Sơ kết 1 năm thực hiện phong trào thi đua Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí

Chiều 16.11, tại thành phố Hòa Bình, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện phong trào thi đua Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Trần Hải

Tham dự hội nghị có: Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; các Ủy viên Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình; đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan; cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí, hội nhà báo, liên chi hội và chi hội trực thuộc tại 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nêu rõ, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và phát huy văn hóa sức mạnh con người Việt Nam, trong đó có “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại” và thực hiện nội dung Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân Dân đã phối hợp tổ chức phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”; công bố “Tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam.

Bộ tiêu chí cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo, gồm 12 điểm, trong đó có 6 điểm cho cơ quan báo chí và 6 điểm cho người làm báo. Việc “xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo Việt Nam” coi đây là cách thức nhằm “chấn chỉnh”, siết chặt kỷ cương và góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan báo chí, người làm báo góp phần xây dựng nền báo chí truyền thông, nhân văn và hiện đại, bảo vệ giá trị văn hóa của dân tộc.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cũng nêu rõ, 98 năm qua Báo chí Cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã góp phần không nhỏ vào công cuộc kháng chiến, đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các cơ quan báo chí đã đổi mới, đa dạng các loại hình báo chí với cách thức làm báo hiện đại, chuyên nghiệp, nhiều cơ quan báo chí đã đạt được thành tựu rõ rệt trong quá trình chuyển đổi số, bên cạnh đó cũng đặt ra thách thức với các cơ quan báo chí trong thời đại số.

Chính vì thế, mỗi nhà báo phải trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, không ngại khó khăn, gian khổ, yêu nghề, làm nghề vì lợi ích của đất nước, của nhân dân, làm nghề theo phương châm khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải, độ tin cậy và sức thuyết phục chính là con đường sống của báo chí trong thời đại kỷ nguyên số; để bản sắc của một tờ báo, yếu tố nhân văn luôn được coi trọng trong mỗi tác phẩm báo chí, làm sáng ngời danh hiệu chiến sỹ xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng.

Toàn cảnh hội nghị

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, “chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số, bùng nổ thông tin, lực lượng báo chí Cách mạng Việt Nam đông đảo hơn bao giờ hết; các cơ quan báo chí vươn lên một cách mạnh mẽ, hiện nay có hơn 40.000 người làm việc trong lĩnh vực báo chí, trong đó phần lớn là nhà báo chuyên nghiệp đang có mặt ở khắp mọi miền của đất nước, đi sát mọi lĩnh vực của đời sống xã hội để phản ánh kịp thời, sinh động, cổ vũ công cuộc đổi mới; phát hiện, nêu gương các nhân tố mới, nhân tố điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí; vai trò của báo chí trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, trong đó phải kể đến đội ngũ phóng viên của các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương thường trú tại địa phương”.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, để tạo thuận lợi cho Hội Nhà báo các địa phương trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú, tạo bước chuyển biến tích cực, kết quả quan trọng, góp phần hạn chế các hoạt động ngoài tầm kiểm soát cũng như kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên; thúc đẩy sự phát triển của báo chí Việt Nam và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, ngày 6.4.2018, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Quyết định số 979 về việc sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí tại địa phương. Sau hơn 1 năm phát động phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” và 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 979 đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất.

Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá kết quả hưởng ứng phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”; nghe các tham luận chia sẻ kinh nghiệm tổ chức phát động, kết quả đạt được sau một năm thực hiện xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí; phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, các Chi hội nhà báo; những cách làm hay, sáng tạo của các cấp Hội, cơ quan báo chí, người làm báo.

Các đại biểu cũng làm rõ những tồn tại, hạn chế, xác định rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan và đề ra những giải pháp đột phá để phong trào thi đua thực sự lan tỏa, đi vào chiều sâu trong hoạt động của các cơ quan báo chí và hoạt động của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi điều hành hội nghị

Báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện phong trào thi đua Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, Trưởng Ban Công tác Hội Vũ Thị Hà cho biết, trong thời gian qua, tổ chức Hội từ trung ương đến địa phương đã tập trung chỉ đạo, quán triệt tổ chức tốt phong trào Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí; xây dựng kế hoạch và tổ chức ký cam kết thực hiện Tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa, cấp hội văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam. Các cấp Hội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, có sức lan tỏa trong đời sống báo chí.

Trên cơ sở vị trí, vai trò, chức năng của tổ chức Hội, Hội Nhà báo Việt Nam đã kịp thời xây dựng, định hướng mục tiêu phong trào xây dựng môi trường văn hóa gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp Hội, cơ quan báo chí. Với sự chỉ đạo, điều hành sát đúng của Thường trực Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cấp Hội cùng sự hưởng ứng mạnh mẽ của hội viên, người lam báo tạo nên sức mạnh đoàn kết, đồng thuận, đem lại giá trị hết sức to lớn trong hoạt động báo chí, hoạt động Hội.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã đánh giá kết quả sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 979 về việc sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú tại các địa phương, những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý, sự phối hợp, gắn kết phóng viên thường trú với địa phương; nâng cao chất lượng sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú và những giải pháp, đề xuất, kiến nghị để tiếp tục đổi mới trong công tác quản lý hội viên là phóng viên thường trú tại địa phương. Hội nghị cũng thảo luận, triển khai hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 375/QĐ-TTg, ngày 12.4.2023.

Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/su-kien-noi-bat/so-ket-1-nam-thuc-hien-phong-trao-thi-dua-xay-dung-moi-truong-van-hoa-trong-cac-co-quan-bao-chi-i350389/