Số hóa 3D ẩm thực

Thừa Thiên Huế có gần 1.300 món ăn với nhiều loại hình khác nhau, từ các món ăn cung đình cho đến các món ăn dân dã hằng ngày. Để bảo tồn các món ăn đặc trưng xứ Huế, đồng thời quảng bá về văn hóa ẩm thực nơi đây đến đông đảo người dân trong và ngoài nước, việc triển khai số hóa 3D là cần thiết.

Hấp dẫn cơm sen.

Để tiếng lành đồn xa

Hơn 10 năm trước, trong lần ghé thăm Việt Nam, “cha đẻ marketing hiện đại” Philip Kotler từng cho rằng đất nước Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành “bếp ăn của thế giới”. Ông ấy đã rất ấn tượng với nền văn hóa ẩm thực đa dạng, hấp dẫn này. Còn Oliver Smith (một 9X người Mỹ, sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh) - người rất mê ẩm thực Việt lại chia sẻ với báo chí: “Việt Nam đang có một kho tàng ẩm thực đồ sộ đáng tự hào. Tuy nhiên, việc tìm kiếm thông tin về các món ăn Việt với người nước ngoài khá khó khăn, bởi chúng tôi chỉ biết thông qua google, chưa có một kênh thông tin chính thức để chúng tôi tham khảo, giới thiệu nhau”.

Chuyện vừa kể liên quan rất nhiều đến Huế. Từ Kinh đô một thuở nay trở thành Cố đô, Thừa Thiên Huế đang thừa hưởng, lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa quý giá của dân tộc; trong đó có ẩm thực, được xem là di sản phong phú và là nền văn hóa ẩm thực tinh tế bậc nhất Việt Nam. Thống kê chưa chính thức, mảnh đất miền Hương Ngự có gần 1.300 món ăn với nhiều loại hình khác nhau, từ các món ăn cung đình cho đến các món ăn dân dã hằng ngày. Các chuyên gia du lịch đánh giá, ẩm thực chính là lợi thế cạnh tranh nổi bật của Cố đô, vì Huế là “Kinh đô ẩm thực”. Trước bối cảnh và xu hướng cạnh tranh của các điểm đến, Huế cần nhanh chóng có kế hoạch gìn giữ, phát huy tinh hoa ẩm thực đúng như giá trị vốn có, biến từ thương hiệu văn hóa thành một thương hiệu du lịch có vị thế, có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với du khách.

Nhiều món ăn chay sẽ được số hóa 3D

Vừa qua, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam tổ chức tôn vinh và công nhận giá trị của các món ăn tiêu biểu nước nhà thông qua việc trao chứng nhận 121 món ẩm thực tiêu biểu giai đoạn I - 2022. Trong 47 món ăn miền Bắc, 37 món ăn miền Trung và 37 món ăn miền Nam, ẩm thực Huế góp mặt đến 6 món ăn, gồm: Bún bò Huế, chè bột lọc bọc heo quay, cơm hến, bánh lọc, vả trộn hoa màu chay, cơm hấp lá sen chay. Trên thực tế, ai đã thử đều không phủ nhận độ ngon của ẩm thực Huế nhưng cũng còn rất nhiều món ăn mà du khách chưa biết đến.

Theo nhiều chuyên gia, việc số hóa nền ẩm thực Việt sẽ là một bước tiến giúp các món ăn Việt thân quen hơn với bạn bè quốc tế. Thấy được tầm quan trọng của vấn đề này, Sở Du lịch đã bắt đầu triển khai công tác số hóa các món ăn đặc trưng xứ Huế trên nền tảng công nghệ 3D. Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, việc tái hiện và duy trì các món ăn đặc trưng xứ Huế, thông qua việc chế biến các món ăn của các Nghệ nhân ẩm thực, chuyên gia ẩm thực, từ đó tạo thư viện lưu trữ công thức các món ăn đặc trưng xứ Huế một cách bài bản và chi tiết nhất. Mục đích của việc số hóa 3D ẩm thực nhằm bảo tồn các món ăn đặc trưng xứ Huế trên nền tảng công nghệ 3D, đồng thời phát triển, quảng bá về văn hóa ẩm thực xứ Huế đến đông đảo người dân trong và ngoài nước.

Tăng tốc gắn với quảng bá

Theo đại diện Sở Du lịch, công tác số hóa 3D các món ăn trải qua các bước: Scan món ăn, thiết kế bố cục, xử lý hậu kỳ và cuối cùng là Render (kết xuất đồ họa) và tải dữ liệu lên hệ thống. Trong năm 2023, Sở Du lịch sẽ triển khai số hóa 3D đợt 1 với các món ăn nằm theo nhóm: Ẩm thực cung đình với các món ăn như chả phượng hoàng, vả trộn hình rồng, bồ câu tiềm thuốc bắc; ẩm thực dân gian với các món ăn như bún thịt nướng, vịt hon kiểu Huế, nem lụi, cuốn Huế, bún bò Huế, cơm hến - bún hến; bánh - chè Huế với các món như bánh ít gói tôm thịt, bánh gấc, bánh bột lọc gói, bánh nậm, chè hạt sen, chè bột lọc heo quay; ẩm thực chay gao gồm các món như bún chay, cơm sen chay, gỏi chay, nem rán chay.

Lãnh đạo Sở Du lịch nhấn mạnh, qua việc không gian thực được số hóa 3D, người xem sẽ được trải nghiệm chân thực khi có thể xem bất cứ điểm nào trong không gian mà họ muốn, sự hiện diện của từng vật thể trong không gian đó. Ngành du lịch kỳ vọng, công tác số hóa các món ăn đặc trưng của Huế thông qua nền tảng 3D giúp cho du khách có cái nhìn tổng quan về sắc diện, cấu tạo, bài trí của từng món ăn, từ đó lưu trữ chi tiết các món ăn một các đầy đủ, khoa học, giúp công tác phát huy các món ăn sau này được dễ dàng hơn.

Ứng dụng chuyển đổi số trong việc bảo tồn và quảng bá ẩm thực Huế là hướng đi rất đúng. Để tạo được hiệu quả, cần nhanh chóng tăng tốc trước những xu hướng mới và thay đổi mới đang diễn ra từng ngày. Bên cạnh những món ăn như đã nói, cần tổ chức nhiều đợt số hóa 3D các món ăn đặc trưng của Huế với số lượng lớn nhằm bảo tồn, phát huy và nâng tầm nền văn hóa ẩm thực của Huế nói riêng, Việt Nam nói chung. Sau các đợt số hóa 3D ẩm thực Huế, cần gắn với các hoạt động quảng bá để du khách thập phương biết đến.

TK

(Theo baothuathienhue.vn)

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nhin-ra-tinh-ban/so-hoa-3d-am-thuc/202566.htm