Siết chặt quy trình bảo đảm an toàn lao động

An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là yếu tố quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo đảm tính mạng và sức khỏe cho người lao động.

Vì vậy, việc cải thiện điều kiện lao động, kiểm soát tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, bảo đảm an toàn cho người lao động trong sản xuất, hướng đến một nền sản xuất an toàn, năng suất cao trong toàn bộ chuỗi cung ứng phải luôn đặt lên hàng đầu.

Tai nạn lao động vẫn chưa giảm nhiều

An toàn lao động là tiêu chí bắt buộc trong quy trình sản xuất, kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Vấn đề này được lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quan tâm và có những chính sách, quy định bắt buộc, từ việc tuyên truyền, tập huấn, triển khai thực hiện, thanh tra, kiểm tra, có quy chế thưởng, phạt rõ ràng. Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, năm 2023, cùng với việc tổ chức các hoạt động cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập, chăm lo toàn diện đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, người lao động thì tình hình tai nạn, bệnh nghề nghiệp tiếp tục được kiểm soát. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm, đầu tư cho công tác bảo đảm ATVSLĐ. Hàng triệu lao động tích cực tham gia các phong trào thi đua về ATVSLĐ. Hàng trăm sáng kiến, mô hình, giải pháp phòng ngừa trong lĩnh vực ATVSLĐ được thực hiện mang lại tác dụng tích cực. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ được đẩy mạnh, lan tỏa, đa dạng các hình thức tiếp cận, chuyển tải thông tin tới người lao động. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ được tăng cường. Tổ chức tư vấn cải thiện điều kiện ATVSLĐ cho doanh nghiệp, các hộ gia đình được đẩy mạnh... đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người lao động.

Khám bệnh miễn phí cho người lao động tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô trong Lễ phát động Tháng công nhân, Tháng an toàn lao động năm 2024.

Tuy nhiên, dù đã có nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả nhưng thực tế, số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại. Năm 2023, trên toàn quốc đã xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động, làm 7.553 người thương vong (trong đó, 1.720 người bị thương nặng, 699 người chết). Tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản gần 16.357 tỷ đồng và hơn 149.770 ngày công, chỉ tính riêng trong khu vực có quan hệ lao động. Diễn biến tình hình tai nạn lao động trong khu vực không có quan hệ lao động có dấu hiệu gia tăng về số vụ, số người bị nạn. Mới đây nhất, ngày 22-4, vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái đã làm 7 người chết, 3 người bị thương. Nguyên nhân vụ tai nạn lao động được xác định là do sai sót trong quá trình vận hành sửa chữa máy móc.

Lý giải nguyên nhân số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng ở mức cao, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết: Nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều người lao động chưa được huấn luyện ATVSLĐ, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn, tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan. Công tác thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ cho khu vực không có quan hệ lao động đang bị hạn chế nhiều về nguồn lực. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác ATVSLĐ.

Tăng cường bảo đảm an toàn lao động

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, phát triển kinh tế bền vững phải gắn với bảo đảm cho mọi người được làm việc trong những điều kiện ATVSLĐ, được chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần, là chuẩn mực chung trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Với quyết tâm cải thiện điều kiện lao động, kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo vệ nguồn nhân lực hướng tới một nền sản xuất an toàn, có năng suất cao trong toàn bộ chuỗi cung ứng, chủ đề của Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 là: “Tăng cường bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc và chuỗi cung ứng”. Theo đó, phấn đấu giảm tai nạn lao động, nhất là tai nạn lao động nghiêm trọng, tỷ lệ tai nạn lao động chết người giảm ít nhất 4%/năm; số người lao động làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 5%/năm; số cơ sở phát sinh yếu tố có hại được quan trắc môi trường lao động tăng ít nhất 5%/năm.

Có thể nói, môi trường làm việc bảo đảm an toàn luôn là điều người lao động quan tâm. Vì vậy, người sử dụng lao động cần đặt công tác ATVSLĐ lên hàng đầu, xây dựng mạng lưới an toàn, vệ sinh viên và cải thiện môi trường làm việc an toàn cho công nhân lao động. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm ATVSLĐ không chỉ giúp hạn chế tai nạn lao động mà còn giúp người lao động yên tâm sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Theo ý kiến của bà Chihoko Asada-Miyakawa, Giám đốc khu vực châu Á và Thái Bình Dương của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), sự phối hợp giữa các ban, ngành của Chính phủ cùng với việc chuyển giao kiến thức và nâng cao năng lực bảo đảm an toàn lao động là rất quan trọng. Các sáng kiến về ATVSLĐ cũng nên được tích hợp vào các chiến dịch y tế cộng đồng rộng lớn với chương trình đào tạo về phòng ngừa sức khỏe nghề nghiệp có thể giúp người lao động tự bảo vệ mình và đồng nghiệp khỏi các rủi ro liên quan đến an toàn lao động hơn. Mặt khác, bằng cách đấu tranh cho quyền lợi của người lao động và bảo đảm tiếng nói của người lao động được lắng nghe, họ có thể giúp thúc đẩy an toàn nơi làm việc và ủng hộ các chính sách công bằng, hợp lý nhằm thúc đẩy những thay đổi tích cực trong môi trường làm việc.

Bài và ảnh: THU HƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/siet-chat-quy-trinh-bao-dam-an-toan-lao-dong-775021