Si Ma Cai liên kết sản xuất và tiêu thụ dược liệu

Thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy, huyện Si Ma Cai xác định dược liệu là một trong những cây trồng chủ lực, thế mạnh để phát triển nông nghiệp hàng hóa.

Cây dược liệu được trồng theo hướng hàng hóa tại Si Ma Cai từ 3 năm trước. Tiền thân của vùng sản xuất dược liệu là người dân liên kết với doanh nghiệp trồng gừng, sả, nghệ và một số hộ trồng tam thất. Khi hiệu quả kinh tế dần được khẳng định, cây dược liệu mang lại thu nhập cao hơn hẳn so với việc trước đây người dân chỉ trồng ngô, lúa nương thì việc chuyển đổi bắt đầu được nhân rộng. Người dân Si Ma Cai “bắt tay” với các doanh nghiệp (thông qua Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện) trồng một số loại cây dược liệu như đương quy, đan sâm, cát cánh, tục đoạn, vân mộc hương…

Từ đầu năm đến nay, người dân Si Ma Cai đã trồng 37 ha cây dược liệu các loại. Trong năm 2022, huyện phấn đấu trồng hơn 80 ha dược liệu theo đơn đặt hàng của các đối tác. Trên địa bàn huyện hiện có 3 doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ các loại dược liệu cho người dân.

Người dân xã Cán Cấu chăm sóc cây dược liệu.

Xã Cán Cấu có khí hậu mát mẻ quanh năm, độ ẩm cao, thuận lợi để phát triển nhiều loại cây dược liệu. Đây cũng là một trong những xã có diện tích trồng dược liệu lớn, bài bản của huyện Si Ma Cai. Dọc Quốc lộ 4, những năm trước, thời điểm này người dân đang vào vụ trồng ngô nhưng nay, đất đã được đánh luống, phủ ni lông, xuống giống dược liệu vụ mới.

Bà Ly Thị Chá, thôn Cán Cấu cho biết: Cả mảnh nương to này trước đây nhà tôi trồng ngô, nếu giá ngô hạt được 6.000 đồng/kg thì bán được 18 triệu đồng. Năm ngoái, gia đình tôi trồng cát cánh ở 1/4 mảnh nương (diện tích còn lại vẫn trồng ngô) mà thu về hơn 20 triệu đồng. Ngô không được giá, thu nhập bấp bênh, nên tôi giảm diện tích, chỉ để một phần phục vụ chăn nuôi.

Không chỉ tại Cán Cấu, nhiều hộ trên địa bàn huyện cũng mạnh dạn chuyển đổi đất trồng ngô, lúa nương kém hiệu quả sang trồng các loại dược liệu như gừng, đương quy, cát cánh… Diện tích sản xuất này không phải tự phát mà đều có sự liên kết giữa doanh nghiệp với người dân. Tham gia liên kết, người dân được doanh nghiệp hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ giống, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Năm 2021, dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ các loại nông sản, dược liệu gặp khó nhưng các loại dược liệu Si Ma Cai vẫn được thu mua ổn định, không bị tồn kho, trung bình mỗi ha dược liệu người dân có thể thu về 80 triệu đồng, gấp 4 lần trồng ngô.

Để nâng cao hiệu quả và phát huy tiềm năng cây dược liệu, trong thời gian tới, huyện Si Ma Cai tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển cây dược liệu, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân thâm canh, tăng năng suất đối với những loại cây dược liệu giá trị kinh tế cao. Xây dựng cơ chế, chính sách lồng ghép nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc đào tạo, tập huấn cho người dân về sản xuất, thu hái, bảo quản và chế biến dược liệu an toàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Trần Xuân Huy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Si Ma Cai cho biết: Si Ma Cai có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại dược liệu. Trên địa bàn huyện cũng có những doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ với người dân, đảm bảo vấn đề thị trường. Hiện nay, trung tâm đang thực hiện vai trò “cầu nối” giữa doanh nghiệp và người dân, hướng dẫn bà con sản xuất đúng quy trình và mở rộng quy mô, tạo vùng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Định hướng đến năm 2025, huyện Si Ma Cai sẽ mở rộng diện tích sản xuất dược liệu lên khoảng 500 ha, đưa cây dược liệu thành một trong những cây hàng hóa chủ lực của địa phương.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/355308-si-ma-cai-lien-ket-san-xuat-va-tieu-thu-duoc-lieu