Sinh viên năm cuối và những 'áp lực tuổi 22'

Những bỡ ngỡ trong quá trình thực tập, những áp lực về khóa luận tốt nghiệp, làm sao để ra trường đúng hạn và cơ hội việc làm khi ra trường như thế nào… Đó chắc chắn đều là những băn khoăn, lo lắng của hầu hết các bạn sinh viên Đại học đang hoàn thành những mục tiêu cuối cùng để kịp nhận bằng tốt nghiệp, ra trường đúng hạn.

Áp lực” này chồng “áp lực” nọ

Buổi sáng đến trường đi học, làm đồ án, đi thí nghiệm…, còn buổi chiều và tối lại tất bật dành thời gian cho công việc. Với một sinh viên năm cuối có định hướng làm trái ngành như Nguyễn Thị Ngọc Khánh (Sinh viên năm cuối Đại học Bách Khoa Hà Nội), việc cân bằng giữa công việc theo đuổi và tiếp tục hoàn thành việc học không phải là điều dễ dàng.

“Mình vừa phải cố gắng đến trường để hoàn thành việc học đồng thời phải làm tốt công việc ở văn phòng. Mình còn phải đối mặt với hàng ngàn câu nói như: Học bách khoa tốt như thế sao lại từ bỏ? Tại sao lại làm trái ngành? Đấy là cơ hội tốt mà…”, Khánh chia sẻ.

Nguyễn Ngọc Khánh (Đại học Bách Khoa Hà Nội).

Tương tự như Khánh, những áp lực của một sinh viên năm cuối cũng bủa vây Nguyễn Minh Bách (Sinh viên năm 4 ngành Sư phạm Hóa Học CLC, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Bách tâm sự: “Mình liên tục phải thức khuya, có những hôm phải thức xuyên đêm để hoàn thành deadline, nhiều hôm bỏ bữa và luôn trong trạng thái mệt mỏi. Bên cạnh đó, việc suy nghĩ nhiều khiến mình cảm thấy rất stress.

Mình không có khoảng thời gian làm việc cụ thể nhưng thường sẽ kết thúc một ngày vào khoảng 3h sáng, có những ngày sẽ là xuyên đêm”.

Nguyễn Minh Bách (Sinh viên năm 4 ngành Sư phạm Hóa Học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội).

Trong giai đoạn này, các bạn sinh viên năm cuối phải cùng lúc thực hiện nhiều yêu cầu như hoàn thành khóa luận, báo cáo thực tập, chứng chỉ,... để hoàn tất hồ sơ xét tốt nghiệp. Bởi vậy, áp lực là điều không thể tránh khỏi.

Ở thời điểm hiện tại, nhiều công việc không bắt buộc ngay lập tức cần bằng tốt nghiệp, nhưng theo Ngọc Khánh, hoàn thành đúng hạn tốt nghiệp đại học là đánh dấu một chặng đường của sinh viên đã đi qua và không còn bỏ dở điều gì. Khánh cho biết: “Việc kết thúc một chương trình học, hoàn thành các chứng chỉ để ra trường dễ hơn nhiều so với những áp lực công việc sau này. Nếu cái dễ mà mình không hoàn thành tốt thì sao mình có thể hoàn thành những cái lớn. Với nhiều môi trường chuyên nghiệp, dù mình làm trái ngành vẫn cần phải có bằng tốt nghiệp”.

Đối với Bách, việc nào đến hạn trước và quan trọng hơn, Bách sẽ ưu tiên hoàn thành việc đó trước. Nhận bằng tốt nghiệp đúng hạn cũng luôn là mục tiêu hàng đầu Bách đặt ra cho bản thân, vậy nên “người thầy tương lai” này luôn phải cố gắng đạt được mục tiêu đó, dù có trải qua những khó khăn như thế nào.

Không chỉ áp lực vì quá tải công việc, các bạn “tân cử nhân” tương lai cũng đang bỡ ngỡ trong quá trình thực tập bởi những gì được trải nghiệm thực tế phần đa đều rất khác so với những gì đã được học ở trường.

“Ra trường phải kiếm được việc tốt!”

Việc theo đuổi con đường Đại học là để tìm kiếm cơ hội tốt hơn cho bản thân. Nhưng tìm kiếm được một công việc phù hợp, đúng sở trường, đúng ngành chưa bao giờ là điều dễ dàng với những sinh viên sau khi ra trường. Nỗi lo về tìm kiếm công việc, thích nghi với môi trường, công việc mới, thu nhập,... luôn đau đáu trong suy nghĩ của nhiều bạn “tân cử nhân tương lai”. Đặc biệt là với những người lựa chọn công việc trái ngành nghề như Ngọc Khánh (Đại học Bách khoa Hà Nội).

Khánh chia sẻ: “Làm việc trái ngành nên mình không có nhiều cơ hội bằng các bạn học đúng ngành, vị trí công việc cũng như thu nhập có phần không được như mong muốn.

Có những thời điểm, mình cảm thấy những nỗ lực trở thành con số 0, những gì mình bản thân làm vẫn là chưa đủ. Và đôi khi mình còn hoài nghi về chính năng lực cũng như đặt rất nhiều câu hỏi cho bản thân như ‘mình đã thật sự cố gắng hay chưa?’ hay ‘tại sao mình lại kém như thế’”

Chưa kể tới những áp lực từ bạn bè đồng trang lứa (Peer Pressure), bên cạnh đó, những ảnh hưởng từ truyền thông, mạng xã hội cũng mang lại những tâm lý tiêu cực đến các bạn sinh viên sắp ra trường.

Nhưng đôi khi, những điều đó lại trở thành nguồn động lực to lớn cho chính họ để tìm cách vươn lên. Phạm Thu Yến (Sinh viên khoa Xuất Bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ:

“Chứng kiến thành công của các bạn đồng trang lứa mình rất ngưỡng mộ. Đằng sau hào quang đó là một quá trình nỗ lực vất vả. Bởi vậy, bản thân phải quay lại đặt câu hỏi cho mình, tìm ra hướng đi để cải thiện. Người ta nói mỗi người đều có một cuộc đời riêng, nên quan trọng là bản thân tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Hạnh phúc đến từ quá trình cố gắng để phát triển”.

Phạm Thu Yến (Sinh viên khoa Xuất Bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền).

Mức lương của sinh viên mới ra trường cũng là những điều rất đáng được quan tâm. Phạm Thu Yến cho biết, thời điểm mới bước chân vào nghề thì không nên xếp yếu tố thu nhập lên đầu tiên.

“Mặc dù thu nhập cũng rất quan trọng, nhưng ở khoảng 1-2 năm đầu sự nghiệp, các bạn trẻ nên ưu tiên các yếu tố phát triển bản thân. Bên cạnh đó, các yếu tố như lộ trình thăng tiến, chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc cũng vô cùng quan trọng. Với một người luôn hết mình trong công việc, sẵn sàng lăn xả và học hỏi thì chắc chắn sẽ sớm nâng cao giá trị bản thân, tăng thu nhập”, Yến chia sẻ thêm.

Cách vượt qua “khủng hoảng tuổi 22”

Với một người từng trải qua thời sinh viên, Bùi Đức Anh (2000), hiện đang làm việc tại Viettel Media rất thấu hiểu những áp lực mà các bạn sinh viên gặp phải trong giai đoạn chuẩn bị tốt nghiệp và đi làm này.

Bùi Đức Anh (2000), hiện đang làm việc tại Viettel Media.

Ở thời điểm hiện tại, Đức Anh cũng làm công việc trái với ngành nghề theo học. Anh tâm sự mình cũng từng trải qua những áp lực, lo lắng như những chia sẻ của những bạn sinh viên khác. Từ thiếu kinh nghiệm làm việc, choáng ngợp vì môi trường làm việc dẫn đến những sai sót trong công việc là điều không thể tránh khỏi.

Sau 1 năm bước ra “thị trường lao động”, Vi Hồng Hà Sương (2000), hiện đang làm việc tại VTC Now cũng chia sẻ lại rằng:

“Khi mới ra trường, mình không có định hướng cụ thể trong công việc và không xác định được điểm mạnh thực sự của bản thân. Có nhiều công ty, cơ quan mình mong muốn được làm việc, họ có tuyển dụng nhưng mình không đáp ứng đủ yêu cầu. Vì thế, mình phải bắt đầu từ việc làm ở các vị trí phù hợp với ngành học, sau đó, dần dần tìm các cơ hội tốt hơn”.

Vi Hồng Hà Sương (2000), hiện đang làm việc tại VTC Now.

Môi trường lao động thực tế có rất nhiều điểm khác với những kiến thức ở trường học. Với những gì được trải qua, Hà Sương thấy rằng kiến thức học được ở giảng đường là nền tảng, là điểm tựa giúp ích cho mỗi sinh viên sau khi tiếp cận với môi trường làm việc. Còn trong môi trường lao động thực tế, các nhà tuyển dụng, quản lý thường đòi hỏi nhiều kỹ năng, trải nghiệm thực tế hơn.

“Mình biết ở thời điểm này nhiều bạn chắc chắn cũng sẽ gặp phải áp lực như mình đã từng trải qua, đặc biệt là áp lực đồng trang lứa. Thế nhưng, mỗi người có một lộ trình riêng cho sự nghiệp của mình. Hãy nghiên cứu thật kỹ về những điểm mạnh, điểm yếu cũng như sở thích của bản thân để tìm ra lĩnh vực phù hợp. Việc nghiên cứu về đặc điểm công việc trên thị trường lao động cũng rất quan trọng, điều này sẽ giúp bạn biết được mình cần chuẩn bị những hành trang về kiến thức hay kỹ năng như thế nào”, Đức Anh chia sẻ.

Hà Sương cũng khuyên các bạn sinh viên năm cuối rằng: “Hy vọng các bạn có thể vượt qua những áp lực trong giai đoạn “khủng hoảng tuổi 22”. Khi đã tốt nghiệp, nếu chưa tìm được các công việc thực sự đúng với nguyện vọng, hay mất phương hướng trong việc chọn nghề, có thể thử nhiều vị trí, vai trò khác nhau, sau đó xác định công việc phù hợp nhất”.

Hằng Hoàng

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/sinh-vien-nam-cuoi-va-nhung-ap-luc-tuoi-22-post1532771.tpo