Siêu anh hùng 'The Flash' xuyên qua đa vũ trụ

Nam diễn viên chính Ezra Miller tỏa sáng với vai diễn kép ngoạn mục trong 'The Flash' - phần phim siêu anh hùng mới nhất từ Vũ trụ điện ảnh DC. Bên cạnh đó là màn trình diễn của các diễn viên Sasha Calle, Michael Keaton (vai Người Dơi) và Michael Shannon…

 “The Flash” có đoạn kết gây cảm động

“The Flash” có đoạn kết gây cảm động

Xuyên không cứu gia đình

“The Flash” xuất hiện vài năm sau các sự kiện của “Liên minh công lý” (Justice League). Chịu áp lực từ công việc điều tra pháp y hàng ngày và tài chính khó khăn, Barry cảm thấy vô cùng chán nản. Đó là chưa kể cuộc kháng cáo sắp tới cho cha là Henry Allen (Ron Livingston đóng), người bị kết án vì tội giết vợ (mẹ của Barry).

Trong cơn trầm cảm, Barry thực hiện điều mà anh luôn làm tốt nhất: Chạy. Nhận ra khả năng cứu mẹ của mình, Barry chạy xuyên không để quay trở lại thời thơ ấu, thay đổi các sự kiện đã diễn ra nhằm cứu mạng bà, nếu thành công thì mẹ vẫn còn sống và bố sẽ không bị buộc tội. Nhưng trong chuyến du hành đó, Barry đã tạo ra một dòng thời gian kỳ quặc nơi anh chưa hề mường tượng trước.

Hệ quả là các thế giới xung đột và đảo lộn khi Barry sử dụng siêu năng lực để du hành ngược thời gian. Nỗ lực cứu gia đình vô tình làm thay đổi thực tại và tương lai của chính Barry, anh bị mắc kẹt trong một vũ trụ mà Tướng quân Zod (Michael Channel) ở hành tinh Krypton đe dọa hủy diệt trái đất để cứu hành tinh của hắn.

Không còn siêu anh hùng nào khác bên cạnh, Barry tìm cách nhờ đến sự giúp đỡ của nhân vật Người Dơi - một siêu anh hùng đang nghỉ hưu và cũng đang trong giai đoạn khủng hoảng mục đích sống. Họ đi giải cứu Siêu Nhân nhưng kết quả đã giải thoát Supergirl Kara-El (Sasha Calle) - một người Kryptonian đang bị cầm tù. Nhân vật Supergirl Kara-El thay cho Superman Kal-El là sự hoán đổi có chủ đích, cho thấy thế giới đã bị Barry xáo trộn không thể vãn hồi.

Nữ diễn viên Sasha Calle trong vai Supergirl

Nữ diễn viên Sasha Calle trong vai Supergirl

Hiệu ứng cánh bướm

“The Flash” được coi là một sự kiện giao nhau giữa nhiều vũ trụ, có một cảnh trong phim mà một nhân vật được hồi sinh nhiều lần, mỗi lần hồi sinh lại trống rỗng và gây thất vọng hơn so với lần trước. Barry vẫn tiếp tục “chạy” để thay đổi thực tại dẫu biết rằng anh không bao giờ có thể quay lại như cũ. Khi nhân vật chính tăng tốc với tốc độ của những vệt sét nóng bỏng sau lưng, hoặc bay lơ lửng trong không trung với chuyển động nhìn dòng thời gian, “The Flash” giúp người xem trở thành một phần của trải nghiệm kỳ lạ đó.

“Sự hài hước, trái tim đa cảm dễ bị tổn thương không thường thấy ở các siêu anh hùng chính là tài sản chính của bộ phim”.

Tạp chí Hollywood Reporter

Đúng như tên gọi, “The Flash” luôn tràn đầy năng lượng và chưa bao giờ hụt hơi, trận chiến cao trào cuối cùng phô bày cảnh chạm trán giữa nhiều phiên bản Barry ở giữa điểm giao thời gian là phần phát triển thông minh định nghĩa “đa vũ trụ” của DC. Không chỉ gặp nhau, các phiên bản Barry còn cố gắng thay đổi bản chất của nhau, điều đã được cảnh báo tối kỵ từ trước. Barry quyết định rằng việc viết lại những gì đã xảy ra là tùy thuộc vào anh ấy. Thế nhưng “Hiệu ứng cánh bướm” (hiện tượng mà một thay đổi nhỏ nhất cũng có thể thay đổi tiến trình lịch sử) đã xảy ra và Barry dường như không có lối thoát, ngay cả khi sau đó là một kết cục tích cực và có hậu nhất của câu chuyện “Barry cứu mẹ”.

Đa vũ trụ trong “The Flash” nhấn mạnh khả năng của nhân vật Barry có thể thay đổi các chiều vũ trụ. Khác với những bộ phim đa vũ trụ của nhà Marvel, hay trong bộ phim nổi tiếng đoạt giải Oscar “Cuộc chiến đa vũ trụ (Everything Everywhere All at Once)” của hãng A24, tập trung vào tính cách của từng nhân vật trong mỗi vũ trụ. Thông qua nhân vật Barry Allen khao khát tình bạn và yêu thương mẹ hơn bất cứ điều gì, “The Flash” giúp người xem hoài niệm và chấp nhận quá khứ một cách giản đơn bên cạnh những niềm vui và nỗi buồn. Dù bạn có là siêu anh hùng thì cũng không thay đổi được quá khứ theo cách bạn muốn, vì cuộc đời nơi đó đã được ấn định.

Ezra Miller tỏa sáng

Ezra Miller trình diễn kép trong “The Flash”

Ezra Miller trình diễn kép trong “The Flash”

Điểm nhấn đặc biệt trong “The Flash” là nam diễn viên chính Miller thể hiện một màn trình diễn kép tuyệt vời với tư cách là 2 phiên bản riêng biệt của nhân vật. Cụ thể là một Barry “bản chính” với nỗi đau do sự mất mát khủng khiếp, bên cạnh một Barry “bản phụ” có vẻ vô tư và bướng bỉnh.

Nữ diễn viên Sasha Calle trong vai Supergirl Kara- El là một bổ sung bắt mắt về mặt hình ảnh. Sự xuất hiện thoáng qua của Siêu Nhân (Nicholas Cage), Aquaman (Jason Momoa) mang đến cho bộ phim một nguồn năng lượng bổ sung đáng kể. Ngoài ra, sự trở lại của nhân vật Người Dơi do Michael Keaton diễn xuất sẽ khiến khán giả nhớ lại những hoài niệm về bộ phim “Người Dơi” kinh điển vào năm 1989. Keaton tạo nên sự hấp dẫn và cung cấp nền tảng cho những màn trình diễn kép “điên cuồng” của Miller. Đồng thời George Clooney - một cựu Người Dơi nức tiếng khác từ “Batman & Robin” (1997) - cũng làm khách mời xuất hiện vào cuối phim. Đây là chiến lược thông minh khi “The Flash” lần lượt giới thiệu một loạt các diễn viên mang tính biểu tượng trên màn ảnh rộng, làm khán giả thêm phần phấn khích và ồ lên thích thú.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/sieu-anh-hung-the-flash-xuyen-qua-da-vu-tru-post543147.antd