Số hóa quản lý giao thông vận tải

Những năm qua, Sở Giao thông Vận tải luôn xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là một trong những giải pháp để hiện đại hóa việc thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý giao thông vận tải...

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phạm Quang Anh kiểm tra cán bộ của Sở trực giải quyết các thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành của Sở GTVT ngày càng có hiệu quả. 100% văn bản, hồ sơ công việc của Sở GTVT được trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường điện tử (trừ văn bản mật theo quy định).

Từ năm 2020, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thủ tục hành chính (TTHC) của Sở GTVT được chuyển đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Việc tiếp nhận và trả hồ sơ TTHC theo hướng tập trung của Sở GTVT đã tăng sự công khai, minh bạch trong cải cách TTHC, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.

Hiện, Sở GTVT đang kiểm soát 139 TTHC thuộc thẩm quyền. Trong năm 2023, Sở đã rà soát và trình phương án đơn giản 2 TTHC.

Tính từ ngày 15/12/2022 đến 15/12/2023, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, Sở GTVT đã tiếp nhận và giải quyết 42.265 hồ sơ TTHC. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến 2.816 hồ sơ TTHC, dịch vụ công trực tuyến toàn trình 907 hồ sơ TTHC; trả kết quả qua Bưu điện tỉnh 13.488 hồ sơ TTHC. 100% hồ sơ được thực hiện chính xác, kịp thời và đúng thời hạn.

Bên cạnh việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong giải quyết các TTHC, Sở GTVT còn khai thác hiệu quả các ứng dụng trong quản lý kinh doanh vận tải (KDVT). Thái Nguyên là tỉnh có số lượng tổ chức, cá nhân tham gia KDVT lớn, đặc biệt là vận tải hành khách.

Theo số liệu thống kê của Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái thuộc Sở GTVT, toàn tỉnh có 52 đơn vị đơn vị KDVT theo tuyến cố định, taxi, xe buýt; trên 400 đơn vị, hộ KDVT hành khách theo hợp đồng, du lịch; trên 1.000 đơn vị vận tải hàng hóa được cấp giấy phép kinh doanh vận tải.

Vận tải khách liên tỉnh có 198 tuyến đến 34 tỉnh thành trên toàn quốc và 3 tuyến nội tỉnh với 266 phương tiện. Ngoài ra còn có 119 doanh nghiệp ngoại tỉnh tham gia vận tải hành khách đến Thái Nguyên…

Theo quy định, tất cả xe khách bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình, camera ghi hình buồng lái và truyền dữ liệu trực tuyến về cơ quan quản lý nhà nước.

Để nâng cao chất lượng công tác quản lý các đơn vị KDVT, Sở GTVT đã đẩy mạnh khai thác và sử dụng hiệu quả “Hệ thống dịch vụ công trực tuyến vận tải đường bộ”. Thông qua hệ thống này, dữ liệu thông tin về các đơn vị KDVT bao gồm: số lượng các phương tiện, giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu phương tiện KDVT… đã được số hóa tạo thuận tiện cho việc theo dõi và quản lý. Đến nay, toàn tỉnh có gần 6.000 phương tiện giao thông được lắp thiết bị giám sát hành trình.

Là một trong nhiều doanh nghiệp KDVT hành khách, Công ty CP Vận tải hành khách Thái Nguyên luôn tuân thủ nghiêm việc lắp thiết bị giám sát hành trình. Ông Lê Sỹ Tiến, Giám đốc Công ty, cho biết: Công ty có 50 xe, chạy trên 32 tuyến trên toàn quốc. 100% xe đều được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Công ty công khai niêm yết giá vé, số điện thoại đường dây nóng trên xe để hành khách kịp thời phản ánh những vấn đề xảy ra.

Thông qua kiểm tra, khai thác và trích xuất dữ liệu trên “Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình”, Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái thuộc Sở GTVT đã phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nhiều trường hợp vi phạm về tốc độ và không truyền dữ liệu khi xe tham gia giao thông...

Thanh tra Sở Giao thông Vận tải thường xuyên kiểm tra các xe vận tải hành khách về việc thực hiện quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, công tác phòng cháy, chữa cháy...

Tính riêng trong năm 2022, Sở GTVT đã ban hành văn bản cảnh báo, chấn chỉnh đối với gần 11.000 lượt đơn vị với trên 26.000 lượt phương tiện; ban hành 8 quyết định thu hồi phù hiệu đối với 112 phương tiện của các đơn vị KDVT do vi phạm, thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.

Qua kiểm tra đã đình chỉ khai thác tuyến vận tải hành khách cố định đối với 17 phương tiện thuộc các đơn vị vận tải trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đề nghị sở GTVT các tỉnh, thành phố xử lý vi phạm đối với 28 phương tiện của các đơn vị vận tải ngoại tỉnh do vi phạm quy định về quản lý hoạt động vận tải.

Nhờ khai thác và sử dụng hiệu quả các nền tảng số, số vụ vi phạm đã giảm rõ rệt. Năm 2023, Sở GTVT đã ban hành 10 văn bản chấn chỉnh, nhắc nhở trên 4.000 lượt đơn vị và gần 10.000 lượt phương tiện; ban hành 4 quyết định thu hồi phù hiệu đối với 67 phương tiện của các đơn vị KDVT; xử lý vi phạm hành chính 6 đơn vị vi phạm thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, với tổng số tiền xử phạt trên 80 triệu đồng.

Việc phát hiện, xử lý vi phạm đã chấn chỉnh các doanh nghiệp KDVT trong thực hiện nghiêm túc quy định về lĩnh vực này. Ông Phạm Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Anh Tuấn Thái Nguyên, ở phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên), cho rằng: Lỗi vi phạm của doanh nghiệp là không thông báo nội dung hợp đồng vận chuyển hành khách tới Sở GTVT trước khi thực hiện hợp đồng vận chuyển hành khách theo quy định. Qua việc bị xử phạt lần này, doanh nghiệp ý thức tốt hơn về thực hiện các quy định trong KDVT. Còn đối với việc lắp thiết bị giám sát hành trình, chúng tôi luôn có ý thức thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của Sở GTVT.

Ngoài cài đặt thiết bị thông minh giám sát hành trình, dưới sự hướng dẫn của các đơn vị chuyên môn Sở GTVT, nhiều doanh nghiệp KDVT trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều phần mềm quản lý ở mức cao hơn, đa dạng hơn như app công nghệ để ký hợp đồng, bán vé, thanh toán, thu phí điện tử... qua đó cắt giảm chi phí và tăng cường hiệu lực quản lý.

Hiện nay, phần mềm lệnh vận chuyển điện tử đã được áp dụng với tất cả các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định và một số đơn vị xe buýt. Các đơn vị vận tải taxi cơ bản đã áp dụng phần mềm điều xe thay cho việc sử dụng đàm truyền thống…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-thong/giao-thong-thong-minh/202402/so-hoaquan-ly-giao-thong-van-tai-17812a3/