Siết chặt xả thải

Chủ nguồn thải không đổ chất thải rắn xây dựng trên vỉa hè, lòng đường, nơi công cộng, sông ngòi, suối, kênh rạch, các nguồn nước

UBND TP HCM vừa ban hành Quyết định 22/2024, thay thế cho Quyết định 73/2007 quy định về quản lý dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý bùn hầm cầu, bùn nạo vét hệ thống thoát nước và kênh rạch trên địa bàn TP HCM. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 20-5.

Nhếch nhác

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, tuyến đường Nguyễn Văn Bá (đường song hành đường Võ Nguyên Giáp), TP Thủ Đức, TP HCM nhếch nhác vì người dân vứt và đổ rác bừa bãi. Vỉa hè đoạn từ ngã tư Bình Thái chạy về dạ cầu Rạch Chiếc xuất hiện nhiều bãi rác nhỏ, từ rác thải sinh hoạt cho đến rác thải xây dựng như: ghế sofa, kính, nệm, gạch men, xà bần… gây mất mỹ quan đô thị. Cùng với rải rác nhiều khối bê-tông lớn "án ngữ" trên vỉa hè dọc tuyến đường này.

Chạy dưới dạ cầu Rạch Chiếc, rẽ phải vào khu dân cư Bắc Rạch Chiếc (phường Phước Long A) bắt gặp ngay những ụ xà bần. Bên đường là tàn tích của bãi chất thải xây dựng, sinh hoạt… bị đốt. Ngoài ra, còn có nhiều túi rác lớn nằm chen nhau dưới vũng nước… bốc mùi hôi.

Dọc đường 410 là một bãi rác ngổn ngang với đủ các loại rác. Chạy sâu vào khu dân cư, một bãi đất trống được tận dụng để đổ xà bần, chứa ván cũ, đồ phế thải…

Chạy về hướng Thảo Điền, ngay khu dân cư cao cấp, dưới cầu cạn metro số 1 là những trụ điện, khối bê-tông nằm ngổn ngang, vô chủ… Qua cầu Sài Gòn, bãi đất trống bên tay phải là nhiều bộ sofa cũ mèm, "an cư" đã lâu…

Có một nghịch lý là nơi để biển "cấm đổ rác" thường có rất nhiều rác. Điển hình, tiểu đảo ngay ngã 5 Đài Liệt sĩ (quận Bình Thạnh) lại ngổn ngang rác thải ngay dưới biển "khu vực cấm đổ rác".

Nhưng "tụ điểm xà bần" là phải kể đến khu vực dạ cầu sắt Bình Lợi - đối diện công viên dạ cầu Bình Lợi (đường Phạm Văn Đồng). Một dải rác thải được làm nền bởi đất đá, gạch, ghế công sở, tủ, nệm, kính…

Bãi rác ở dạ cầu sắt Bình LơịẢnh: Quốc Anh

Bãi rác ở dạ cầu sắt Bình LơịẢnh: Quốc Anh

Cần biện pháp và hành động cụ thể

Theo Quyết định 22/2024, chất thải rắn xây dựng sau khi phân loại không để lẫn với các chất thải khác và lưu giữ riêng theo quy định. Chủ nguồn thải không đổ chất thải rắn xây dựng trên vỉa hè, lòng đường, nơi công cộng, sông ngòi, suối, kênh rạch, các nguồn nước. Các hành vi vi phạm quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng và các quy định liên quan. Chủ thu gom, vận chuyển không chôn, lấp, đổ, thải hoặc chuyển giao chất thải rắn xây dựng trái quy định pháp luật bảo vệ môi trường và các quy định liên quan.

Theo Quyết định 22, phương tiện vận chuyển bùn hầm cầu là xe bồn kín chuyên dụng đáp ứng các yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về giao thông vận tải. Phương tiện phải có dòng chữ "vận chuyển bùn hầm cầu" ở hai bên, kèm theo tên cơ sở, địa chỉ, số điện thoại liên hệ…

TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP HCM, cho rằng khi TP áp dụng quy định mới theo Quyết định 22 thì trước hết, các cơ quan chức năng có trách nhiệm quản lý nhà nước cần đánh giá cách làm cũ đã bộc lộ những hạn chế ở mặt nào, đã ảnh hưởng đến mức nào về môi trường, giao thông và đời sống người dân? Trên cơ sở đó mới có luận chứng về việc thực hiện quy định mới để khắc phục những mặt hạn chế nào?

Theo TS Nguyên, có 5 đối tượng chịu trách nhiệm về quản lý nhà nước là Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Công an TP và UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức. Nhưng không thể "việc ai nấy làm" mà phải có sự kết hợp khi thực hiện.

"Mặt khác, các cơ quan này cần phải nắm được tình hình về thực hiện theo quy định cũ đang đủ sức hay quá tải, những thuận lợi, khó khăn… Có cần phải khảo sát lại hay các sở đã có sẵn dữ liệu để thực hiện theo quy định mới?" - TS Nguyễn Hữu Nguyên nói. Cũng theo ông Nguyên ngay cả khi có đủ dữ liệu liên quan thì từ khâu chủ thải, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý… cũng cần sự thống nhất về mối quan hệ, quy trình thực hiện theo các hợp đồng mới.

"Quy định mới là rất cần thiết nhưng các quy định không tự nó biến thành hiện thực. Kinh nghiệm thực tế cho thấy từ quy định đến kết quả thực hiện luôn có một khoảng cách vì phải qua khâu trung gian là những biện pháp cụ thể, hành động cụ thể để thực hiện. Nhanh chóng đưa các quy định mới vào cuộc sống là mong muốn của chính quyền và nhân dân TP" - TS Nguyễn Hữu Nguyên nhấn mạnh.

169 điểm ô nhiễm

Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM về tình hình chất lượng vệ sinh môi trường, cơ quan giám sát ghi nhận 169 điểm ô nhiễm tồn đọng rác thải trên địa bàn TP Thủ Đức và các quận, huyện. Trong đó, 140 điểm đã được dọn dẹp vệ sinh nhưng tái phát sinh rác thải, 15 điểm mới phát sinh và 14 điểm chưa dọn dẹp vệ sinh. Trong đó, nhiều điểm tồn đọng rác thải cần được giải quyết triệt để như TP Thủ Đức (45 điểm), quận Bình Tân (31 điểm), huyện Hóc Môn (19 điểm), quận 12 (14 điểm) và quận Bình Thạnh (11 điểm).

"Nín thở" chạy qua điểm thu gom rác

Ngược vào trung tâm TP, ghi nhận khu vực ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa, quận 3) cho thấy, việc tập kết rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng tại khu vực trên diễn ra thường xuyên. Ngay chân Cầu Kiệu (đường Trường Sa), các loại rác thải từ vật liệu xây dựng bị mang đến tập kết tại đây. Bên trong các túi rác này có các khối bê-tông vỡ và các mảnh vỡ của kính… Tương tự, tuyến đường Hoàng Sa cũng không khá hơn khi nhiều xe chứa rác tập kết tại đây kéo dài hơn 10 m. Trên vỉa hè là các mảnh vỡ của kính, gạch, đá còn sót lại của những đợt thu gom trước trông rất nhếch nhác. Gần đó, hơn 3 chiếc xe chứa rác bốc mùi khiến người dân lưu thông đoạn đường này chỉ biết "nín thở" mà chạy nhanh qua.

Quốc Anh - Ái My

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/siet-chat-xa-thai-19624052120341941.htm