Sở hữu ôtô mới ngày càng đắt đỏ ở Mỹ

Các nhà sản xuất xe duy trì kế hoạch giữ lượng hàng tồn kho ở mức thấp để kéo giá ôtô tăng cao. Mức trả góp trung bình hàng tháng cho một chiếc ôtô đã đạt mức kỷ lục.

Theo Bloomberg, một chiếc ôtô mới sáng bóng chạy trên đường vốn là biểu tượng cho sự giàu có của tầng lớp trung lưu trong suốt nhiều thế hệ qua. Nhưng đối với một gia đình Mỹ bình thường, hiện tại, đây là một giấc mơ xa vời.

Theo Cox Automotive, khoản thanh toán trung bình hàng tháng cho một chiếc ôtô mới đã tăng lên mức kỷ lục 777 USD, gần gấp đôi so với cuối năm 2019. Con số này gần bằng 1/6 thu nhập sau thuế trung bình của các hộ gia đình Mỹ. Ngay cả những mẫu xe đã qua sử dụng cũng có mức trả góp trung bình lên tới 544 USD/tháng.

Ở châu Âu, giá xe đang ở mức kỷ lục. Giá xe cũ tại Nhật Bản cũng tăng vọt vào năm ngoái trong khi ở Trung Quốc, việc đẩy mạnh sử dụng xe điện khiến người mua xe ở một số thành phố phải trả nhiều tiền hơn.

 Khoản thanh toán trả góp mua xe trung bình đã lập kỷ lục. Ảnh: Bloomberg.

Khoản thanh toán trả góp mua xe trung bình đã lập kỷ lục. Ảnh: Bloomberg.

Các nhà sản xuất nắm đằng chuôi

Ngọn nguồn của vấn đề nằm ở nguyên tắc mới mà các nhà sản xuất ôtô đang theo đuổi: Giữ hàng tồn kho ở mức thấp và tăng giá lên cao. Ba năm sau khi đại dịch gây ra tình trạng thiếu chip bán dẫn trên toàn cầu và ngành sản xuất ôtô bị tê liệt, Ford, General Motors và các đối thủ ngoài nước Mỹ đang thu được món hời lớn. Ngay cả khi cuộc khủng hoảng chip có dấu hiệu nguội dần, họ vẫn duy trì sản xuất trong tầm kiểm soát.

Việc xe điện đắt hơn khoảng 25% so với một chiếc ôtô thông thường cũng khiến xu hướng chuyển sang sử dụng xe điện đẩy cuộc khủng hoảng giá ôtô trở nên tồi tệ hơn. Tình trạng lãi suất tăng vọt dần biến những chiếc ôtô mới trở thành tài sản chỉ dành cho giới giàu có, giống như quyền sở hữu nhà hay chuyện học đại học.

Trong suốt một thập kỷ, trung bình số tiền trả góp cho một chiếc ôtô mới ở Mỹ đã tăng lên mức 400 USD/tháng. Jonathan Smoke - nhà kinh tế trưởng tại Cox - cho biết đó là số tiền mà một hộ gia đình Mỹ trung bình có thể đáp ứng được. Nhưng đến tháng 11/2019 con số này bắt đầu tăng mạnh.

Theo JPMorgan, giá trung bình cho một chiếc xe mới ở Mỹ đã tăng lên gần 50.000 USD, hơn 30% so với năm 2019. Tuy giá xe đã hạ nhiệt vài tuần gần đây nhờ phục hồi sản xuất, mức điều chỉnh đó chưa đủ để phần lớn người tiêu dùng thoải mái mua ôtô mới. Trong khi đó, giá trung bình của ôtô đã qua sử dụng cũng ở mức khoảng 27.000 USD.

Các nhà sản xuất đang thu lời từ việc bán ít xe nhưng giá lại đắt hơn. Năm 2022, có khoảng 13 triệu chiếc xe được bán ra ở Mỹ, giảm 8% so với năm 2021 và là mức thấp nhất trong một thập kỷ qua. Nhưng lợi nhuận gộp của Ford vào năm 2022 đã tăng 4.4% so với năm trước đó, trong khi thu nhập đã điều chỉnh của GM tăng khoảng 200 triệu USD lên 14,5 tỷ USD. Lợi nhuận của một số nhà sản xuất dự kiến thu hẹp trong năm nay khi bối cảnh kinh tế toàn cầu suy yếu.

Giá ôtô mới tại châu Âu cũng đang ở mức cao nhất mọi thời đại và vẫn tiếp tục tăng. Trong năm 2022, việc khan hiếm nguồn cung xe kéo giá xe cũ tăng mạnh ở Nhật. Dù kinh tế suy thoái vì Covid-19 kìm hãm giá xe ở Trung Quốc, việc các thành phố lớn siết chặt chính sách đăng ký xe động cơ đốt trong nhằm thúc đẩy phát triển xe điện lại khiến giá xe tăng cao.

 Các nhà sản xuất xe cố gắng giữ tồn kho ở mức thấp và tránh chiết khấu. Ảnh: Forbes.

Các nhà sản xuất xe cố gắng giữ tồn kho ở mức thấp và tránh chiết khấu. Ảnh: Forbes.

Giá xe khó giảm

Suốt nhiều thập kỷ qua, các nhà sản xuất luôn kinh doanh theo mô hình vận hành nhà máy hết công suất và sau đó sử dụng chiết khấu sâu để bán hàng. Tại Mỹ, các nhà sản xuất ôtô thường lưu kho 60-100 ngày nhưng đang cố gắng giảm một nửa thời gian đó để giảm chi phí và giữ giá cao.

“Chúng tôi sẽ không bao giờ quay trở lại mức tồn kho như trước đây”, Mary Barra, CEO GM, nói với các nhà đầu tư vào năm ngoái.

Đối thủ của bà là CEO Ford Jim Farley cũng khẳng định không muốn tốn hàng tỷ USD cho hàng tồn kho hay cho việc giảm giá và các ưu đãi khác để bán hàng. Toyota và Nissan cũng tuyên bố thực hiện chiến lược tương tự.

“Bạn sẽ thấy hầu hết nhà sản xuất không quay lại chiến lược của 3 hay 4 năm trước. Chúng tôi sẽ giữ cung và cầu ở trạng thái cân bằng”, Judy Wheeler, Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh Nissan tại Mỹ, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn.

Giá cứ tăng lên vì rõ ràng cầu đang vượt cung

Jack Hollis, Phó chủ tịch điều hành bán hàng của Toyota Bắc Mỹ

Một số dấu hiệu bắt đầu cho thấy nỗi khổ của người tiêu dùng sẽ giảm bớt phần nào khi chuỗi cung ứng trở lại bình thường. CFO Ford John Lawler dự đoán giá ôtô mới sẽ giảm 5% trong năm nay khi các nhà sản xuất tăng cường giảm giá. Phía Nissan cũng dự đoán giá sẽ giảm xuống mức bình thường hơn. Tesla và Ford đều thực hiện giảm giá xe điện đồng loạt

Barra và Jack Hollis - Phó chủ tịch điều hành bán hàng của Toyota Bắc Mỹ - tin rằng ngành công nghiệp này có đủ chip để bán 15 triệu xe ở Mỹ trong năm nay, thấp hơn 12% so với doanh số 3 năm trước. Hollis cho biết thị trường vẫn thiếu hụt khoảng 4 triệu chiếc so với nhu cầu mua sắm bù cho khoảng thời gian thiếu chip trước đó và điều này sẽ giữ cho giá giảm chậm.

Đối với những người đang tìm kiếm một chiếc ôtô mới với mức giá bình dân, các lựa chọn rất hạn chế. Các nhà sản xuất ôtô tại Mỹ đã ngừng sản xuất các mẫu ôtô nhỏ gọn vì không thể kiếm tiền từ chúng.

Sự khan hiếm của các mẫu xe phân khúc bình dân đồng nghĩa lượng xe bán ra chủ yếu dành cho người giàu. Gần 30% doanh số trên thị trường ôtô là đến từ các hộ gia đình có thu nhập hàng năm trên 150.000 USD, tăng 22% so với năm 2016.

“Ngày càng có nhiều người giàu mua ôtô hơn. Phân khúc dưới cùng của thị trường đã bị loại bỏ”, Mark Wakefield, Giám đốc công ty tư vấn AlixPartners, cho biết.

Quế Chi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/so-huu-oto-moi-ngay-cang-dat-do-o-my-post1409967.html