Số ca nhiễm mới HIV đang trẻ hóa: Dự phòng cho trẻ dưới 15 tuổi

Hình thái lây nhiễm HIV ở Việt Nam đang có sự thay đổi. Số ca nhiễm mới HIV đang trẻ hóa, chủ yếu lây nhiễm qua nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Thực tế, không ít trẻ dưới 15 tuổi đang có nguy cơ bị trì hoãn xét nghiệm HIV và điều trị thuốc ARV sớm từ rào cản của gia đình và xã hội.

Tập trung can thiệp sớm để bảo vệ giới trẻ

Kiên Giang là địa phương đứng thứ 4 trong các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 16 trong cả nước về số người nhiễm HIV.

Trung bình mỗi năm Kiên Giang phát hiện thêm khoảng 400 ca nhiễm mới, trong đó hơn 80% là do lây nhiễm qua quan hệ tình dục không an toàn.

Các bệnh nhi HIV tham gia buổi sinh hoạt tại phòng khám OPC Khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM.

Với sự hỗ trợ của Dự án EPIC (tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng chống HIV/AIDS), tỉnh Kiên Giang đang chú trọng can thiệp giảm lây nhiễm HIV trong nhóm MSM.

Qua giám sát, Kiên Giang đã ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm mới là trẻ 14-15 tuổi.

N.V.D. (ở Kiên Giang) phát hiện mình nhiễm HIV khi mới 14 tuổi. Em mua que test trên mạng và tự test khi biết bạn tình nhiễm HIV. Kết quả tự test dương tính với HIV khiến D. vô cùng bàng hoàng.

“Em mới chỉ quan hệ tình dục không an toàn một lần, tại sao lại nhiễm HIV được?”, D. cầu cứu sự giúp đỡ của nhóm cán bộ đồng đẳng viên (CBO) The Sun Việt Nam (Kiên Giang).

Sau khi được thành viên của CBO thuyết phục, D. tâm sự với mẹ. Nhưng thay vì lo lắng, chạy chữa cho con, người mẹ nhất quyết gạt đi vì cho rằng con mình không làm gì để bị nhiễm HIV.

Bà từ chối giám hộ cho con xét nghiệm. Gần nửa năm kiên trì thuyết phục, gia đình mới chấp nhận D. là người đồng tính, bị lây nhiễm HIV qua bạn tình và đồng ý làm giám hộ cho con. Sau khi nhận kết quả dương tính HIV, D. đã được điều trị thuốc ARV.

N.V.D. chỉ là một trong số những trẻ dưới 15 tuổi đang có nguy cơ bị trì hoãn điều trị thuốc ARV sớm. Bởi theo quy định của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) thì người từ đủ 15 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự được tự nguyện yêu cầu xét nghiệm.

Tuy nhiên với trẻ dưới 15 tuổi thì phải có cha mẹ hoặc người giám hộ ký tên đồng ý. Đây cũng là khó khăn nổi lên trong công tác phòng chống HIV/AIDS ở nước ta thời gian gần đây.

Hơn nữa, rất ít trường hợp cha mẹ biết con có nguy cơ lây nhiễm để đưa trẻ đi xét nghiệm. Trẻ em thường không dám thông báo cho bố mẹ biết mình có nguy cơ lây nhiễm HIV do có quan hệ tình dục không an toàn và cơ sở y tế không xét nghiệm HIV khi chưa được bố mẹ trẻ đồng ý.

Tất cả những lý do này làm giảm cơ hội trẻ được xét nghiệm, phát hiện HIV sớm.

Một buổi tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS dành cho học sinh.

Cần có lồng ghép kiến thức phòng, chống HIV trong nhà trường

Bác sĩ Võ Thị Lợt - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang (CDC Kiên Giang) mong muốn, trong khi chờ sửa đổi Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người, cần có quy định, khi trẻ dưới 15 tuổi nghi nhiễm HIV.

Nếu trẻ không muốn cho cha mẹ hoặc người giám hộ biết thông tin thì các y, bác sĩ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố được quyền đưa các em đi xét nghiệm và chỉ định điều trị, có như thế mới giúp các em được điều trị sớm và giảm nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Theo PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế): “Đã có những ca nhiễm HIV mới dưới 15 tuổi nên cần được xét nghiệm sớm, điều trị kịp thời, bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em. Để các em dưới 15 tuổi được tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV phù hợp với các quy định hiện hành, cần sự vào cuộc của cả gia đình, nhà trường và xã hội”.

Việc hạ độ tuổi trẻ được xét nghiệm tự nguyện cũng giúp trẻ em dễ tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV hơn, được phát hiện HIV sớm, điều trị sớm đảm bảo sức khỏe của trẻ, giảm lây nhiễm HIV cho người khác trong cộng đồng.

Đồng thời, cũng bảo đảm quyền của trẻ em được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe.

Bà Phan Thị Thu Hương chia sẻ thêm: “Để các bạn trẻ được tiếp cận với dịch vụ xét nghiệm HIV sớm, trước tiên các bạn cần có hiểu biết đúng về các nguy cơ lây nhiễm HIV, hệ lụy của việc sử dụng các chất kích thích, ma túy tổng hợp cũng như việc quan hệ tình dục không an toàn.

Theo tôi, cần có chính sách hỗ trợ việc lồng ghép các kiến thức về phòng tránh lây nhiễm HIV vào các buổi giáo dục giới tính, giáo dục về sức khỏe sinh sản tại các trường THCS, THPT, cao đẳng, đại học; cần sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các đơn vị có liên quan".

Các thầy cô giáo và phụ huynh cũng cần có hiểu biết về HIV/AIDS và kiến thức giới tính để kịp thời phát hiện và hỗ trợ trẻ em, đặc biệt với các em dưới 15 tuổi để tránh bị lạm dụng cũng như dễ dàng tiếp cận với xét nghiệm HIV.

Việt Cường

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/so-ca-nhiem-moi-hiv-dang-tre-hoa-du-phong-cho-tre-duoi-15-tuoi-20240326215115289.htm