Smartphone giá rẻ của Trung Quốc có thể bị gạt ra khỏi kệ hàng tại Ấn Độ

Chính phủ Ấn Độ đang tìm cách hạn chế các hãng điện thoại thông minh (smartphone) của Trung Quốc bán các dòng điện thoại giá rẻ, có giá thấp hơn 12.000 rupee (150 đô la Mỹ) để hỗ trợ các đối thủ yếu kém ở trong nước. Đây sẽ là một động thái leo thang của Ấn Độ trong chiến dịch gây sức ép với các hãng smartphone Trung Quốc sau khi nhiều thương hiệu từ Xiaomi cho đến Vivo bị điều tra trốn thuế, chuyển tiền ra nước ngoài trái phép trong những tháng qua.

Mạng lưới cửa hàng của các thương hiệu smartphone Trung Quốc “phủ sóng” khắp Ấn Độ. Ảnh: Colors of India

Hãng tin Bloomberg hôm 8-8 dẫn các nguồn tin cho biết Ấn Độ đang muốn cấm các “gã khổng lồ” smartphone Trung Quốc kinh doanh ở phân khúc giá rẻ của thị trường smartphone lớn thứ hai thế giới. Họ nói giới chức trách Ấn Độ lo ngại trước sự áp đảo quá lớn của các thương hiệu bán chạy của Trung Quốc gồm Xiaomi, Realme, Vivo, Oppo đối với các nhà sản xuất trong nước.

Các hãng smartphone của Ấn Độ như Lava và MicroMax đã nhanh chóng xây dựng được tên tuổi sau khi ra mắt các mẫu điện thoại giá rẻ cách đây hơn một thập niên, nhưng kể từ đó đã liên tục đánh mất thị phần do sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ giàu ngân sách đến từ Trung Quốc. Ở thời kỳ đỉnh cao vào năm 2015, các thương hiệu smartphone của Ấn Độ gồm Lava, Micromax, Intex và Karbonn chiếm tổng cộng 35% thị phần ở thị trường đông dân thứ hai thế giới, nhưng hiện nay con số đó rơi xuống chỉ còn 1%.

Việc bị loại khỏi thị trường phân khúc cấp thấp của Ấn Độ sẽ gây tổn hại lớn cho Xiaomi và các thương hiệu điện thoại khác của Trung Quốc vốn ngày càng phụ thuộc vào Ấn Độ để thúc đẩy tăng trưởng trong khi thị trường quê nhà của họ bị ảnh hưởng bởi các đợt phong tỏa kiểm soát Covid-19, làm giảm sức tiêu thụ. Theo hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint, các mẫu smartphone có giá bán dưới 150 đô la đóng góp đến 1/3 tổng doanh số smartphone ở Ấn Độ trong quí 2-2022, với các công ty Trung Quốc chiếm lĩnh 80% thị phần.

Cổ phiếu của Xiaomi ở thị trường chứng khoán Hồng Kông đã giảm đến 3,6% trong phiên giao dịch hôm qua, nâng mức giảm trong năm nay lên hơn 35%.

Các nguồn tin cho biết vẫn chưa rõ chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi sẽ chính thức công bố chính sách hay sử dụng các kênh không chính thức để truyền đạt quyết định trên tới các thương hiệu smartphone Trung Quốc.

Trước đây, Ấn Độ đã sử dụng các biện pháp không chính thức để cấm các nhà mạng trong nước sử dụng thiết bị của hai nhà sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc, Huawei và ZTE.

Gần đây, New Delhi cũng đã gia tăng giám sát hoạt động tài chính của các hãng smartphone Trung Quốc. Giới chức trách đã cáo buộc Xiaomi, Vivo và Oppo trốn thuế. Trong khi đó, các tài khoản ngân hàng của Vivo tại Ấn Độ bị phong tỏa trong một cuộc điều tra rửa tiền. Hồi cuối tháng 4, Cơ quan chống tội phạm kinh tế Ấn Độ đã phong tỏa 725 triệu đô la của một chi nhánh Xiaomi tại địa phương với cáo buộc chuyển kiều hối ra nước ngoài trái phép. Mặc dù dẫn đầu thị trường, các hãng smartphone Trung Quốc báo lỗ trong hoạt động kinh doanh tại Ấn Độ từ năm này sang năm khác, làm dấy lên các nghi ngờ gian lận sổ sách.

Ấn Độ đã gia tăng áp lực lên các công ty Trung Quốc vào mùa hè năm 2020 sau khi hơn 12 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng sau cuộc đụng độ với binh sĩ Trung Quốc ở khu biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya của hai nước. Kể từ đó, Ấn Độ đã cấm sử dụng hơn 300 ứng dụng của Trung Quốc bao gồm WeChat của Tencent và TikTok của ByteDance.

Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Canalys, trong quí 2, có đến 4 thương hiệu Trung Quốc nằm trong danh sách 5 thương hiệu smartphone có thị phần lớn nhất tại Ấn Độ, với Xiaomi ở vị trí dẫn đầu, nắm giữ 18% thị phần. Trung bình cứ 4 smartphone tiêu thụ ở Ấn Độ, có 3 chiếc thuộc các thương hiệu Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn tờ Business Standard của Ấn Độ hồi tuần trước, Thứ trưởng Bộ Công nghệ Ấn Độ Rajeev Chandrasekhar nói rằng sự thống trị của thương hiệu smartphone Trung Quốc trên thị trường Ấn Độ không “dựa vào sự cạnh tranh tự do và công bằng”.

Tờ India Times hôm 8-8 dẫn lời một quan chức cấp cao khác của Ấn Độ cho biết: “Các đối thủ Trung Quốc đã sử dụng các biện pháp không công bằng và hoạt động như một đoàn thể để đẩy các công ty Ấn Độ ra khỏi cuộc cạnh tranh. Hơn nữa, các công ty Trung Quốc cũng kiểm soát toàn bộ kênh phân phối, không giống như các hãng smartphone toàn cầu khác như Apple hay Samsung”

Theo vị quan chức này, smartphone của Trung Quốc sản xuất ở Ấn Độ chủ yếu tiêu thụ trong nước, trái ngược với Apple và Samsung khi họ đang xuất khẩu một phần lớn thiết bị của họ từ các nhà máy ở Ấn Độ.

Thị trường smartphone hiện tại ở Ấn Độ trị giá 35 tỉ đô la mỗi năm. Trong trường hợp các công ty Trung Quốc rời khỏi phân khúc cấp thấp, sẽ không có tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của họ nếu họ chọn sản xuất các thiết bị cao cấp và bắt đầu xuất khẩu, các lãnh đạo trong ngành nhận định.

Một lãnh đạo giấu tên của một thương hiệu smartphone Ấn Độ nói: “Các hãng smartphone Trung Quốc đã đốt vốn để tiêu diệt các đối thủ Ấn Độ. Đó là lý do tại sao chính phủ hạn chế sự tiếp cận thị trường đối với các thương hiệu smartphone Trung Quốc để đảm bảo các công ty trong nước có thể vực dậy hoạt động kinh doanh”.

Theo Bloomberg, India Times

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/smartphone-gia-re-cua-trung-quoc-co-the-bi-gat-ra-khoi-ke-hang-tai-an-do/