Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 53]

Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền văn học Pháp thời Trung cổ nổi tiếng.

Nhà triết học và nhà văn Voltaire.

Nhà triết học và nhà văn Voltaire.

Voltaire (1694-1778) là nhà triết học và nhà văn (Ánh sáng).

Tác phẩm chính: Zaire (1732, kịch), Thư triết học (Lettre Philosophiques, 1734, triết), Truyện Charles XII (Histoire de Charles XII, 1731, sử), Thế kỷ Louis XIV (Le Sìecle de Louis XIV, 1751), Zadig hay số mệnh (Zadig ou la Destineé, 1747, truyện triết học), Candide hay Lạc quan (Candide ou l’Optimisme, 1759, truyện triết học), Công chúa thành Babylone (La Princesse de Babylone, 1768).

Truyện Charles XII là tác phẩm sử học về một vị vua Thụy Điển thế kỷ XVII, uy danh lừng lẫy. Sách có tám tập, viết về nước Thụy Điển trước khi Charles XII trị vì cho đến khi vua mất. Phần đầu, vua gặp toàn thắng lợi (đánh bại Đan Mạch, Nga, Ba Lan, áp đặt một vị vua ở Ba Lan).

Phần hai, vua bị thua Pierre, Đại đế Nga, chống lại số mệnh một cách vô ích. Giá trị tác phẩm ở tính khoa học thu thập và nghiên cứu tư liệu (đọc sử gia, các bản báo cáo, thư từ các đại sứ, hỏi chuyện nhân chứng).

Mặt khác, Voltaire cũng nhằm mục đích luân lý như các nhà văn cổ điển khác: nhân vật Charles XII là một anh hùng cái thế, một thiên tài quân sự, có những tham vọng lớn lao, nhưng tất cả các mưu đồ đều trở thành phù phiếm. Cách viết giản dị, chính xác, dễ đọc.

Zadig hay số mệnh là truyện triết học, phê phán xã hội (phụ nữ lăng nhăng, đàn ông ngu ngốc, quan tòa ăn hối lộ, vua chúa mù quáng, quần thần nịnh hót) và tôn giáo (linh mục cuồng tín). Voltaire phản ánh những vấp váp của bản thân ở triều đình.

Câu chuyện xảy ra ở Babylone tại phương Đông. Zadig là một thanh niên tốt, chân thật, và tài ba, nhưng gặp đủ hoạn nạn. Tình yêu mang lại cho Zadig thất vọng. Do yêu khoa học, Zadig suýt bị kết tội. Làm Tể tướng, Zadig yêu Hoàng hậu Astarté, bị vua ghen, phải trốn khỏi Babylone. Zadig cứu một người phụ nữ bị tình nhân hành hạ, do đó trở thành nô lệ ở Ai Cập.

Chủ giải phóng cho Zadig và giao nhiệm vụ đi gặp một ông vua. Zadig lại trốn đi, bị cướp bắt. May Zadig thoát nạn trở về Babylone, giải phóng cho hoàng hậu Astarté (bị bắt làm nô lệ). Cách mạng nổ ra nhưng sau nhân dân đòi lập vua mới. Zadig đấu võ thắng, được lên ngôi và lấy Astarté. Thiên thần khuyên Zadig nên chịu đựng những quyết định của Số mệnh.

Candide hay Lạc quan chỉ trích triết lý lạc quan của triết gia Đức Leibniz và chủ trương một triết lý sống thực tế. Candide được nuôi ở tòa lâu đài của một vị Nam tước, cùng con trai và con gái xinh đẹp của ông là Cunégonde.

Gia sư là Pangloss; Pangloss dạy là tất cả mọi việc luôn luôn tốt đẹp nhất trong cái thế giới tốt đẹp nhất này. Candide bị đuổi vì yêu Cunégonde. Bị ép vào quân đội Bungari, chàng trốn sang Hà Lan, gặp lại thầy Pangloss trong tình trạng khốn đốn (lâu đài bị đốt, gia đình Nam tước bị giết). Hai thầy trò sang Bồ Đào Nha, gặp động đất, rồi bị Tòa án xử dị giáo kết tội oan.

May cho Candide được Cunégonde cứu thoát (Cunégonde lưu lạc sau khi thoát chết). Candide phải giết hai người để cứu Cunégonde và cùng nàng sang Nam Mỹ. Candide bị truy nã phải trốn đi một mình. Anh tình cờ xích mích với em trai Cunégonde và giết y. Candide trở về Pháp, gặp toàn bọn đểu giả. Anh sang Thổ Nhĩ Kỳ, gặp lại thầy Pangloss, em trai Cunégonde (chết hụt) và bản thân Cunégonde, già và cay nghiệt.

Tất cả đều lĩnh canh đất làm ăn yên ổn. Nhân sinh quan của Voltaire bi quan: thế giới hỗn độn, cuộc sống vô lý. Câu cuối cùng của Candide là: “Cần phải trồng vườn của chúng ta”, chấp nhận thế giới này, đừng viển vông chạy theo phiêu lưu, siêu hình, hãy làm công việc hàng ngày cho tốt.

* * *

Nhà viết tiểu thuyết Zola Émile.

Nhà viết tiểu thuyết Zola Émile.

Zola Émile (1840-1902) là nhà viết tiểu thuyết tự nhiên chủ nghĩa (chủ trương thực nghiệm, điều tra, quan sát, cho gốc cái xấu là bản năng di truyền; tố cáo tư bản, có cảm tình với người nghèo).

Tác phẩm chính: Thérèse Raquin (1867), Bộ: Gia đình Rougon- Macquart (Les Rougon- Macquart), 1871-1873), Quán rượu (L’Assommoir, 1877), Germinal (1884-1885).

Quán rượu là cuốn tiểu thuyết, tập thứ bảy trong bộ tiểu thuyết trường thiên Gia đình Rougon-Macquart gồm 20 tập. Bộ này nghiên cứu lịch sử một gia đình (căn bệnh di truyền qua nhiều thế kỷ) dưới Đế chế thứ hai; đây là một bức tranh xã hội Pháp vào nửa sau thế kỷ XIX.

Chuyện xảy ra trong xóm thợ thuyền cơ cực ở Paris. Cô Gervaise, hiền lành, thật thà, yêu anh thợ làm mũ Lantier. Cặp tình nhân bỏ quê lên Paris sinh sống; họ sinh được hai trai.

Gervaise làm thợ giặt, dành dụm được ít tiền. Nhưng Lantier lười biếng, chỉ thích ăn chơi, bỏ rơi người tình. Gervaise vẫn làm lụng và thương con. Coupeu, một người thợ kẽm, lấy chị làm vợ.

Nhưng anh ta bị thương nặng vì ngã từ mái nhà xuống; chị dốc hết vốn ra chạy chữa cho chồng. Anh chán nản, nghiện rượu. Chị cũng ngán cuộc đời, mặc dù có anh công nhân khác yêu thầm và tìm cách giúp đỡ chị. Để giải sầu, chị cũng uống rượu. Tình nhân cũ là Lantier đánh bạn với chồng chị và đến ở nhà chị, cặp tình nhân cũ lại đi lại với nhau. Chị già trước tuổi, bỏ việc, nghiện rượu, đi làm đĩ. Chồng chết trong nhà tế bần, chị cũng chết. Một cuộc đời tủi nhục!

HỮU NGỌC

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/so-tay-van-hoa-dong-tay-mot-thoang-van-hoc-phap-ky-53-211565.html