'So găng' quy mô 4 ngân hàng quốc doanh

Tăng trưởng tín dụng chậm, phải tăng trích lập dự phòng nợ xấu nhưng báo cáo tài chính năm 2023 cho thấy nhóm ngân hàng quốc doanh vẫn ghi nhận các chỉ số tăng trưởng tốt.

 Xếp hạng chỉ số tài chính năm 2023 của các ngân hàng trong nhóm quốc doanh đã có sự thay đổi do bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành. Ảnh: Nam Khánh.

Xếp hạng chỉ số tài chính năm 2023 của các ngân hàng trong nhóm quốc doanh đã có sự thay đổi do bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành. Ảnh: Nam Khánh.

Báo cáo kết quả kinh doanh sơ bộ và báo cáo tài chính của 4 ngân hàng quốc doanh gồm BIDV, Vietcombank, Agribank, VietinBank cho thấy các chỉ số tài chính của nhóm ngân hàng này vẫn tăng trưởng tốt năm vừa qua. Tuy nhiên, giữa các ngân hàng trong nhóm "Big 4" này vẫn có sự chênh lệch đáng kể.

BIDV dẫn đầu quy mô tài sản

Nhờ vẫn ghi nhận tăng trưởng cao trong năm vừa qua, đã có 3 ngân hàng trong nhóm “Big 4” này ghi nhận tổng tài sản đạt trên 2 triệu tỷ đồng.

Giữ chắc ngôi đầu bảng về quy mô tài sản vẫn là BIDV khi giá trị tổng tài sản của nhà băng này đã tăng hơn 8% trong năm vừa qua, đạt 2,3 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2023.

Nếu như năm 2022, Agribank vẫn bỏ khá xa VietinBank về quy mô tổng tài sản thì đến cuối năm 2023, Ngân hàng Công Thương đã vươn lên để ngang hàng cùng Ngân hàng Nông Nghiệp. Hiện cả hai ngân hàng này đều đang sở hữu tổng tài sản trên mốc 2 triệu tỷ đồng. Trong đó, tổng tài sản đến cuối năm của VietinBank đạt gần 2,033 triệu tỷ đồng (+12%), còn Agribank đạt trên 2 triệu tỷ đồng.

Ghi nhận tốc độ tăng trưởng quy mô tài sản thấp nhất nhóm nhà băng quốc doanh năm qua là Vietcombank. Theo đó, trong cả năm ngoái, ngân hàng này chỉ ghi nhận tổng tài sản tăng hơn 1%; đạt trên 1,839 triệu tỷ đồng vào cuối năm, tiếp tục xếp cuối trong nhóm "Big 4".

Với số dư tiền gửi khách hàng, BIDV cũng là nhà băng dẫn đầu nhóm với số dư đến cuối năm ngoái đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 16% so với năm liền trước. Trong khi chỉ tiêu này tại VietinBank đạt hơn 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 13.

Về phía Vietcombank, năm ngoái, nhà băng này là một trong những tổ chức tín dụng tích cực nhất trong việc giảm lãi suất huy động. Trong hầu hết năm 2023, Vietcombank đều giữ mức chi trả lãi suất tiền gửi thấp nhất nhóm ngân hàng vốn Nhà nước. Tuy vậy, tính tới cuối năm, nhà băng này vẫn ghi nhận số dư tiền gửi khách hàng đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng, tương ứng mức tăng 12%. Con số này cũng đang bám rất sát với VietinBank.

Chưa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023, nhưng theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2023, Agribank cho biết số dư tiền gửi khách hàng tại nhà băng này đến ngày 30/6/2023 vào khoảng 1,686 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 4% so với đầu năm.

Với chỉ tiêu cho vay khách hàng, hiện số dư tại các ngân hàng quốc doanh lần lượt là BIDV có 1,737 triệu tỷ đồng (+17%); Agribank có trên 1,55 triệu tỷ (+7%); VietinBank có gần 1,446 triệu tỷ (+16%) và Vietcombank có gần 1,242 triệu tỷ đồng (+11%).

Không chỉ là nhà băng quốc doanh có quy mô tài sản, huy động vốn, cho vay lớn nhất hệ thống, BIDV còn là ngân hàng dẫn đầu nhóm về quy mô vốn điều lệ.

Cụ thể, trong năm 2023, BIDV đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 6.419 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng này đã tăng từ 50.585 tỷ đồng lên 57.004 tỷ đồng. Qua đó, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất nhóm "Big 4".

Xếp sau BIDV là Vietcombank với vốn điều lệ 55.891 tỷ đồng. VietinBank và Agribank hiện có vốn điều lệ lần lượt ở mức 53.700 tỷ đồng và hơn 51.000 tỷ đồng. Cả ba nhà băng này đều cùng nâng vốn điều lệ từ phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông trong năm vừa qua.

Dè dặt chỉ tiêu lợi nhuận

Sở hữu quy mô tài sản lớn nhất, nhưng BIDV không phải ngân hàng khai thác hiệu quả nhất nguồn lực này. Tỷ suất lợi nhuận/tài sản (ROAA) là chỉ số thể hiện khả năng khai thác hiệu quả tài sản của mỗi ngân hàng.

Ở chỉ tiêu này, Vietcombank mới là ngân hàng đứng đầu nhóm với ROAA đạt 1,81% trong năm vừa qua, cao hơn nhiều so với mức 1,04% của VietinBank và 0,97% của BIDV.

Tuy nhiên, trong năm ngoái, chỉ số ROAA của Vietcombank đã giảm 0,04 điểm % so với năm 2022. Trong khi chỉ số này tại BIDV đang cải thiện dần qua từng năm và 2023 cũng là năm nhà băng này ghi nhận tỷ suất lợi nhuận/tài sản cao nhất trong 8 năm trở lại đây.

Sau năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn, dù vẫn ghi nhận tăng trưởng tích cực nhưng bước sang năm 2024, mục tiêu lợi nhuận được các nhà băng "Big 4" đặt ra lại khá dè dặt.

Nhận định triển vọng kinh tế Việt Nam năm nay sẽ lạc quan hơn nhờ nỗ lực điều hành kịp thời của Chính phủ tiếp tục phát huy tác dụng, Vietcombank đặt mục tiêu tổng tài sản năm 2024 tăng 8% so với năm trước; tăng trưởng tín dụng khoảng 12%; huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tăng trưởng tín dụng; tỷ lệ cho vay/tổng tiền gửi (LDR) kiểm soát ở mức dưới 80%; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%.

Với các chỉ tiêu tài chính kể trên, nhà băng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay tăng 10%, lên hơn 44.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ngân hàng cho biết sẽ có biện pháp linh hoạt để tận dụng sớm và có hiệu quả hạn mức tăng trưởng tín dụng được NHNN giao là 16%, cao hơn trung bình ngành (15%).

Cũng trong năm nay, BIDV mới chỉ đưa ra một số chỉ tiêu kinh doanh chính như dư nợ tín dụng theo giới hạn NHNN giao, dự kiến tăng 14%; huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, đảm bảo an toàn thanh khoản, hiệu quả; kiểm soát tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 ở mức dưới 1,4%.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/so-gang-quy-mo-4-ngan-hang-quoc-doanh-post1459800.html