So sánh diễn biến giá vàng trong nước và thế giới trước khi đầu thầu vàng miếng

Giá vàng trong nước đã điều chỉnh giảm khi Ngân hàng Nhà nước chủ động thông tin kế hoạch đấu thầu vàng miếng, dù vậy biên độ tăng vẫn gấp đôi giá vàng thế giới.

Tuần qua, giá vàng thế giới diễn biến theo một xu thế khá phổ biến. Đó là tăng vọt lên khi có các thông tin về diễn biến tiêu cực địa chính trị, sau đó có giảm, nhưng duy trì ở vùng giá cao chứ không quay về vùng giá cũ trước đó.

Ở thời điểm này, rủi ro kinh tế vĩ mô hiện vẫn ở ngưỡng cao, có quá nhiều biến động địa chính trị. Tuy nhiên giá vàng có thể sẽ không tăng quá mạnh, chuyên gia nhận định. Ảnh: The Star

Căng thẳng Trung Đông vẫn tác động mạnh đến giá vàng thế giới

Mở đầu tuần, giá vàng giao ngay giao dịch ở mức 2.367USD/ounce, đã có lúc giá vàng rớt xuống mốc 2.332USD/ounce ngay khi thị trường Bắc Mỹ mở cửa vào sáng thứ hai. Sau đó, giá vàng duy trì trong ngưỡng từ 2.360USD/ounce cho đến 2.390USD/ounce.

Trong diễn biến này, đã có hai lần giá vàng vượt khá xa mốc 2.400USD/ounce. Đó là khi Iran không kích Israel và khi Israel đáp trả.

Trong tâm lý các nhà đầu cơ hay đầu tư vào vàng, nắm giữ vàng, giá vàng tăng luôn là một sự kỳ vọng. Ở khía cạnh này, các chuyên gia vẫn lạc quan về khả năng giá vàng thế giới tiếp tăng, dù đã lên mạnh trong thời gian.

“Tôi lạc quan về triển vọng tuần tới. Ở thời điểm này, rủi ro kinh tế vĩ mô hiện vẫn ở ngưỡng cao, có quá nhiều biến động địa chính trị. Tuy nhiên giá vàng có thể sẽ không tăng quá mạnh”, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại quỹ SIA Wealth Management – ông Colin Cieszynski nhận định.

Còn Chủ tịch quỹ Adrian Day Asset Management - ông Adrian Day dự báo giá vàng sẽ đi ngang trong tuần tới: “Việc giá vàng tăng mạnh lên trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới trì hoãn việc hạ lãi suất rất đáng lưu tâm. Tôi không cho rằng giá vàng có khả năng hạ sâu, ít nhất trong khoảng thời gian vài ngày giao dịch tới”.

Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại quỹ RJO Futures - ông Daniel Pavilonis, khẳng định xung đột địa chính trị sẽ tiếp tục đẩy tăng giá vàng kể cả nếu không có sự leo thang nào đột biến.

Diễn biến giá vàng thế giới từ tháng 7 năm ngoái đến hiện tại - Nguồn: Kitco

Theo đó, xung đột Israel – Iran đang là lực đẩy quan trọng của giá vàng và nhiều thị trường khác trong ngắn hạn: “Tôi nghĩ mọi chuyện đang xoay quanh vấn đề Trung Đông. Yếu tố này ngay từ ban đầu đã lôi kéo các ngân hàng trung ương và nhà đầu tư đến với vàng, từ đó giá vàng có đà tăng mạnh”.

Theo kết quả của cuộc khảo sát về dự báo giá vàng do Kitco thực hiện, ước tính khoảng 64% các chuyên gia tin rằng giá vàng sẽ tăng. 19% chuyên gia dự báo giá vàng giảm còn khoảng 17% dự báo giá vàng sẽ đi ngang trong tuần tới.

Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Barchart.com, ông Darin Newsom, cho rằng giá vàng sẽ có những điều chỉnh, nhưng ít nhất trong ngắn hạn chưa hạ sâu.

“Thị trường vàng đang trong tình trạng quá mua và chắc chắn sẽ cần đến sự điều chỉnh. Tuy nhiên xu thế dài hạn vẫn là tăng giá bởi căng thẳng địa chính trị gia tăng, ngoài ra, bầu cử Mỹ chuẩn bị diễn ra trong tháng 11, nhu cầu mua vàng trú ẩn của nhà đầu tư vẫn tăng”, ông Newsom nói.

Đấu thầu vàng miếng để giảm chênh lệch

Tại thị trường trong nước, yếu tố tác động chính là thông tin về kế hoạch đấu thầu vàng miếng mà Ngân hàng Nhà nước đã chủ động đưa ra.

Cuộc đấu thầu này sẽ được triển khai trong ngày mai, đầu tuần, 22-4. Nguồn hàng là vàng miếng có sẵn trong kho của Ngân hàng Nhà nước.

Tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu lần này là 16.800 lượng. Khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng.

Loại vàng miếng bán ra là vàng miếng SJC được Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất.

Tỉ lệ đặt cọc là 10%. Giá tham chiếu đặt cọc là 81,80 triệu đồng/lượng. Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng. Khối lượng tối đa được phép đặt thầu là 20 lô, tương đương 2.000 lượng. Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng.

Trong trường hợp không mua được vàng từ thị trường quốc tế do đối tác không đủ cung vàng theo nhu cầu, Ngân hàng Nhà nước quyết định hủy kết quả thầu.

Giá vàng trong nước đã giảm mạnh khi Ngân hàng Nhà nước từng bước thông báo kế hoạch này. Dù vậy, biến động của thị trường trong nước vẫn theo chiều hướng tăng, với biên độ gấp đôi thị trường vàng thế giới.

Giá vàng thế giới kết thúc tuần giao dịch ở mức khoảng 2.392 USD/ounce, quy đổi theo tỷ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương hơn 73,4 triệu đồng/lượng. So với chốt phiên liền trước, giá vàng thế giới chỉ tăng khoảng 11 USD/ounce, quy đổi tương đương 338.000 đồng/lượng.

Còn trong nước, giá vàng miếng SJC ở mức bán ra 84 triệu đồng/lượng, tăng 700.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, mua vào ở mức 82 triệu đồng/lượng.

Tỷ giá USD vẫn tiếp tục ở ngưỡng cao, tại Vietcombank, tỷ giá USD Mỹ ở mức 25.133 – 25.473 nghìn đồng/USD.

NGỌC DIỆP

Nguồn PLO: https://plo.vn/so-sanh-dien-bien-gia-vang-trong-nuoc-va-the-gioi-truoc-khi-dau-thau-vang-mieng-post786673.html