Sĩ tử nô nức đến Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội để cầu may

Chỉ còn ít ngày nữa, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội và một số địa phương sẽ chính thức diễn ra. Trong những ngày này, rất nhiều sĩ tử, phụ huynh đến Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội để dâng lễ, thắp hương.

Chiều 8/6, thời tiết Hà Nội nắng nóng gay gắt nhưng rất đông sĩ tử và phụ huynh đến với Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội. Bắt xe buýt quãng đường dài trên 20 km để đến Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội, nhóm 20 em học sinh lớp 9C Trường THTC Biên Giang (quận Hà Đông, Hà Nội) mong muốn sẽ có kết quả tốt trước khi kỳ thi tuyển sinh và lớp 10 trung học phổ thông sắp tới.

Nhiều phụ huynh và sĩ tử tìm đến Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội trước kỳ thi.

Nhễ nhại những giọt mồ hôi trên khuôn mặt, em Nguyễn Thị Hà Trang cho biết, năm nay em có nguyện vọng thi vào Trường THPT Chúc Động (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Dù đã chuẩn bị đầy đủ kiến thức nhưng vì lo lắng nên Trang và nhóm bạn đã đến Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội để tâm lý được thoải mái hơn.

Theo ghi nhận của PV Báo CAND, hầu hết các sĩ tử đến Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội đều mang bút, sách, máy tính cầm tay và một số đồ dùng học tập quen thuộc để “dâng” lên các ban thờ. Một số sĩ tử đã xin chữ thư pháp của các ông đồ. Nhiều em xin chữ “Đăng khoa” với mong muốn thành công, đỗ đạt trong kỳ thi sắp tới.

Trước đó, vào sáng 7/6, hàng chục em trong đoàn học sinh lớp 9 Trường ThCS Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội) trong đồng phục áo phông màu đỏ đã “đội nắng” xếp hàng dài làm lễ dâng hương. Không chỉ vậy, Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội những ngày nay còn đón các học sinh ở địa phương khác về đây như đoàn học sinh lớp 9 Trường THTC Khởi Nghĩa (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) dâng hương vào sáng 7/6.

Biển cảnh báo và hàng rào chắn trước khu vực bia đá.

Trao đổi với PV Báo CAND, TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa-Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội cho rằng, việc các sĩ tử tìm đến Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội là rất đáng trân trọng.

“Quan điểm của tôi là đến Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội là để tưởng nhớ, tri ân và noi những tấm gương sáng trong học hành của các bậc hiền tài, từ đó mỗi người có sự cố gắng, nỗ lực hơn nữa trong học tập. Các sĩ tử đến nơi linh thiêng này là để tự động viên mình, để tinh thần thoải mái hơn, còn việc đỗ đạt phải phụ thuộc vào quá trình “dùi mài kinh sử” của mỗi người. Chúng ta cần thay đổi nhận thức đến Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội là để cầu may”, TS Lê Xuân Kiêu nhấn mạnh.

Cũng theo TS Lê Xuân Kiêu, những ngày này, du khách đến với Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội đông hơn so với ngày thường (khoảng 3.000 du khách), tuy nhiên so với những năm trước thì số lượng đã giảm đi nhiều.

“Hiện tình trạng sĩ tử sờ đầu rùa đến nay hầu như không còn. Chúng tôi đã đặt biển cảnh báo, chắn hàng rào sắt và thường xuyên có bảo vệ trông coi, quản lý khu vực bia đá. Hiện nay, đầu của những chú rùa trên bia đá đã bị nhẵn bóng do trước đây các sĩ tử quan niệm sờ đầu rùa là may mắn. Tuy nhiên, phải khẳng định đây là việc làm xâm phạm đến di tích”, TS Lê Xuân Kiêu bộc bạch.

PGS.TS, nhà văn Lê Thị Bích Hồng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa-Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, mong muốn thi đỗ, xin hai chữ “Đăng khoa” trước mỗi kỳ thi là nguyện vọng hoàn toàn chính đáng của sĩ tử và phụ huynh. Trước mỗi kỳ thi, nhiều phụ huynh và thí sinh chuẩn bị lễ lạt chu đáo đến Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội, Đền Ngọc Sơn thành tâm khấn vái, cầu xin sự may mắn có lẽ được khởi nguồn từ yếu tố tâm linh “có thờ, có thiêng”.

“Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội là nơi đại diện cho trí tuệ, cho sự học hành của người Việt, bởi vậy mỗi dịp thi cử, các học sinh đến với nơi này đã trở thành nét văn hóa. Đây là điều cần giữ gìn và phát huy. Tuy nhiên, các thí sinh muốn đỗ đạt phải là do quá trình nỗ lực của mỗi người, chứ không thể trông chờ vào yếu tố tâm linh”, PGS.TS, nhà văn Lê Thị Bích Hồng thông tin thêm.

Ngô Khiêm

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/si-tu-no-nuc-den-van-mieu-quoc-tu-giam-ha-noi-de-cau-may-i696299/