chức thường xuyên được cử đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước, lý luận chính trị và kiến thức quốc phòng; các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ cấp huyện, cấp xã được Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường tổ chức. Sở còn phối hợp mở lớp đào tạo Trung cấp Luật tại địa phương để chuẩn hóa trình độ và tạo nguồn cán bộ tư pháp cho các xã, phường, thị trấn trong tỉnh; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ từng bước được quan tâm hoàn thiện và nâng cấp; thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong hầu hết các hoạt động của cơ quan từ công tác chỉ đạo, điều hành, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác tập huấn nghiệp vụ đến các hoạt động nghiệp vụ.

Thành tựu qua chặng đường 30 năm

Có thể nói trong suốt hành trình 30 năm qua, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chính là việc Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh trong việc tổng kết Hiến pháp năm 1992, tham gia tổng hợp báo cáo lấy ý kiến đối với dự thảo Hiến pháp 2013; tổ chức sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013… Thông qua các hoạt động này đã góp phần hoàn thiện Hiến pháp, đảm bảo đúng nguyên tắc, quy trình chặt chẽ, khoa học, thể hiện tính tối cao của Hiến pháp, cũng như tính thống nhất, ổn định của hệ thống pháp luật…

Đơn vị vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước cho thành quả lao động (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp). Ảnh: K.N

Đơn vị vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước cho thành quả lao động (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp). Ảnh: K.N

Đạt được những thành quả này là nhờ sự quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng và nhiệt huyết của nhiều thế hệ công chức, viên chức, người lao động của sở qua từng thời kỳ, các thế hệ đã cùng chung sức đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành; là kết quả của sự đổi mới trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành các hoạt động của cơ quan; là hiệu quả của việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức cũng như tính chủ động “đi trước đón đầu” trong công tác. Thành quả đó đã được Nhà nước ghi nhận, biểu dương kịp thời, nhiều năm liền Sở Tư pháp Sóc Trăng luôn được UBND tỉnh Sóc Trăng, Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ tặng nhiều bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc, đặc biệt vào năm 2018, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất để tôn vinh những thành quả của đơn vị trong suốt quá trình xây dựng, phấn đấu, trưởng thành... Đó cũng chính là niềm tự hào, vinh dự, sự động viên, khích lệ tinh thần to lớn đối với toàn thể công chức, viên chức, người lao động của Sở Tư pháp Sóc Trăng, là động lực, mục tiêu phấn đấu trong những năm tiếp theo.

Hòa chung không khí kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh, 30 năm một chặng đường hình thành và phát triển của Sở Tư pháp Sóc Trăng, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp cùng tiếp tục thi đua lập thành tích thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; tiếp tục xây dựng tập thể Sở Tư pháp gương mẫu, đoàn kết, đồng lòng, phối hợp hiệu quả với các cơ quan liên quan hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và xứng đáng với trọng trách là một cơ quan trọng yếu, là người công chức tư pháp nêu gương “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi đến Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần đầu tiên do Bộ Tư pháp tổ chức vào năm 1948.

Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Phạm Tuân - Giám đốc Sở Tư pháp phấn khởi cho biết: “Sở Tư pháp Sóc Trăng đã bước sang tuổi 30 và cũng chừng ấy năm đồng hành cùng tỉnh nhà đổi mới và phát triển. Mặc dù còn những khó khăn nhất định, nhưng có thể khẳng định rằng, từ các hoạt động giúp chính quyền xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật đến các hoạt động chuyên môn có tính sự vụ, tác nghiệp, cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, công tác tư pháp đã góp phần ổn định cuộc sống của nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hoạt động của Sở Tư pháp Sóc Trăng trong 30 năm qua cũng đã đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước và nhu cầu pháp lý về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức; góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành bằng pháp luật, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường pháp lý lành mạnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, về cải cách tư pháp, cải cách hành chính... góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành Tư pháp và của địa phương”.

KIM NGỌC

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/so-tu-phap-soc-trang-30-nam-mot-chang-duong-phat-trien-53375.html