Sinh viên sáng chế cà phê túi lọc

Làm thế nào để có tách cà phê truyền thống đậm vị mà không mất nhiều công đoạn pha chế?

Sản phẩm cà phê túi lọc của nhóm nghiên cứu.

Nhóm sinh viên Trường Đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã sử dụng giải pháp túi lọc giống trà.

Nâng tầm cà phê Việt

VJU's Coffee là sản phẩm đầu tiên do giảng viên và sinh viên chương trình đào tạo Nông nghiệp thông minh và Bền vững (ESAS) & Công nghệ thực phẩm và Sức khỏe (EFTH), Trường ĐH Việt Nhật (VJU) thực hiện.

Theo TS Hoàng Thị Thu Duyến, sản phẩm cà phê túi lọc được hình thành từ mong muốn đào tạo sinh viên tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, giúp hiểu tầm quan trọng của toàn bộ các bước trong chuỗi sản xuất, chế biến và cung ứng sản phẩm nông nghiệp, từ đó cho ra đời những sản phẩm hoàn thiện, chủ động khẳng định chất lượng của nguồn nguyên liệu cà phê gốc Việt.

“Cộng hưởng với văn hóa thưởng thức trà rất phổ biến hiện nay, chúng tôi mong muốn đưa cà phê thành một thứ đồ uống tao nhã, thân thiện, gần gũi như tâm hồn của người dân ở Tây Nguyên hay Tây Bắc… Sản phẩm cafe VJU sẽ như một tách trà mở đầu câu chuyện trong văn hóa người Việt, cũng như quảng bá và khẳng định chất lượng nông sản Việt’’, TS Hoàng Thị Thu Duyến nói.

VJU’s coffee là thành quả của sự làm chủ quy trình sản xuất của đội ngũ nghiên cứu tại Trường ĐH Việt Nhật. Các khâu từ lựa chọn giống, vùng trồng, phối hợp với nông dân địa phương để đảm bảo chất lượng nguyên liệu thô, phương pháp sơ chế, rang xay, trộn... cho đến thiết kế bao bì đều được đội ngũ nhân sự của chính Trường ĐH Việt Nhật tham gia thực hiện. Điều này đảm bảo sản phẩm được kiểm soát kỹ càng về chất lượng, đồng thời tôn lên nét đặc trưng của hạt cà phê xuất xứ hoàn toàn từ Việt Nam.

Vùng trồng cà phê được nhóm nghiên cứu lựa chọn phù hợp với đặc trưng của hạt cà phê và điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, đồng thời đảm bảo sinh kế cho người dân.

Với Arabica, loại hạt mũi nhọn, có giá trị kinh tế cao, nhóm xác định trồng ở những vùng có điều kiện thời tiết lạnh, vừa đảm bảo hương vị hạt, vừa cải thiện kinh tế cho người dân ở khu vực khắc nghiệt này.

Robusta, loại hạt quen thuộc với cà phê truyền thống Việt Nam, được nhóm chọn trồng tại những khu vực địa hình thấp, áp dụng phương pháp canh nông đặc biệt để tạo ra hương vị chất lượng nhất.

Hạt cà phê.

Mỗi loại một kiểu khác nhau

Mong muốn sản xuất được loại cà phê làm nổi bật thế mạnh của nguyên liệu Việt, nhóm nghiên cứu phối hợp chặt chẽ với người dân địa phương trong từng công đoạn, từ kỹ thuật canh tác, tới thu hoạch, bảo quản nguyên liệu thô.

Theo quy trình riêng của nhóm nghiên cứu, quả cà phê đến vụ thu hoạch được thu hái đúng yêu cầu kỹ thuật, lựa chọn quả chín đạt yêu cầu hơn 99%. Hạt cà phê đạt độ chín kỹ thuật là hạt vừa chín đỏ, không bị xanh mà cũng không chín quá. Kỹ thuật thu hái hoàn toàn thủ công để đảm bảo không bị lẫn quả xanh, không ảnh hưởng cành và các quả xanh còn lại.

Sau khi có sản phẩm nguyên liệu thô, cà phê trải qua quy trình sơ chế, rang xay và trộn theo công thức riêng của VJU, tạo ra 3 sản phẩm là: 100% hạt Robusta, 100% hạt Arabica và trộn hạt (blended). Trong đó, mỗi sản phẩm cà phê sẽ làm nổi bật hương vị độc đáo của từng loại hạt, do được sơ chế và rang kỹ lưỡng, theo phương pháp phù hợp.

Cà phê Arabica áp dụng phương pháp sơ chế khô, rang nhẹ. Sơ chế khô dựa vào nguồn năng lượng tự nhiên để phơi khô hạt cà phê, đảm bảo phát huy tối đa hương vị tự nhiên của hạt. Hạt Arabica sơ chế khô, rang nhẹ sẽ làm nổi bật ưu thế vốn có về hương thơm, vị nhẹ, hài hòa và cân bằng.

Cà phê Robusta sử dụng loại hạt được thu hái kỹ lưỡng từ vùng trồng có phương pháp canh nông tiệm cận mô hình dưới tán rừng, áp dụng phương pháp sơ chế ướt, rang vừa, hơi ngả đậm.

Sơ chế ướt gồm tách vỏ hạt, tách bỏ tạp chất, lên men bằng nước và sấy. Trong khi đó, rang vừa, hơi sang phần đậm là phương pháp để lấy được hương vị đậm đà, mạnh mẽ đặc trưng của hạt Robusta.

Trong quy trình sơ chế, rang, xay hạt cà phê, nhóm nghiên cứu không sử dụng thêm hương liệu, mà chú trọng vào việc giữ được vị đặc trưng của từng loại hạt. Đây là hướng đi để khai thác đúng tiềm năng của nguồn nguyên liệu cà phê Việt Nam, đồng thời mang hương vị độc đáo của cà phê Việt tới cho chính người dùng trong nước.

Đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ: “Trong VJU’s coffee, bạn sẽ cảm nhận được hương vị thực sự của cà phê ở mức độ tối đa. Chúng tôi muốn người dùng được tiếp cận với cà phê và hiểu được từng hạt cà phê khác nhau mang theo những câu chuyện về vùng trồng, về đặc tính canh tác, về thổ nhưỡng khác nhau”.

Là một sản phẩm tiêu dùng phụ thuộc phần lớn vào khẩu vị cá nhân, sản phẩm cà phê túi lọc VJU’s coffee mong muốn tạo ra nhiều dòng sản phẩm hơn để đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng. Mỗi loại hạt cà phê cho ra những hương thơm và mùi vị khác nhau.

Trong quá trình nghiên cứu về sản phẩm, nhóm nghiên cứu nhận thấy đặc điểm người Việt có xu hướng ưa dùng cà phê từ hạt Robusta nhiều hơn, trong khi người Nhật có xu hướng yêu thích cà phê từ hạt Arabica.

Với tầm nhìn hướng đến mở rộng các dòng sản phẩm khác, nâng cao giá trị và chất lượng nông sản Việt, cũng như mở rộng thị trường, nhóm nghiên cứu mong muốn đầu tư hơn nữa vào một phòng thí nghiệm chuẩn, để phát triển hoàn thiện toàn bộ nhóm các sản phẩm như đã đề xuất.

Về lộ trình thương mại hóa sản phẩm, tiến tới khẳng định vị thế của các dòng sản phẩm mang thương hiệu “made by VJU”, nhóm nghiên cứu Trường ĐH Việt Nhật đang thử nghiệm để các bạn sinh viên cung cấp dưới dạng VJU shop. Trong tương lai nhóm sẽ mở rộng ở giai đoạn sản xuất, chế biến cùng với các sản phẩm khác tạo nên nhóm các sản phẩm VJU như cà phê, trà, lúa gạo…

Chi Nhật

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/sinh-vien-sang-che-ca-phe-tui-loc-post679166.html