Số phận trái ngược của dàn sao từng chơi ở cả V.League và Thai League

Trong khi Kiatisuk Senamuang, Dusit Chalermsan hay Đặng Văn Lâm thành công thì Lương Xuân Trường hay Hoàng Vũ Samson lại thất bại khi tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài.

Sakda Joemdee (Đoàn Văn Sakda) gắn bó với HAGL trong 10 năm, thi đấu 210 trận và cùng đội bóng phố núi giành chức vô địch V.League 2003. Cầu thủ có quốc tịch Việt Nam này khiến nhiều người bất ngờ bởi vốn tiếng Việt sành sỏi và thậm chí có thể sử dụng cả "tiếng lóng" để nói chuyện với các đồng đội. Ảnh: Getty Images.

Sau 5 mùa giải khoác áo CLB Bình Định, Nirut Surasiang (Đoàn Văn Nirut) gia nhập HAGL giai đoạn 2009-2010. Chia tay HAGL, Nirut khoác áo Navibank Sài Gòn thêm 2 mùa giải trước khi hồi hương, đầu quân cho CLB Bangkok Glass.

Datsakorn Thonglao tới HAGL khi đội bóng phố núi đã qua thời kỳ đỉnh cao và không giành bất cứ danh hiệu nào trong 3 mùa giải chơi bóng tại sân Pleiku. Tuy nhiên, cầu thủ này vẫn được nhớ tới như một trong những tiền vệ tấn công xuất sắc từng chơi tại V.League với thứ vũ khí lợi hại nhất chính là những quả sút phạt. Ảnh: Getty Images.

Với đẳng cấp của cầu thủ từng 4 lần vô địch SEA Games, 3 lần lên ngôi tại AFF Cup và 2 lần lọt vào nhóm "tứ đệ anh hào" của Asian Cup, Dusit Chalermsan không khó để chiếm suất đá chính trong đội hình HAGL dù gia nhập đội bóng khi đã 33 tuổi. Anh gắn bó với đội chủ sân Pleiku giai đoạn 2003 - 2007, chơi 79 trận và giành 4 danh hiệu. Cầu thủ này mới đây cũng có tên trong đội hình được yêu thích nhất mọi thời đại của CLB HAGL do các CĐV đội bóng này bầu chọn. Ảnh: Getty Images.

Kiatisuk Senamuang là người tiên phong cho trào lưu tới Việt Nam chơi bóng của các cầu thủ Thái Lan. "Zico Thái" gia nhập HAGL năm 2002 và là cái tên biểu tượng thời hoàng kim của đội bóng phố núi. Sau 4 năm, anh chơi 75 trận, ghi tới 59 bàn và giúp HAGL giành 2 V.League, 2 siêu cúp quốc gia vào các năm 2003, 2004. Ảnh: AFF.

Sau 10 năm chơi bóng ở Việt Nam, Huỳnh Kesley Alves có 3 mùa giải thi đấu tại Thái Lan trong màu áo Kasetsart (Thai League 2) và Krabi (Thai League 3). Cầu thủ gốc Brazil trở lại Việt Nam gia nhập CLB TP.HCM vào năm 2018, khoác áo đội bóng này trong hai mùa giải trước khi quyết định giải nghệ ở mùa giải năm nay. Ảnh: Kasetsart FC.

Sau 3 mùa giải khoác áo CLB Bình Dương, Michal Nguyễn chuyển sang CLB Air Force Central tại Thai League 2 và chơi 26 trận tại mùa giải 2018 cho đội bóng Thái Lan. Chia tay Air Force Central, cầu thủ Việt kiều thi đấu cho Selangor tại Malaysia thêm một mùa trước khi gia nhập CLB Hải Phòng. Tuy nhiên, Michal mới đây đã chia tay đội bóng đất cảng và hiện là cầu thủ tự do. Ảnh: Air Force Central FC.

Hoàng Vũ Samson là chân sút cự phách tại Việt Nam khi ghi tới 154 bàn thắng tại V.League trước khi chuyển sang Buriram United năm 2018. Tuy nhiên, tiền đạo gốc Nigeria không được Buriram trọng dụng và chỉ thi đấu 2 trận trước khi chia tay đội bóng Thái Lan. Trở về Việt Nam, Samson khoác áo CLB Hà Nội và Quảng Nam trước khi chuyển tới CLB Thanh Hóa ở mùa giải năm nay. Ảnh: Buriram United.

Giống Samson, Lương Xuân Trường là một trong những ngôi sao hàng đầu Việt Nam nhưng không thể cạnh tranh được vị trí trong đội hình toàn sao của Buriram United. Trong nửa mùa giải khoác áo đội chủ sân Thunder Castle, Xuân Trường ra sân 9 trận, có 1 bàn thắng, 1 kiến tạo trước khi trở về khoác áo HAGL từ giai đoạn 2 mùa giải 2019. Ảnh: Buriram United.

Đặng Văn Lâm là trường hợp hiếm hoi của bóng đá Việt Nam thành công tại Thai League. Thủ thành Việt kiều gia nhập Muangthong United đầu mùa giải 2019 và thi đấu trọn 30 trận cho đội bóng này tại Thai League. Tuy nhiên, mọi thứ đang khó khăn hơn với Văn Lâm khi anh sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với Somyorn Pos cho vị trí thủ môn số một ở mùa giải năm nay. Ảnh: Thairath.

Hoàng Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/so-phan-trai-nguoc-cua-dan-sao-tung-choi-o-ca-vleague-va-thai-league-post1077310.html