Siêu tăng M1 Abrams không tránh được sự 'truy sát' của UAV Lancet

UAV tự sát Lancet của Nga đã phá hủy một xe tăng M1 Abrams mà Mỹ viện trợ cho Ukraine; cuối cùng chiếc 'siêu tăng' này không thể tránh được sự truy sát của loại UAV nguy hiểm bậc nhất trên chiến trường Ukraine.

Thông tin chiến trường Ukraine do RIA Novosti cung cấp cho biết, quân Nga thuộc Quân khu Trung tâm đã tiêu diệt một chiếc xe tăng M1A1 SA Abrams khác của Quân đội Ukraine ở phía tây thành phố Avdiivka. Điều đáng chú ý lần này là chiếc Abrams đã bị vô hiệu hóa bởi UAV tự sát Lancet.

Một nguồn tin giấu tên cho biết: “Một UAV tự sát Lancet của tiêu diệt vào một chiếc xe tăng Abrams ở khu vực Avdiivka”. Tuy nhiên tình trạng của chiếc xe tăng vẫn chưa chắc chắn, liệu nó có bị phá hủy hoàn toàn hay chỉ bị hỏng và liệu Ukraine có thể cứu kéo nó thành công?

Trước đó vào ngày 28/3, Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ thông tin lực Quân đội Ukraine mất thêm một chiếc xe tăng Abrams gần Avdiivka. Vào ngày 20/3, quân Nga đã tiêu diệt chiếc xe tăng Abrams thứ 4 của Ukraine cũng trên hướng Avdiivka bằng UAV FPV.

Như vậy gần đây, Quân đội Ukraine thường xuyên sử dụng xe tăng M1A1 SA Abrams mà Mỹ viện trợ trong chiến đấu, và chỉ ở khu vực phía tây Avdiivka. Theo các nguồn tin tình báo của Nga cho biết, số xe tăng Abrams này đều thuộc về Lữ đoàn bộ binh cơ giới 47 của Ukraine.

Sau khi pháo đài Avdiivka bị thất thủ vào ngày 17/2 vừa qua, quân Ukraine liên tục bị quân Nga đẩy lùi sâu về phía tây. Trước bối cảnh đó, Quân đội Ukraine đã buộc phải tung xe tăng M1A1 Abrams mà họ nhận được của Mỹ từ tháng 9 năm ngoái vào trận.

Theo một bài báo trên Bulgarian Military phân tích, có thể nguồn vũ khí của Ukraine đã cạn và buộc họ phải sử dụng những chiếc xe tăng Mỹ này trong chiến đấu. Tuy nhiên khi vừa được tung vào chiến đấu, thì chiếc M1A1 Abrams đầu tiên của Ukraine đã bị UAV FPV của Nga phá hủy.

Theo trang thông tin tình báo mã nguồn mở Oryx OSINT, hiện có 7 chiếc M1A1 Abrams của Ukraine bị phá hủy ở phía tây mặt trận Avdiivka. Trong đó đang chú ý là một chiếc Abrams đã trúng phải mìn chống tăng, nhưng kíp xe đã thoát được mà không ai bị thương.

Trong vài tháng qua, ngày càng có nhiều thông tin xung quanh sự hiện diện của xe tăng Abrams tại mặt trận Avdiivka. Kể từ ngày 5/2, có thông tin đầu tiên về việc nhìn thấy một chiếc xe tăng Abrams đang cơ động gần Avdiivka.

Đến ngày 26/2, thông tin về chiếc xe tăng Abrams đầu tiên của Ukraine bị phá hủy gần làng Steppove ở phía tây bắc thành phố Avdiivka. Có nguồn tin cho rằng, chiếc xe tăng này mới chỉ tung vào chiến đấu ngày 25/2 và mới bắn được 3 viên đạn pháo.

Theo trang web Bulgarian Military, khoảng 31 xe tăng M1 Abrams đã được Mỹ chuyển giao cho Quân đội Ukraine. Các thông tin từ cả Mỹ và Ukraine đều quy định rằng, những chiếc xe tăng này chỉ được chiến đấu trong biên giới Ukraine.

Theo các nhà phân tích, việc Ukraine thiệt hại quá nhiều xe tăng M1A1 Abrams trong một thời gian tương đối ngắn cho thấy, Quân đội Ukraine đã sử dụng số lượng lớn xe tăng Abrams tại mặt trận Avdiivka và có thể số xe tăng nguồn gốc Liên Xô của họ cũng đã hết.

Còn loại UAV tự sát Lancet vừa tiêu diệt chiếc xe tăng M1A1 Abrams của Ukraine tại Avdiivka vừa qua, được sản xuất bởi ZALA Aero, một chi nhánh của Tập đoàn sản xuất vũ khí chiến thuật Kalashnikov của Nga.

UAV Lancet là một loại tên lửa lảng vảng, hoạt động bằng động cơ cánh quạt chạy điện; được thiết kế với nhiệm vụ phát hiện, truy đuổi và tấn công các mục tiêu điểm di chuyển hoặc đứng yên một cách chính xác.

Được trang bị động cơ điện, UAV Lancet hoạt động tương đối “im lặng” nên khó bị phát hiện. Mặc dù sử dụng cánh quạt hai cánh, nhưng Lancet có có thể đạt tốc độ tới 300 km/h khi lao xuống tấn công mục tiêu, tạo ra sự cân bằng hoàn hảo giữa tốc độ và khả năng tàng hình.

Xem xét từ góc độ kỹ thuật, UAV Lancet được trang bị hệ thống quang học và điều khiển hiện đại, bao gồm một camera có độ phân giải cao có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm, cũng như hệ thống liên lạc mạnh, cho phép truyền dữ liệu theo thời gian thực trong phạm vi khoảng 40 km.

UAV Lancet có thể hoạt động liên tục trên không trong thời gian tối đa 40 phút và có thể được lập trình để hoạt động tự động với đường bay được xác định trước, hoặc được điều khiển bằng tay.

Thông thường việc trinh sát mục tiêu do các UAV trinh sát đảm nhận; khi phát hiện được mục tiêu, lúc này UAV Lancet mới được phóng đi. Lancet-3 sử dụng đầu đạn nặng 3kg, có sức nổ mạnh, có thể tiêu diệt được hầu hết các mục tiêu bọc thép trên chiến trường.

UAV Lancet được cho là một trong những máy bay không người lái có hiệu quả cao nhất trong số tất cả các UAV tham gia vào cuộc chiến Ukraine. Phiên bản mới của Lancet có thể tiêu diệt được cả những mục tiêu có giáp lồng bảo vệ.

Hiện nay Nga đang tích cực cải tiến UAV Lancet của họ thành vũ khí tấn công chính xác tầm xa, có thể tấn công các mục tiêu nằm sâu phía sau chiến tuyến của Ukraine tới 60 km. Theo nhà phát triển ZALA, loại UAV Lancet mới nhất của họ có thể tiêu diệt mục tiêu tối đa tới 110km. (Nguồn ảnh: X, ZALA, Sputnik, CNN).

UAV Lancet của Nga tấn công chiếc xe tăng M1A1 Abrams của Ukraine tại làng Berdychi phía tây bắc thành phố Avdiivka, tỉnh Donetsk, miền Đông Ukraine. Nguồn: X.

Tiến Minh (Theo Bulgarian Military)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/sieu-tang-m1-abrams-khong-tranh-duoc-su-truy-sat-cua-uav-lancet-1974894.html