Slạm nhịt hụi – mùa ước hẹn tháng 3 của người Sán Chỉ

Cuối xuân, trai gái Sán Chỉ nơi biên cương Đông Bắc rộn ràng đến với điểm hẹn của những câu ca Soóng cọ, nơi du khách mải mê dõi theo những cô gái chơi túc cầu trong bộ váy truyền thống độc đáo…

Hội Soóng Cọ (hay còn gọi là hội tháng Ba - Slạm Nhịt Hụi) là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tại huyện miền núi biên giới Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. dịch nghĩa thì Soóng Cọ là “xướng ca”, “hát đối”, “hát giao duyên”...

Dù không sử dụng bất cứ nhạc cụ nào đi kèm, nhưng điệu Soóng Cọ vẫn lôi cuốn bằng lời ca nhịp nhàng, âm điệu ngân dài mộc mạc. Thông qua lời đối đáp, các đôi nam thanh, nữ tú sẽ tìm người tâm đầu. Trong lời ca, người Sán Chỉ cũng phản ánh cuộc sống lao động sản xuất, ca ngợi thiên nhiên, quê hương, đất nước tươi đẹp…

Năm nay, hội Soóng Cọ khai mạc từ ngày 23/4 và kéo dài đến ngày 1/5. Ngày hội năm nay càng thêm đặc biệt bởi tháng 11/2023, Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Mỗi năm tới dịp hội Soóng Cọ, người Sán Chỉ tại Bình Liêu, đặc biệt là ở xã Húc Động (có hơn 80% dân số là người Sán Chỉ) còn có những nghi lễ truyền thống như lễ cầu may, cầu mưa thuận gió hòa…

Hội hát giờ đây không chỉ là ngày hội của người Sán Chỉ mà còn thu hút người dân các địa phương lân cận, khách du lịch trong và ngoài tỉnh, cùng tham gia thi đấu và giao lưu các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian đánh quay, bịt mắt bắt vịt, sáy mả…

Vượt đường xa đến chơi hội, chị Sằn Moóc Lằm ở xã Đại Dực, huyện Tiên Yên (cũng là nơi có đông dân số là người Sán Chỉ) kể: “Thấy vui nên mình mới lên, lên để giao lưu với bạn bè Bình Liêu, đánh quay này chơi từ bé rồi nên ai cũng biết, chơi vui lắm”.

Hấp dẫn bậc nhất trong ngày hội Soóng Cọ Bình Liêu phải kể đến giải bóng đá nữ Sán Chỉ, nay đã trở thành nét đặc trưng riêng. Các cô gái Sán Chỉ say mê bóng đá đến nỗi, cứ sau những giờ lên rừng lại cùng nhau giao lưu, chạy trên sân đất quanh nhà, mặc luôn bộ trang phục truyền thống với dải khăn quấn tóc gọn gàng quanh đầu, chiếc áo xanh và váy đen dài.

Từ những đội bóng thôn nhỏ lẻ, đến nay huyện Bình Liêu đã có hàng chục đội bóng với cả trăm thành viên, tập luyện và tham gia thi đấu trong nhiều dịp lễ hội lớn, đặc biệt là hội Soóng Cọ, hội Mùa vàng.

Những trận đấu diễn ra vô cùng quyết liệt với nhiều pha tranh bóng, sút xa, bứt tốc gay cấn, nhưng cũng không ít tình huống hài hước, vui mắt, khi những chiếc váy cũng có thể trở thành “vũ khí” cản bóng hiệu quả.

Chuyện cánh mày râu cổ vũ nhiệt tình, hay bế con cho vợ đá bóng là hình ảnh quen thuộc trên sân. Những cô gái Sán Chỉ mặc váy đá bóng cũng trở thành những đại sứ quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh một Bình Liêu đang phát triển song hành giữa truyền thống và hiện đại. (Ảnh: Các hoa hậu, người đẹp giao lưu bóng đá với các cô gái Sán Chỉ năm 2020).

Ngày hội cũng là dịp để người dân địa phương trưng bày và giới thiệu các nông sản đặc trưng, trong đó có quy trình nghề chế biến miến dong - sản phẩm OCOP nổi tiếng của xã Húc Động và huyện Bình Liêu.

Không gian văn hóa ẩm thực mang đến những món ăn hấp dẫn của người Sán Chỉ, qua đó giới thiệu và quảng bá các sản phẩm, giá trị văn hóa đặc sắc riêng có của dân tộc Sán Chỉ, phát triển du lịch cộng đồng.

Qua từng năm, Hội hát Soóng Cọ tiếp tục được khôi phục và nâng cao giá trị, là món ăn tinh thần quý giá, niềm tự hào và là “sợi dây” gắn kết cộng đồng của người Sán Chỉ không chỉ riêng ở Bình Liêu.

Trường Giang, Hoàng La/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/slam-nhit-hui-mua-uoc-hen-thang-3-cua-nguoi-san-chi-post1091296.vov