Sinh viên cần làm chủ, thay vì chỉ thụ hưởng các sản phẩm khoa học, công nghệ

Sáng 20/12, tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028, Hội đồng tư vấn, đồng hành cùng sinh viên cho rằng, sinh viên thay vì chỉ thụ hưởng những sản phẩm khoa học, công nghệ thì cần sáng tạo và làm chủ trong giai đoạn tới.

Tại phiên bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028, PGS.TS Phan Thanh Bình, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tham luận với chủ đề “Vai trò của sinh viên và tổ chức Hội Sinh viên trong quá trình tự chủ đại học”.

Theo PGS.TS Phan Thanh Bình, cơ sở giáo dục đại học tự chủ trên ba lĩnh vực: Chuyên môn (đào tạo, khoa học), Tổ chức (nhân sự, cơ cấu) và Tài chính. Để tự chủ thực sự phát huy hiệu quả, tạo không gian lý tưởng cho sáng tạo khoa học, cũng như thể hiện trách nhiệm, nhà trường nhất thiết cần có điều kiện triển khai thực chất, khả thi. Đó là xây dựng một cơ chế tự chủ gắn liền với trách nhiệm giải trình của cơ sở đào tạo cụ thể.

PGS.TS. Phan Thanh Bình cho rằng tự chủ vẫn còn nhiều điều để tiếp tục hoàn thiện. Trong tự chủ đại học, vai trò, vị trí của Hội Sinh viên và sinh viên trong nhà trường được xác định rõ. Sinh viên không chỉ là người thụ hưởng quá trình đào tạo mà còn tham gia rõ ràng hơn quá trình đào tạo. Sinh viên tham gia quá trình tự chủ là đối tượng được giải trình và có trách nhiệm tham gia vào quá trình quản trị nhà trường đại học, tham gia quá trình xây dựng tự chủ đại học hiệu quả, phù hợp. Điều này giúp sinh viên nhận thức rõ hơn trách nhiệm của bản thân với nhà trường, từ đó nhận thức về quá trình tự hoàn thiện thành công dân tự chủ.

GS.TS Trần Xuân Bách, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho rằng, học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của sinh viên. Do đó, Hội Sinh viên Việt Nam xác định nhiệm vụ triển khai nâng cao nhận thức về học tập chủ động, học tập suốt đời trong sinh viên, tạo môi trường để sinh viên yên tâm học tập, sáng tạo, nghiên cứu... là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Hội các cấp.

GS.TS Trần Xuân Bách trình bày tham luận “Sinh viên Việt Nam với hành trang khoa học – Công nghệ trong kỷ nguyên số” và cho rằng, dù bất cứ lĩnh vực nào thì yếu tố thúc đẩy then chốt nhất là tình yêu. Dành tình yêu, đam mê, trăn trở vào trong từng công việc, lĩnh vực đó là động lực thôi thúc mỗi cá nhân vươn lên gặt hái thành công. Trí tuệ cảm xúc chính là động lực cho mỗi cá nhân nỗ lực làm tốt nhất phần việc của mình.

"Chúng ta chính là những người vẽ lên thành công trong cuộc đời của mình. Một trong những phác thảo của hình ảnh thế hệ sinh viên hôm nay và tương lai là làm chủ, ứng dụng thành thạo khoa học công nghệ", GS.TS Trần Xuân Bách nói.

Theo GS.TS Trần Xuân Bách, chúng ta cần thay đổi cách nhìn về nghiên cứu khoa học. Do yêu cầu phát triển của cuộc sống, tư tưởng khoa học ngày càng gần gũi hơn. Sinh viên nghiên cứu khoa học bắt nguồn từ yêu cầu cuộc sống để tạo ra giá trị cuộc sống. Những kỹ năng chính của người làm nghiên cứu khoa học: Kỹ năng nghiên cứu, năng lực sáng tạo; kỹ năng xây dựng đội hình; tầm nhìn chiến lược; lãnh đạo và quản trị.

Tại phiên bế mạc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đã tham luận với chủ đề “Sứ mệnh của sinh viên trong bối cảnh chuyển đổi số”.

Ông Nguyễn Huy Dũng cho biết: "Mỗi bạn sinh viên có thể chọn một việc, một khía cạnh, một chuyên ngành để trở nên xuất sắc nhưng không giới hạn bản thân trong một lựa chọn, một con đường. Muốn trở thành một thế hệ lập trình viên xuất sắc, mỗi bạn sinh viên hãy bắt đầu từ việc lập trình ra những ứng dụng mới thay vì chỉ sử dụng những ứng dụng sẵn có".

Còn Nguyễn Trần Hưng, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài có trọng trách tăng cường đẩy mạnh mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và nước sở tại như trực tiếp quảng bá, giới thiệu nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam, giúp mang lại hiệu quả thiết thực cho Việt Nam trên các phương diện giao lưu kinh tế, chính trị và khoa học.

Được biết, trong thời gian tới, các Hội Sinh viên Việt Nam ở ngoài nước triển khai các chương trình và hoạt động bám sát với công tác hằng năm của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, trong đó chú trọng các hoạt động trong nhóm hỗ trợ du học sinh mới hòa nhập với môi trường sống và học tập tại nước sở tại, các hoạt động hướng nghiệp, hỗ trợ việc làm cho sinh viên, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và quan trọng hơn cả là các hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Đồng thời, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam là cầu nối để kết nối Hội Sinh viên Việt Nam ngoài nước với Hội Sinh viên Việt Nam trong nước, từ đó tận dụng thế mạnh của nhau để phát triển, triển khai các chương trình, hoạt động chung không chỉ mang lại giá trị cho du học sinh mà còn cho sinh viên trong nước.

Ngoài ra, các Hội Sinh viên Việt Nam ngoài nước có thể xem xét tham gia vào mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc gia, mạng lưới đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và các nước sở tại cũng như tham gia vào mạng lưới tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu. Thậm chí, hội sinh viên ngoài nước có thể tham gia xây dựng sàn giao dịch ý tưởng mà Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đề cập trong văn kiện đại hội.

Lê Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/sinh-vien-can-lam-chu-thay-vi-chi-thu-huong-cac-san-pham-khoa-hoc-cong-nghe-20231220115715190.htm