Siết chặt quản lý vận tải tại cảng Đa Phúc

Được xác định là hàng hóa nguy hiểm, ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người, nên quá trình bốc dỡ, vận chuyển lưu huỳnh phải đáp ứng các điều kiện theo quy định. Tuy nhiên, việc chấp hành chưa đúng, chưa đủ các quy định này vừa diễn ra tại Bến thủy nội địa Thắng Lá ở cảng Đa Phúc.

Hoạt động vận tải tại Bến thủy nội địa Thắng Lá thuộc Công ty TNHH Thắng Lá, ở cảng Đa Phúc, phường Thuận Thành (TP. Phổ Yên).

Hoạt động vận tải tại Bến thủy nội địa Thắng Lá thuộc Công ty TNHH Thắng Lá, ở cảng Đa Phúc, phường Thuận Thành (TP. Phổ Yên).

Theo đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa Thái Nguyên, ngày 14-5, Bến thủy nội địa Thắng Lá tổ chức bếp bốc xếp hàng hóa dạng rời (lưu huỳnh) từ phương tiện đường thủy lên xe ô tô tải. Theo Nghị định số 34/2024 NĐ-CP ngày 31/3/2024 của Chính phủ, quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện đường thủy nội địa, lưu huỳnh thuộc hóa chất độc hại, có ảnh hưởng đến môi trường.

Việc bốc dỡ, vận chuyển lộ thiên tại đây đã dẫn đến một số vụn lưu huỳnh rơi vãi ra khu vực lòng sông, bề mặt bến bãi. Trong khi đó, bến này chỉ có chức năng bốc xếp hàng hóa thông thường, chưa được cấp phép bốc xếp hàng hóa nguy hiểm. Bến cũng chưa xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, theo quy định tại Điều 20, Điều 41 của Luật Hóa chất năm 2007.

Ngay sau khi nắm bắt sự việc, các cơ quan chức năng tại cảng Đa Phúc đã phối hợp kiểm tra, yêu cầu chủ bến ký cam kết không thực hiện bốc xếp hàng hóa nguy hiểm, khi chưa được cấp phép theo quy định. Chủ bến cũng đã khẩn trương thực hiện các biện pháp quét dọn, thu gom toàn bộ bột lưu huỳnh rơi vãi.

Kết quả kiểm tra hồ sơ bến thủy nội địa và thực tế hoạt động xếp dỡ hàng hóa cho thấy, Công ty TNHH Thắng Lá dù đã có phương án phòng cháy, chữa cháy cơ sở, song chưa được cơ quan thẩm quyền phê duyệt; chủ bến mới cung cấp được giấy xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản, phục vụ việc bốc xếp hàng hóa thông thường như: than, cát, sỏi… mà chưa đáp ứng yêu cầu bốc xếp mặt hàng hóa chất nguy hại.

Khu vực lưu huỳnh rơi vãi ra môi trường trong quá trình bốc xếp hàng hóa ngày 14-5 đã được Công ty TNHH Thắng Lá thu gom, quét dọn.

Khu vực lưu huỳnh rơi vãi ra môi trường trong quá trình bốc xếp hàng hóa ngày 14-5 đã được Công ty TNHH Thắng Lá thu gom, quét dọn.

Công tác quản lý, giám sát phương tiện, quá trình bốc xếp hàng hóa tại các bến thủy nội địa thuộc cảng Đa Phúc, ngoài Cảng vụ đường thủy nội địa Thái Nguyên, còn có UBND phường Thuận Thành, Đội Cảnh sát giao thông đường thủy Thái Nguyên. Tuy nhiên, khi hoạt động bốc xếp lưu huỳnh của Công ty TNHH Thắng Lá diễn ra, cơ quan chức năng lại chưa kịp thời phát hiện, dẫn đến việc hàng hóa rơi vãi, đặc biệt là lưu huỳnh rơi xuống sông gây hại môi trường.

Hơn nữa, bến cũng chưa đảm bảo đầy đủ các điều kiện trong hoạt động kinh doanh vận tải. Điều này cho thấy, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này tại đây vẫn còn lỏng lẻo, tồn tại nhiều bất cập.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thắng Lá, cho biết: Lưu huỳnh là hàng hóa nguy hiểm, song đây là lần đầu Công ty thực hiện bốc xếp, lại chưa được hướng dẫn cụ thể nên không thể tránh khỏi những sai sót.

Dù vậy, đó cũng chỉ là lý do để Công ty biện minh cho việc chủ quan, thiếu trách nhiệm trong công tác đảm bảo an toàn môi trường khi kinh doanh vận tải. Tại buổi làm việc giữa Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực II, UBND phường Thuận Thành, Đội Cảnh sát giao thông đường thủy nội địa Thái Nguyên với đại diện Công ty TNHH Thắng Lá, ngày 16-5, toàn bộ hồ sơ, thông tin vụ việc trên đã được ghi nhận, tổng hợp và báo cáo Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên. Đại diện các đơn vị đề nghị Sở kiểm tra, xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về hoạt động bốc dỡ, vận chuyển hóa chất nguy hiểm theo quy định.

Cảng Đa Phúc là điểm trung chuyển, lưu thông hàng hóa quan trọng của tỉnh Thái Nguyên, với 2 tuyến vận tải, một tuyến nối với Hải Phòng và một tuyến nối với Hòn Gai (Quảng Ninh). Cảng gồm 12 bến thủy nội địa được cấp phép hoạt động. Từ thực tế vụ việc nêu trên, các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động bốc xếp, vận chuyển hàng hóa tại khu vực này. Qua đó nhằm đảm bảo an toàn cho các phương tiện cũng như kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những vi phạm. Các chủ bến bãi cần tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật trong công tác đảm bảo an toàn giao thông, hoạt động vận tải...

Căn cứ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 05A:2020/BCT về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm, khi bốc xếp, vận chuyển hóa chất nguy hiểm, xe phải có thùng, bồn chứa chuyên dụng hoặc có mui, bạt che tránh mưa, nắng. Bạt che phủ phải kín toàn bộ phần hóa chất được vận chuyển, đảm bảo không tiếp xúc nước mưa, ánh sáng mặt trời trực tiếp và ngăn hóa chất rò rỉ, rơi vãi trên đường…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202405/siet-chat-quan-ly-van-taitai-cang-da-phuc-c96133c/