Siêu cần cẩu Chesapeake 1000 - 'vũ khí bí mật' của CIA tái xuất sau vụ sập cầu ở Baltimore

Mỹ điều siêu cần cẩu Chesapeake 1000 với sức nâng 1.000 tấn, từng là 'vũ khí bí mật' của CIA trong Chiến tranh Lạnh, tham gia trục vớt xác cầu bị tàu đâm sập ở Baltimore.

Để giải quyết hậu quả vụ tàu hàng đâm sập cầu tại Baltimore, giới chức Mỹ giờ đây lại một lần nữa phải huy động siêu cần cẩu Chesapeake 1000.

Các kỹ sư và công binh Mỹ cuối tuần qua bắt đầu khoan cắt và giải tỏa những đoạn đầu tiên thuộc cây cầu thép Francis Scott Key.

Được biết cây cầu thép Francis Scott Key bị tàu container Dali đâm sập rạng sáng 26/3 và nằm chắn ngang dòng sông dẫn tới cảng Baltimore, một trong những cảng tấp nập nhất ở Bờ Đông nước Mỹ.

Bộ trưởng Giao thông Mỹ Pete Buttigieg ngày 30/3 nhấn mạnh quá trình dọn dẹp hiện trường vụ sập cầu sẽ "vô cùng phức tạp".

Theo ước tính có khoảng 3.000-4.000 tấn sắt thép biến dạng và bê tông vỡ vụn đang chắn ngang dòng sông Patapsco, có khúc chìm sâu hơn 15 m.

Theo Thống đốc bang Maryland Wes Moore, 4 cần cẩu nổi với sức nâng lớn sẽ được triển khai đến khu vực cầu sập trong ngày 1/4.

Theo Thống đốc bang Maryland Wes Moore, 4 cần cẩu nổi với sức nâng lớn sẽ được triển khai đến khu vực cầu sập trong ngày 1/4.

Phương tiện chủ lực trong quá trình này sẽ là siêu cần cẩu Chesapeake 1000, sở hữu sức nâng 1.000 tấn, được mô tả là một trong những cần cẩu nối lớn nhất tại Bờ Đông nước Mỹ.

Chesapeake 1000 không chỉ đơn giản chỉ là một chiếc cần cẩu khổng lồ. Nó từng là vũ khí bí mật của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), ra đời trong chiến tranh lạnh để thực hiện một nhiệm vụ tối mật.

Ý tưởng chế tạo chiếc cần cẩu khổng lồ được ra đời năm 1968 sau khi tình báo Mỹ phát hiện xác một tàu ngầm K129 mang tên lửa đạn đạo hạt nhân của Liên Xô đắm ngoài khơi Hawaii.

Tàu ngầm K129 nặng khoảng 1.750 tấn, chìm ở độ sâu 5.000m ở khu vực cách Hawaii khoảng 3.000 km về phía tây bắc.

Với tầm quan trọng của bí mật quân sự ẩn trong xác tàu ngầm Liên xô, CIA đã triển khai dự án Azorian để thu hồi chiếc tàu của đối phương.

Siêu cần cẩu khi đó được đặt tên Sun 800 và là chìa khóa quyết định thành bại của dự án, theo Gene Schorsch, cựu giám đốc thiết kế con tàu trục vớt cho CIA vào thập niên 1970.

Để tránh thu hút sự chú ý của Liên Xô, CIA đã nhờ một tỷ phú có tên Howard Hughes lập dự án để che đậy.

Howard Hughes tuyên bố đầu tư hàng triệu USD đóng tàu Hughes Glomar Explorer để thám hiểm đáy biển, nhưng thương vụ thực chất là bình phong cho Dự án Azorian.

Các bộ phận của cần cẩu được sản xuất riêng lẻ tại Minnesota và Texas, rồi chuyển đến xưởng đóng tàu ở Pennsylvania lắp ráp hoàn chỉnh.

Nhờ có siêu cần cẩu Sun 800, quá trình đóng tàu thám hiểm Hughes Glomar Explorer diễn ra nhanh chóng, khi mọi thiết bị hạng nặng đều có thể được chuyển lên tàu dễ dàng

. Gene Schorsch ca ngợi quá trình đóng tàu vào thời điểm đó là "thành tựu cơ khí" của thế giới.

Đến tháng 7/1974, khoảng 4 năm sau khi lắp ráp, tàu Glomar Explorer rời cảng tại California hướng đến điểm trục vớt xác tàu ngầm Liên Xô.

William Colby, giám đốc CIA vào thời điểm đó, còn tự tin cho rằng chiến dịch sẽ được sử sách ghi lại là thắng lợi tình báo lớn nhất lịch sử.

Nhưng kế hoạch đã không diễn ra như kỳ vọng của giới chức Mỹ. Tàu ngầm Liên Xô vỡ vụn trong quá trình trục vớt. Sau hai tháng loay hoay, tàu Glomar Explorer chỉ có thể thu hồi khoảng 1/3 xác tàu, cùng thi thể của 6 thủy thủ Liên Xô.

CIA không thể tổ chức thêm chuyến trục vớt nào khác vì một sự cố rò rỉ thông tin mật. Tài liệu dự án trong văn phòng làm việc của Howard Hughes bị lấy trộm, buộc giới chức Mỹ phải nhờ Cục Điều tra Liên bang (FBI) và cảnh sát Los Angeles vào cuộc điều tra.

Không lâu sau, báo chí Mỹ "đánh hơi" được thông tin và đến đầu năm 1975 đăng loạt bài viết đặt nghi vấn về con tàu thám hiểm của Hughes và chính phủ Mỹ.

Moscow cũng tăng cường giám sát hành tung của tàu Glomar Explorer trên Thái Bình Dương. Nhà Trắng cuối cùng quyết định ngừng mọi kế hoạch trục vớt phần còn lại của xác tàu ngầm Liên Xô.

CIA cho rằng dự án Azorian đã hoàn thành mục tiêu đề ra, nhưng truyền thông và giới nghiên cứu Mỹ nhận định tình báo Mỹ cuối cùng đã không thu thập được thông tin nào giá trị. Con tàu Glomar Explorer được chuyển đổi công năng thành tàu thăm dò dầu khí.

Siêu cần cẩu Sun 800 được bán lại cho công ty Donjon Marine, cải tiến sức nâng lên 1.000 tấn và đổi tên thành Chesapeake 1000.

Thiết bị này từng được sử dụng trong những dự án nhiều thách thức, trong đó một lần vận chuyển nhịp cầu nặng 1.000 tấn vào năm 2008.

Vào năm 2021, siêu cần cẩu Chesapeake 1000 cũng đã thực hiện một chuyến trục vớt con tàu nặng 700 tấn vào bị bão Sandy đánh lật.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/sieu-can-cau-chesapeake-1000-vu-khi-bi-mat-cua-cia-tai-xuat-sau-vu-sap-cau-o-baltimore-post572111.antd