Số điện thoại quảng cáo trên cột điện có thể bị thu hồi

Các địa phương sẽ lập danh sách số điện thoại vi phạm gửi Sở TT&TT để chánh thanh tra sở xem xét ra văn bản yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông thu hồi số điện thoại.

Video: Số điện thoại quảng cáo trên cột điện có thể bị thu hồi

Mới đây, Pháp Luật TP.HCM có bài viết “Người dân cùng chính quyền dẹp nạn dán, vẽ bậy nơi công cộng” phản ánh thực trạng dán quảng cáo, vẽ bậy tràn lan trên địa bàn TP.HCM.

Để hạn chế tình trạng trên, một số nơi tại TP.HCM đã thực hiện việc vẽ tranh phong cảnh lên tường nơi công cộng và nhiều mô hình khác nhằm ngăn chặn và phòng, chống nạn dán, vẽ bậy rất hiệu quả, được người dân đồng lòng ủng hộ.

Ngoài ra, một số địa phương còn có giải pháp để “trị” tình trạng dán quảng cáo trên cột điện là gửi công văn kiến nghị Sở TT&TT TP.HCM, phối hợp với nhà mạng cung cấp tên, địa chỉ chủ thuê bao để xử lý người vi phạm.

Dán quảng cáo ngày càng tinh vi

Hiện nay, trên các bức tường, cột điện nơi công cộng dán, vẽ đầy những quảng cáo như quảng cáo “Khoan cắt bê tông”, “Rút hầm cầu”, “Đổ xà bần”, “Dịch vụ cho vay nhanh”…, trông rất nhếnh nhác, mất mỹ quan đô thị.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, ngụ quận Gò Vấp, cho biết trong thời gian qua, chính quyền địa phương cùng người dân cũng đã thực hiện biện pháp cạo, xóa những tờ quảng cáo, rao vặt dán trên trụ điện, tường nhà. Tuy nhiên, sau một thời gian thì lại xuất hiện những tờ quảng cáo, rao vặt mới.

 Những số điện thoại trong các quảng cáo dán trên trụ điện có thể bị thu hồi. Ảnh: TRẦN MINH

Những số điện thoại trong các quảng cáo dán trên trụ điện có thể bị thu hồi. Ảnh: TRẦN MINH

“Giải pháp trên chỉ là phương án tạm thời, có hiệu quả trong thời gian ngắn. Đồng thời, việc bắt quả tang được các đối tượng đi dán quảng cáo rồi xử phạt hành chính, cũng là giải pháp tạm thời, không phải là cách hay” - bà Yến nói.

Tương tự, ông Huỳnh Văn Kiều, ngụ quận 5, cũng cho biết ở địa phương cũng từng thực hiện nhiều biện pháp như quấn thảm cỏ nhân tạo quanh trụ điện để giảm bớt nạn dán bậy. Thời gian đầu có hiệu quả nhưng về sau thì giải pháp này cũng có một số hạn chế.

Phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với hành vi cung cấp số điện thoại liên hệ trong các quảng cáo, rao vặt được treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện…

Những người dán quảng cáo bây giờ cũng tinh vi lắm, ban ngày dán dễ bị bắt thì họ dán ban đêm. Đi một nhóm 2-3 người, hai người canh, một người dán, thoáng một cái là dán đầy cái cột điện rồi chạy mất tiêu. Bà con ở đây chỉ thấy khi xem lại camera an ninh thôi chứ làm sao canh trực tiếp nổi.

“Tôi nghĩ nếu bắt được họ thì cũng chỉ xử phạt hành chính. Khi về rồi họ cũng sẽ tiếp tục công việc này thôi. Rất mong chính quyền TP, các cơ quan chức năng có giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để nạn dán, vẽ bậy nơi công cộng để TP luôn sạch đẹp” - ông Kiều nói.

Chị Hồng Nhiên, ngụ quận Phú Nhuận, cũng chia sẻ dù một số địa bàn đã giảm được việc dán, vẽ bậy nhưng đó chỉ là con số ít so với mặt bằng chung của TP.

“Tình trạng dán, vẽ quảng cáo không đúng nơi quy định xảy ra trên nhiều quận, huyện nên muốn dẹp được tình trạng này thì chính quyền các nơi phải cùng có giải pháp đồng bộ. Chứ nơi làm, nơi không thì khó dẹp được dứt điểm. Theo tôi, tốt nhất địa phương nào thấy số điện thoại nào xuất hiện trên tờ quảng cáo thì làm việc với cơ quan chức năng cắt luôn số điện thoại đó” - chị Nhiên kiến nghị.

Phối hợp với nhà mạng xác định thuê bao vi phạm

Trao đổi với PV, bà Trần Thị Diệu Hiền, Chủ tịch UBND phường 11, quận Phú Nhuận, cho biết thời gian qua, sau khi thực hiện các mô hình vẽ tranh tường, trụ điện để “trị” nạn vẽ bậy, dán bậy thì tình trạng trên đã giảm rất nhiều. Tuy nhiên, trước khi triển khai các mô hình này phường cũng đã áp dụng một số biện pháp khác, đến nay vẫn tiếp tục thực hiện.

Cụ thể từ năm 2019, UBND phường đã tiến hành tuyên truyền, vận động người có hàng hóa, dịch vụ có nhu cầu quảng cáo, rao vặt không thực hiện quảng cáo bằng cách dán tờ rơi, làm ảnh hưởng mỹ quan đô thị.

Đồng thời, phường cũng phát thư ngỏ hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo, rao vặt tại 71 bảng quảng cáo, rao vặt miễn phí có trên địa bàn quận.

Ngoài ra, UBND phường cũng sẽ tiến hành lập biên bản xác nhận hiện trạng vi phạm quảng cáo, rao vặt tại địa bàn các khu phố, qua đó đã xác lập được nhiều số điện thoại trên quảng cáo, rao vặt.

“Sau khi xác lập các thuê bao trên quảng cáo, rao vặt, phường sẽ mời các cá nhân có số điện thoại quảng cáo, rao vặt này đến UBND phường để làm việc. Nếu các cá nhân này không đến, phường sẽ kiến nghị đến UBND quận Phú Nhuận đề nghị Sở TT&TT TP làm việc với các nhà mạng để khóa các thuê bao quảng cáo, rao vặt đó” - bà Hiền nói.

Một lãnh đạo UBND quận Gò Vấp cho biết về quy trình xử lý hành vi dán tờ rơi trên cột điện, quận cũng đã thực hiện các bước theo quy trình.

Cụ thể, đối với trường hợp bắt quả tang người vi phạm thì địa phương sẽ lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Đối với trường hợp phát hiện tờ rơi quảng cáo có thông tin số điện thoại, quận sẽ tập hợp số điện thoại vi phạm và gửi văn bản đề nghị đến Sở TT&TT để sở phối hợp với nhà mạng xác định chủ thuê bao vi phạm là ai. Sau đó, địa phương sẽ mời chủ thuê bao đến làm việc, xác định hành vi vi phạm và ra quyết định xử phạt người vi phạm.

Đã có hướng dẫn xử lý

Trước đây, Sở TT&TT TP.HCM đã có công văn hướng dẫn Phòng Văn hóa và Thông tin của một quận trên địa bàn TP.HCM về việc xử lý, cá nhân cung cấp số điện thoại liên hệ trong các quảng cáo, rao vặt được treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện…

Tại công văn hướng dẫn, Sở TT&TT cho biết theo khoản 1 Điều 94 Nghị định 15/2020 quy định phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với hành vi cung cấp số điện thoại liên hệ trong các quảng cáo, rao vặt được treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện,…

Tại điểm i khoản 32 Điều 1 Nghị định 14/2022 sửa đổi Nghị định 15/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định 119/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản: Bổ sung điểm c vào sau điểm b khoản 10 Điều 94 là buộc thu hồi số điện thoại do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 94 Nghị định 15/2020.

Tại điểm đ khoản 2 Điều 114 Nghị định 15/2020 quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của chánh Thanh tra Sở TT&TT là “áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả”.

Như vậy, căn cứ quy định pháp luật, để thu hồi số điện thoại do thực hiện hành vi cung cấp số điện thoại liên hệ trong các quảng cáo, rao vặt được treo, đặt, dán trên cột điện… thì UBND cấp huyện cần phải có văn bản hoặc quyết định xác định tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi nêu trên trên địa bàn quản lý.

Sau đó, UBND cấp huyện tập hợp chuyển đến Sở TT&TT để chánh thanh tra sở xem xét ra văn bản yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông thu hồi số điện thoại.

NGUYỄN HIỀN - HUỲNH THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/so-dien-thoai-quang-cao-tren-cot-dien-co-the-bi-thu-hoi-post755986.html