Số lỗ của EVN 'đội' thêm 28.700 tỷ đồng, sẽ được tính vào giá điện?

Trong 8 tháng đầu năm nay, EVN lỗ thêm 28.700 tỷ đồng. Những khoản lỗ này có thể được bổ sung vào giá điện trong thời gian tới nếu quy định các khoản chênh lệch tỷ giá, lỗ sản xuất kinh doanh được bổ sung vào công thức tính giá bán lẻ điện bình quân.

Một báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gửi Bộ KH&ĐT mới đây tiếp tục phản ánh tình hình “sức khỏe” không tốt của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo đó, số lỗ đến hết tháng 8/2023 của tập đoàn này dự kiến lên tới hơn 28.700 tỷ đồng.

Số lỗ đến hết tháng 8/2023 của tập đoàn này dự kiến lên tới hơn 28.700 tỷ đồng.

Số lỗ đến hết tháng 8/2023 của tập đoàn này dự kiến lên tới hơn 28.700 tỷ đồng.

Như vậy, nếu tính chung lỗ 26.500 tỷ đồng của năm 2022 (chưa bao gồm các khoản chênh lệch tỷ giá) và 8 tháng của năm 2023, công ty mẹ EVN lỗ tổng cộng trên 55.000 tỷ đồng.

Thực tế, ngoài khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng trong năm 2022 do biến động quá cao của giá nhiên liệu cho phát điện, EVN còn khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá từ các năm trước chưa được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 gồm phần còn lại khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện năm 2019 với số tiền khoảng 3.016 tỷ đồng; năm 2020 khoảng 4.567 tỷ đồng; năm 2021 hơn 3.702 tỷ đồng và năm 2022 khoảng 3.440 tỷ đồng.

Trong khi giá bán đầu ra tăng 3% từ ngày 4/5 chưa thể giúp EVN bớt căng thẳng về dòng tiền. Ước tính với giá điện tăng 3%, EVN thu khoảng 8.000 tỷ đồng trong 7 tháng cuối năm 2023, mức này bằng 1/5 số lỗ và chênh lệch tỷ giá ghi nhận của EVN trong năm 2022.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo sửa đổi Quyết định 24/2017 của Chính phủ về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Trong đó, nội dung đáng chú ý nhất tại dự thảo này là cho phép EVN thu hồi khoản chênh lệch tỷ giá, khoản lỗ sản xuất kinh doanh, tính giá điện dựa trên quy định pháp luật.

Bộ Công Thương cho rằng, với việc kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 bị lỗ và chi phí năm 2023 tiếp tục bị dồn tích do mức điều chỉnh giá điện chưa đủ thu hồi chi phí đầu vào hình thành giá, trong khi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg chưa quy định cụ thể về việc xem xét giá thành thực tế sản xuất kinh doanh điện trong tính toán giá điện kế hoạch, gây khó khăn cho EVN trong việc thu hồi chi phí, bù đắp lỗ của năm quá khứ. Việc này phần nào ảnh hưởng đến khả năng phát triển và bảo toàn vốn Nhà nước của EVN nếu hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài.

Đáng chú ý, Bộ Công Thương dẫn Luật Giá năm 2023 được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2023 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024) quy định nguyên tắc định giá của Nhà nước là “Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh hợp lý, hợp lệ; lợi nhuận (nếu có) hoặc tích lũy theo quy định của pháp luật (nếu có) phù hợp với mặt bằng thị trường; bảo đảm phù hợp với cung cầu hàng hóa, dịch vụ, điều kiện thị trường tại thời điểm định giá và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ”.

Căn cứ quy định hiện hành tại Luật Giá, Bộ Công Thương nêu quan điểm, giá điện cần đảm bảo bù đắp đủ chi phí thực tế và có lợi nhuận hợp lý. Do đó, cần hiệu chỉnh công thức tính giá bán điện bình quân để làm rõ hơn yếu tố gắn với giá thành sản xuất kinh doanh điện.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại, với các khoản chênh lệch tỷ giá, lỗ do sản xuất kinh doanh "khổng lồ" trên nếu được phân bổ vào công thức tính có thể khiến giá điện tăng sốc.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/so-lo-cua-evn-apos-doi-apos-them-28-700-ty-dong-se-duoc-tinh-vao-gia-dien-1095445.html