Số người tiêm phòng dại tăng sau Tết

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Thừa Thiên Huế, bình quân mỗi tháng, đơn vị tiếp nhận khoảng 150-200 trường hợp tiêm vaccine phòng bệnh dại. Đáng chú ý, số người đến tiêm vaccine phòng dại sau Tết tăng 30% so với ngày thường, phần lớn các trường hợp này bị chó cắn.

Chỉ trong 20 ngày của tháng 2/2024, CDC Thừa Thiên Huế thực hiện 375 mũi tiêm vaccine phòng dại, trong đó có hơn 45 người bị vết cắn nguy hiểm phải tiêm huyết thanh kháng dại.

Không kịp trở tay

Sáng 20/2, chị Nguyễn Thị Th. (trú xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) đến tiêm phòng mũi dại thứ ba sau khi bị chó cắn gây ra vết thương nghiêm trọng. Ngoài chị Th., trong sáng cùng ngày, có nhiều người dân đến từ các huyện, thị trên địa bàn tỉnh cũng đến tiêm phòng dại. Tương tự, trong ngày 19/12, CDC Thừa Thiên Huế tiếp nhận 20 người đến tiêm phòng dại. Hầu hết, số người tiêm phòng dại là do bị chó cắn… Trong đó, có nhiều trường hợp bị vết cắn nguy hiểm phải tiêm huyết thanh kháng dại.

Trước đó, cuối năm 2023, CDC Thừa Thiên Huế tiếp nhận một số trường hợp bị chó thả rông cắn gây ra vết thương nghiêm trọng. Đơn cử, bệnh nhi nam N.N.H. (SN 2019, trú xã Phú Dương, TP Huế) bị chó cắn với nhiều vết thương sâu, khá phức tạp. Theo người nhà bệnh nhi, trong khi ra đường chơi, cháu H bị một con chó giống Phú Quốc của nhà hàng xóm tấn công, cắn nhiều phát vào người. Sau khi giải cứu, cháu H được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Trường Đại học Y dược – Đại học Huế cấp cứu trong tình trạng có nhiều vết thương, trong đó có 5 vết thương sâu và phức tạp, đặc biệt một vết sâu gần tới xương, dài xấp xỉ 20cm. Các bác sĩ đã phẫu thuật cắt lọc làm sạch các vết thương, loại bỏ da cơ có nguy cơ hoại tử.

Tiếp đó, cháu H đã được người nhà đưa đến CDC Thừa Thiên Huế tiêm chủng vaccine. Tại đây, cháu bé được bác sĩ khám chỉ định tiêm huyết thanh kháng dại, kết hợp với vaccine uốn ván và tư vấn tiêm đầy đủ các mũi vaccine theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.

Theo BS Ngô Kim Nhã, Phó trưởng Phòng khám Đa khoa CDC Thừa Thiên Huế, trong và sau dịp Tết Giáp Thìn 2024, tỷ lệ bệnh nhân đến tiêm phòng dại tăng cao đột biến so với cùng kỳ những năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân đi chúc Tết, di chuyển nhiều; việc quản lý chó chưa được tốt như: thả rông chó ngoài đường, không rọ mõm, xích chó lại…

Theo khuyến cáo các bác sĩ, đối với người bị chó mèo cắn, liếm vào vết thương hở thì phải rửa ngay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy 15 phút, rửa càng sớm càng tốt hoặc rửa các chất có tác dụng diệt khuẩn như cồn iod, cồn 70 độ. Sau đó, bệnh nhân cần đến bệnh viện sớm để xử lý vết thương, đánh giá tình trạng và tư vấn tiêm chủng vaccine, huyết thanh. Tuyệt đối không tự ý bôi đắp bất cứ vật gì vào vết thương do chó mèo cắn hoặc tự chữa bằng các mẹo dân gian (như: đặt ngọc, chích lễ…) bởi đây là những cách làm phản khoa học, không mang lại tác dụng và gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

Một trường hợp được chỉ định tiêm huyết thanh kháng dại do chó cắn nguy hiểm.

Cần xử nghiêm vi phạm về quản lý và tiêm phòng dại cho chó, mèo

Tại địa bàn Thừa Thiên Huế, không phải chỉ xảy ra tình trạng cắn người mà nhiều trường hợp chó thả rông, không rọ mõm chạy ra đường đã gây TNGT dẫn đến hạu quả chết người. Mới đây, trên đoạn Tỉnh lộ 10 thuộc địa bàn thôn Dưỡng Mong, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, ông N.V.L. (SN 1973, trú thôn Phú Khê, xã Phú Dương, TP Huế) điều khiển môtô BKS 75B1-267.24 đi từ hướng xã Phú Mỹ lên phường Phú Thượng (TP Huế). Khi ông L. đến đoạn Tỉnh lộ 10 (trước xóm 4, thôn Dưỡng Mong) thì va chạm vào một con chó dẫn đến ngã xuống đường. Hậu quả, ông L tử vong.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh, trong năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Chỉ thị yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã và TP Huế tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại trên động vật. Cụ thể, UBND các huyện, thị xã và TP Huế chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức rà soát, thống kê chính xác số chó, mèo, số hộ nuôi chó, mèo ở từng khu dân cư, thôn, xã; yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó, mèo nuôi, chấp hành việc nuôi nhốt trong khuôn viên gia đình và tiêm phòng vaccine dại cho chó, mèo nuôi. Đồng thời, báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu trên hệ thống báo cáo thông tin dịch bệnh trực tuyến; khi cho chó ra đường, nơi công cộng phải có người quản lý và đeo rọ mõm cho chó theo đúng quy định.

Hải Lan

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/so-nguoi-tiem-phong-dai-tang-sau-tet-i723252/