Sinh con một bề có cần hỗ trợ?

Chính thức có hiệu lực từ ngày 10-3-2021, Thông tư 01/2021/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn một số nội dung để địa phương ban hành chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số, được kỳ vọng là một trong các biện pháp nhằm kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Theo hướng dẫn của thông tư trên, các cặp vợ chồng sinh 2 con một bề cam kết không sinh thêm con, tùy từng địa phương, có thể được khen thưởng, hỗ trợ như: Tôn vinh, biểu dương việc nuôi con khỏe, dạy con ngoan, con học giỏi, thành đạt; miễn, giảm học phí, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế học sinh; hỗ trợ sữa học đường và các nội dung, hình thức phù hợp khác.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đưa ra một số nội dung khuyến khích, khen thưởng để duy trì vững chắc mức sinh thay thế cụ thể cho 33 tỉnh thuộc vùng mức sinh cao và 21 tỉnh thuộc vùng mức sinh thấp...

Mặc dù, Tổng cục Dân số nhấn mạnh, tùy theo tình hình thực tế, các địa phương quyết định hỗ trợ bằng tiền mặt, hiện vật hay các hình thức khác. Điều này không đồng nghĩa với việc, người dân trên cả nước, cứ sinh 2 con một bề là được hưởng các khuyến khích, hỗ trợ.

Tuy nhiên, đối tượng được hỗ trợ trong thông tư đang khiến nhiều người băn khoăn về tính khả thi. Bởi, đối với các gia đình sinh con một bề quan niệm đúng đắn về bình đẳng giới, thì sự hỗ trợ không những không cần thiết, mà vô hình trung gây nên sự bất bình đẳng với các gia đình có cùng số con, chỉ khác chỗ “nhiều bề”.

Thực tế khi các cặp vợ chồng sinh hai con một bề, là trai hay gái đã là sự thuận theo tự nhiên, không có thành tích gì, “bỗng dưng” được ưu tiên, xem ra không thuận lắm.

Các địa phương được trao quyền chủ động chọn lựa, bình xét đối tượng được hỗ trợ cũng thực sự lúng túng trong quá trình thực thi, do đặc điểm về mức sinh không đồng nhất trên các địa bàn quận (huyện), khu vực. Muốn hỗ trợ, địa phương phải cân nhắc từng trường hợp, soi chiếu tiêu chí, mà chưa chắc người được hỗ trợ đã bằng lòng. Rồi thu hồi phần hỗ trợ ra sao nếu gia đình “nhỡ kế hoạch” mà lỗi không phải do chủ quan?

Theo nhiều chuyên gia dân số, việc khuyến khích, hỗ trợ nếu không đi cùng với giải pháp truyền thông, giải thích cặn kẽ cho người dân thì rất dễ bị hiểu sai về tinh thần thông tư hướng tới nhằm giảm tình trạng sinh con thứ 3 và cân bằng nam/nữ. Năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là cứ 100 bé gái chào đời thì có 111,5 bé trai. Nếu mức độ mất cân bằng giới vẫn cao như này thì tới năm 2034, Việt Nam sẽ thừa 1,5 triệu nam giới từ 15 đến 49 tuổi.

Các nghiên cứu khoa học đều chỉ ra, nguyên nhân sâu xa của việc mất cân bằng giới tính xuất phát từ tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, tâm lý ưa thích con trai và nhu cầu có con trai đã tác động tới việc sinh thêm con và sử dụng các biện pháp lựa chọn giới tính khi sinh của nhiều cặp vợ chồng.

Do vậy, kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trước hết phải tập trung giải quyết từ vấn đề tư tưởng, nhận thức xã hội về bình đẳng giới, chứ không phải từ góc nhìn kinh tế. Trong đó, chú trọng các giải pháp tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức trong cộng đồng, gia đình và mỗi cá nhân để thay đổi hành vi.

Trong khi chờ đợi sự dịch chuyển của nhận thức, rất cần các chế tài đủ mạnh để dẹp bỏ những nhận thức, hành vi xâm phạm bình đẳng giới, tác động tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh của dân số như: ngăn chặn việc lựa chọn giới tính thai nhi; bảo vệ các quyền trẻ em và phụ nữ...

Công tác nâng cao chất lượng dân số đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Thiết nghĩ, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cần được xem xét thấu đáo và phù hợp để thực sự là giải pháp khả thi nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược dân số 2030.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/sinh-con-mot-be-co-can-ho-tro-post438215.html