Siêu tàu đổ bộ đệm khí Zubr vẫn 'độc nhất vô nhị' sau hơn nửa thế kỷ ra đời

Siêu tàu đổ bộ đệm khí Zubr Dự án 1232.2 được thiết kế cho Hải quân Liên Xô từ thập niên 1970 nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn không tỏ ra lạc hậu.

Siêu tàu đổ bộ đệm khí lớn nhất thế giới lớp Zubr được coi là "độc nhất vô nhị" trên thế giới khi có khả năng mang theo 3 xe tăng với tổng trọng lượng 150 tấn, hoặc 10 xe bọc thép lưỡng cư.

Lớp Zubr hay còn được gọi bằng cái tên tên Dự án 1232.2 được xếp hạng vào danh sách những siêu vũ khí huyền thoại của ngành công nghiệp quốc phòng Xô Viết.

Tàu có chiều dài 57 m, chiều rộng 25,6 m, mớn nước 1,6 m, tầm hoạt động 480 km, thủy thủ đoàn 30 người, được trang bị 5 động cơ turbin khí gồm 3 chiếc để đẩy tàu đi và 2 chiếc để nâng tàu lơ lửng trên mặt nước. Mỗi động cơ có công suất 11.836 mã lực.

Với khối động cơ này, tàu đạt tốc độ 100 km/h thông qua lực đẩy nhờ 3 cánh quạt đồ sộ phía sau. Khi không chở theo xe tăng hoặc xe bọc thép thì chiếc Zubr mang được lượng lớn binh sĩ lên tới 500 người.

Trên tàu có 4 hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp, 2 pháo cao tốc AK-630 và 2 dàn với 24 ống phóng rocket 140 mm. Chiếc Zub vừa có khả năng tự vệ lại vừa cung cấp hỏa lực yểm trợ tin cậy cho lính thủy đánh bộ.

Loại tàu này cũng rất thích hợp với lối đánh tập kích ven biển nhờ khả năng triển khai quân cực nhanh, gây bất ngờ lớn cho đối phương sau đó thu quân và rút lui nhanh chóng, không để cho đối phương kịp phản kích.

Không chỉ phục vụ việc đổ quân, các tàu đổ bộ đệm khí Zubr còn có khả năng di chuyển trên đất liền, vượt qua nhiều dạng địa hình, địa vật phức tạp để yểm trợ bộ binh tiến công hoặc đổ bộ vào sâu trong lòng đối phương.

Xét về đặc tính kỹ chiến thuật, cho dù đã ra đời hơn 50 năm nhưng chiếc Zubr vẫn tỏ ra vượt trội nhiều lớp tàu đổ bộ khác, chỉ thua kém các tàu cỡ lớn và đa năng ở chỗ không có khả năng chở theo trực thăng.

Nhận thấy những ưu điểm to lớn của lớp tàu đổ bộ đệm khí Zubr, Hải quân Liên Xô từng lên kế hoạch chế tạo tới 20 chiếc như vậy cho Hạm đội Baltic và Hạm đội Biển Đen, tuy nhiên đáng tiếc là mong muốn không thành hiện thực.

Hiện nay Hải quân Nga chỉ còn 2 tàu đang hoạt động, nhưng việc sụt giảm số lượng không phải do chúng bị loại biên khi đã trở nên lạc hậu và không còn đáp ứng được yêu cầu của tác chiến hiện đại.

Thực tế trên được chứng minh bằng việc Hy Lạp đã mua lại một vài tàu đổ bộ đệm khí từ Nga và vận hành tích cực. Trong khi đó Trung Quốc cũng đẩy mạnh chế tạo lớp chiến hạm này dựa trên nguyên mẫu mua từ Ukraine.

Nhiều chuyên gia quân sự nhận xét, trong Dự án 1232.2 Zubr, nhiều ý tưởng cũng như giải pháp hợp lý đã được đề xuất và triển khai thành công, giúp đạt được mức độ yêu cầu về đặc tính kỹ chiến thuật cũng như khả năng hoạt động.

Những con tàu nói trên vẫn phù hợp với hoạt động tác chiến hiện đại và giữ nguyên tính độc đáo thậm chí vài thập kỷ từ khi ra đời. Do vậy tiềm năng kỹ thuật, khả năng hiện đại hóa vẫn chưa cạn kiệt và chúng sẽ tiếp tục được sử dụng.

Trong tương lai gần, không loại trừ khả năng sẽ còn có những phiên bản nâng cấp của chiếc Zubr với kích thước lớn hơn và trang bị hiện đại ra đời, nối dài lịch sử vẻ vang của Dự án 1232.2.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/sieu-tau-do-bo-dem-khi-zubr-van-doc-nhat-vo-nhi-sau-hon-nua-the-ky-ra-doi-post552977.antd